Tại khu đất mà Aeon Mall chuẩn bị triển khai dự án trung tâm thương mại mới có được từ tay BIM Group, khúc mắc trong vấn đề đền bù với người dân vẫn chưa được giải quyết.

Dân quyết giữ đất, Aeon Mall có tìm được ‘đất sạch’ triển khai dự án?

Trí Lâm | 08/04/2017, 15:25

Tại khu đất mà Aeon Mall chuẩn bị triển khai dự án trung tâm thương mại mới có được từ tay BIM Group, khúc mắc trong vấn đề đền bù với người dân vẫn chưa được giải quyết.

“Đau đầu” chuyện giải phóng mặt bằng

Cách đây không lâu, BIM Group và Aeon Mall Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác về việc đầu tư dự án Trung tâm thương mại tiếp theo của Aeon Mall tại quận Hà Đông, Hà Nội. Dự án này nằm trên khu đất có diện tích 16,7ha do BIM Group làm chủ đầu tư, trong đó, Aeon Mall có tổng diện tích đất 9,5ha.

Dự án sẽ được khởi công ngay trong năm 2017, dự kiến khai trương cuối năm 2019 và trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam; kỳ vọng trở thành điểm trung chuyển giữa khu vực Tây Nam Hà Nội với các quận trung tâm.

Khu đất Aeon chuẩn bị xây trung tâm thương mại

Tuy nhiên, khu đất này từng là nỗi “ám ảnh” của BIM Group khi trong suốt 7 năm trời không thể giải phóng hoàn toàn mặt bằng để thực hiện dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông. Đến nay, vẫn còn 7 hộ gia đình (6 hộ tại tổ dân phố Hoàng Văn Thụ, 1 hộ tại tổ dân phố Kiên Quyết) vẫn không nhận tiền đền bù vì cho rằng chính quyền quận Hà Đông làm sai quy định pháp luật, gây thiệt thòi về quyền lợi cho người dân.

Sự xuất hiện của Aeon Mall được dự báo sẽ có tác động rất lớn đến giá trị bất động sản của khu đô thị Dương Nội cũng như các dự án ở khu vực lân cận. Tuy nhiên, việc đầu tư vào một “điểm nóng” đất đai trong nhiều năm qua và vấn đề tranh chấp chưa biết bao giờ mới dứt khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về tính khả thi của dự án. Liệu Aeon “bước qua lời nguyền” trong bài toán đất đai để khởi công đúng tiến độ hay tiếp tục sa lầy như Bim Group đã từng trong gần 7 năm qua?

Trở lại nguồn gốc khu đất, đây là dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông, nằm tại phường Dương Nội, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho BIMGroup ngày 6.6.2008. Quyết định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ giải tỏa mặt bằng cũng được tỉnh Hà Tây ban hành ngay sau đó.

Đến tháng 8.2009, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định số 4196/QĐ-UBND về việc thu hồi 16,7ha đất tại đây giao cho BIM Group thuê để thực hiện dự án. Gần 1 năm sau, ngày 15.10.2010, chủ đầu tư đã được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Hà Đông bàn giao phần diện tích hơn 15,8ha đã giải phóng xong mặt bằng, còn 3.806,7m2 của 11 hộ gia đình vẫn chưa được giải tỏa. Đến nay, còn 7 hộ chưa chịu nhận tiền đền bù.

Lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế khu đất

Sáng ngày 7.4, theo ghi nhận của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế nốt phần diện tích này của 7 hộ dân. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng tình với quyết định cưỡng chế và cho biết sẽ không nhận tiền nếu chưa đạt được thỏa thuận.

Khiếu nại quyết định cưỡng chế

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, bà Dương Thị Khuê (ủy quyền từ bố đẻ là ông Dương Văn Hà) cho biết gia đình bà có 1.389m2 đất nông nghiệp, gồm 4 thửa được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ. Đầu năm 2010, 3/4 thửa đất này đã được UBND quận Hà Đông thu hồi để phục vụ cho các dự án khác. Tuy nhiên, quận Hà Đông lại không ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư chi tiết cho từng hộ, không gửi phần chi tiết cho gia đình. Điều này sai với quy định tại điều 56, 57 Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Bà Khuê cho biết, thửa đất cuối cùng của gia đình rộng 360m2, có quyết định thu hồi tháng 6.2010. Đây là thửa đất duy nhất có phê duyệt phương án kèm phương án chi tiết (Quyết định số 7161/QĐ-UBND ngày 9.9.2010). Thế nhưng, phương án này lập chưa đúng quy định theo Nghị định 84, Nghị định 97, Quyết định số 18 mà chính UBND quận Hà Đông dùng làm căn cứ để ra quyết định thu hồi đất.

Theo bà Khuê, gia đình bà thuộc diện được hưởng chính sách trả đất dịch vụ một lần theo điều 40, Quyết định số 18 của UBND TP.Hà Nội. Cụ thể, khi Nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao thì hộ sử dụng ngoài việc được nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp (30.000 đồng/m2) còn được hỗ trợ bằng giao đất ở, hoặc bán nhà chung cư, hoặc bồi thường bằng tiền.

Các hộ dân không nhận tiền đền bù, tiếp tục khiếu nại

“Mục chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo Khoản 2 và 3, Điều 40, Quyết định số 18 không nằm trên phương án. Do đó, quyền lợi gia đình tôi không đảm bảo nên không giao đất”, bà Khuê cho hay.

Tương tự bà Khuê, gia đình ông Dương Văn Dư cũng khiếu nại quyết định cưỡng chế của quận Hà Đông. Ông Dư cho biết, gia đình ông có 2.400m2 đất nông nghiệp, gồm 7 thửa được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ. Đầu năm 2010, quận Hà Đông ra quyết định thu hồi 5 thửa để thực hiện các dự án khác. Trong quá trình này, gia đình ông không nhận được quyết định phê duyệt phương án và phương án chi tiết đúng theo quy định tại điều 57 Nghị định 84, điều 58 Quyết định số 18 của UBND TP.Hà Nội. Do đó, gia đình không có căn cứ đểgiao đất.

Đến nay, quận Hà Đông tiếp tục thu hồi 2 thửa đất cuối cùng của gia đình ông nhưng vẫn không thực hiện theo đúng quy định của Quyết định số 18 do UBND TP.Hà Nội ban hành nên gia đình ông không giao đất vì không đảm bảo quyền lợi.

Đây cũng là khúc mắc chung của 7 hộ dân tại khu vực này và bởi lý do đó, các hộ dân chưa nhận tiền đền bù đất tại dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông hiện nay. Người dân yêu cầu xây dựng phương án bồi thường cho tất cả các thửa đất.

Yêu cầu UBND Hà Đông kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Ngày 26.10.2010, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 5284/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Dương Văn Hà nêu rõ: “Giao UBND quận Hà Đông kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vì UBND quận Hà Đông không giao quyết định phê duyệt phương án cho gia đình ông Dương Văn Hà đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất. Như vậy, việc làm này là chưa đúng theo Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29.9.2009 của UBND TP.Hà Nội.

Kết luận ngày 4.5.2012 của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ UBND quận Hà Đông chưa thực hiện đầy đủ quy định về pháp luật, trình tự thủ tục khi thu hồi nhưng đã cưỡng chế đất của gia đình ông Hà là chưa đúng quy định. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.Hà Nội tổ chức xử lý, kiểm điểm đối với những đơn vị, cá nhân có liên quan, cụ thể là Hội đồng bồi thường và Tổ công tác GPMB quận Hà Đông.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân quyết giữ đất, Aeon Mall có tìm được ‘đất sạch’ triển khai dự án?