Người dân hôm qua 7.11 đã vây chặt trạm thu phí Xuân Mai (tỉnh Hòa Bình), chặn cả xe của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nhờ ông Quốc gửi kiến nghị lên Bộ GTVT... Sau vụ việc này, các bên liên quan nói gì?
Đại diện trạm thu phí quốc lộ 6 Xuân Mai (Hòa Bình) cho biết việc người dân vây trạm thu phí đã xảy ra nhiều lần. Từ ngày 30.10, nhà đầu tư đã tạm miễn vé lượt với những người dân sinh sống tại khu vực thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) với ô tô dưới 12 chỗ và dưới 4 tấn. “Những người tụ tập, phản ứng tại trạm chủ yếu là người dân có xe trên 12 chỗ và trên 4 tấn tại khu vực thị trấn Lương Sơn. Trong khi các xe tại khu vực khác đi qua đây lại chấp hành rất tốt”, ông này cho biết.
Trao đổi với báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay nhà đầu tư đã nhiều lần đối thoại với người dân, Bộ GTVT cũng đã họp với nhà đầu tư dự án BOT quốc lộ 6 liên quan đến phản ứng của người dân sinh sống tại thị trấn Xuân Mai, gần khu vực thu phí.
“Chúng tôi đã yêu cầu nhà đầu tư thực hiện khảo sát, thống kê số lượt người dân sinh sống tại thị trấn và khu vực gần đó đi lại qua trạm thu phí. Với những người tại thị trấn và khu vực lân cận di chuyển trên 2 lượt/ngày qua trạm thu phí, Bộ yêu cầu nhà đầu tư giảm 40% vé tháng với những người dân. Vé tháng nếu tính bình quân thấp hơn vé lượt, giảm 40% vé tháng cũng tương đương với giảm 60% vé lượt. Bộ cũng đang có văn bản chính thức đề nghị với Bộ Tài chính về việc này”, ông Trường cho biết.
Liên quan đến việc người dân phản đối vị trí đặt trạm và mức thu phí quá cao, ông Trường cho rằng vị trí đặt trạm thì Bộ GTVT, nhà đầu tư, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã tính toán kỹ. “Mức phí thu tại đường này là mức phí chung theo quy định của Bộ Tài chính, không cao hơn các nơi khác”, ông Trường nói.
Trạm thu phí quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình chính thức thu phí từ ngày 20.10, sau khi chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn thành cải tạo, nâng cấp hơn 30km đoạn Xuân Mai - Hòa Bình thuộc dự án cải tạo quốc lộ 6 Hà Nội - Hòa Bình theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng và miền núi. Mức thu phí được áp dụng theo Thông tư số 122/2015/TT-BTC, ngày 18.8.2015 của Bộ Tài chính.
Theo đó, đến hết ngày 31.12.2015, mức phí gồm 5 loại, thấp nhất: 25.000 đồng/vé/lượt với xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, cao nhất: 180.000 đồng/vé/lượt với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 feet.
Kể từ ngày 1.1.2016 trở đi cũng gồm 5 loại vé, nhưng tăng lên đáng kể so với mức thu ban đầu. Cụ thể, thấp nhất: 35.000 đồng/vé/lượt với xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, cao nhất: 200.000 đồng/vé/lượt với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 feet.
Từ thời điểm thu phí, người dân đã nhiều lần chặn phương tiện bày tỏ thái độ bức xúc và yêu cầu các đơn vị liên quan giải quyết.
Mai Hà/Thanh Niên