Danh họa người Thụy Sĩ H.R. Giger - ‘cha đẻ’ của xenomorph, một trong những quái vật đáng sợ nhất lịch sử Hollywood thuộc thương hiệu phim kinh điển ‘Alien’, có cuộc đời dị thường và đáng nhớ không kém mỗi nhân vật lạ lùng ông tạo ra trên màn bạc. Nếu đam mê điện ảnh, rất có thể Giger đã từng khiến bạn gặp ác mộng.
Ngay cả khi bạn không biết về tên gọi ‘xenomorph’, không khó để nhận diện gã khổng lồ ghê rợn này, với cơ thể cao to, chiếc đầu cong dài kì dị, hàm răng sắc nhọn, cùng cái đuôi ‘độc dược’ được dùng như món vũ khí chết chóc.
Xenomorph - một sản phẩm nghệ thuật thuần túy, lại đủ sức gieo rắc nỗi sợ hãi đến bao thế hệ người hâm mộ điện ảnh suốt hàng thập niên. Quái thú làm nên danh tiếng cho series phim khoa học viễn tưởng huyền thoại ‘Alien’, cũng là ‘đứa con tinh thần’ ấn tượng tạo hình bởi thiên tài hội họa quá cố, Hans Ruedi Giger.
Giger làm việc cùng một mô hình xenomorph trên phim trường ‘Alien’, năm 1979.
“Necronom IV” (1976)
Thế nhưng, nhiều sáng tác của Giger vượt xa dấu ấn khoa học giả tưởng. Chúng kết hợp yếu tố kinh dị và trừu tượng, thêm vào ‘chân trời’ tưởng tượng vô hạn định những dấu ấn khiếp đảm duy vẫn liên tục mê hoặc con người.
Cảm hứng sáng tác ở Giger khởi nguồn từ niềm thích thú kỳ lạ của ông về hình ảnh “sọ người, xác ướp và nhiều thứ tương tự”, theo lời ông chia sẻ trên tạp chí Time Out năm 2009. Cùng với đó là vô số ám ảnh tuổi thơ.
Sinh năm 1940 tại Chur, thành phố cổ kính nhất Thụy Sĩ, Giger bắt đầu vẽ tranh từ khi còn rất nhỏ. Một cách hiệu quả giúp ông diễn giải những cơn ác mộng thường trực lẫn nhiều giấc mơ khó hiểu.
“Ông ấy không ngừng nói về điều đó”, nhà giám tuyển nghệ thuật Andreas Hirsch, một người bạn của họa sĩ, cho biết.
Năm 2011, Hirsch cộng tác cùng Giger nhân sự triển lãm “H.R. Giger: Dreams and Vision” tổ chức ở bảo tàng Kunst Haus Wien, thủ đô Viên, Áo. Chuyên gia giám tuyển tiết lộ, tuổi thơ qua lời kể của danh họa quá cố, được “lắp đầy bằng nỗi sợ”.
“Ông ấy nhắc đến ký ức về cánh cửa sổ mở dẫn tới những lối đi tối tăm, những đoạn trần nhà cũ khiến Giger ‘lạnh gáy’ mỗi lần ngước nhìn”, Hirsch nói. “Tôi nghĩ chứng sợ hãi này đã phản ánh niềm đam mê họa hình từ sớm ở Giger”.
Sức ép chiến tranh, cụ thể là Thế chiến thứ hai, trở thành nhân tố khác khiến tranh Giger ‘nhuộm màu’ đen tối.
Trong bài phỏng vấn cho tờ Vice năm 2011, vị họa sĩ hồi tưởng: “Tôi có thể linh cảm được mỗi lúc bố mẹ tôi lo sợ. Tất cả đèn trong nhà luôn phủ ánh sáng xanh mờ ảo để máy bay ném bom không chú ý đến chúng tôi”.
Giger hoàn tất một bản vẽ siêu thực trong studio riêng nhỏ bé, thập niên 1970.
Về bản chất hội họa Giger, Hirsch nhận xét: “Ông ấy phản ứng trước hiện thực tàn khốc bằng những bức vẽ. Giger muốn chuyển hóa nỗi sợ xuống mặt giấy -- nhưng không nhằm mưu cầu một cái kết tươi đẹp, mà đơn thuần để nắm bắt chân dung những thứ khiến ông sợ hãi”.
Bất kể chịu sự phản đối từ bố ông, người muốn con trai nối nghiệp dược sĩ, Giger đăng kí học thiết kế kiến trúc tại trường Nghệ thuật Ứng dụng tọa lạc ở thành phố Zurich (miền bắc Thụy Sĩ). Tốt nghiệp giữa thập niên 1960, ban đầu, ông dự định trở thành nhà thiết kế nội thất, nhưng nhanh chóng quay lại đeo đuổi mơ ước hội họa. Giger chuyển từ chất liệu mực in sang màu dầu, và sau cùng, ông vẽ bằng bút phun sơn.
Chưa đầy 1 thập niên tiếp theo, danh tiếng Giger đạt được bắt đầu ‘vượt’ khỏi lãnh thổ Thụy Sĩ.
“Ông ấy khởi nghiệp bằng một số triển lãm nhỏ, tại quán bar nghệ thuật hoặc những nơi công cộng”, Hirsch nói. “Nhưng tài năng của Giger sớm vươn ra bên ngoài địa hạt mỹ thuật”.
“Cthulhu (Genius) III” (1967)
Vị họa sĩ tự mô tả phong cách vẽ cá nhân chịu dấu ấn “cơ sinh học” (phối hợp giữa chi tiết máy móc thô cứng và bộ phận sinh học uyển chuyển). Thực chất, Giger là người ‘mở đường’ cho thể loại mỹ thuật cơ sinh học.
Giger thậm chí từng gây ấn tượng với một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế kỉ 20: Salvador Dalí. Dalí biết đến ông thông qua họa sĩ người Mỹ Robert Venosa, một người bạn chung của cả hai.
Đầu những năm 1970, chính Dalí đã chủ động giới thiệu Giger với đạo diễn gạo cội gốc Chile - Alejandro Jodorowsky, người khi ấy đang ấp ủ kế hoạch làm phim viễn tưởng chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển ‘Dune’ của Frank Herbert. Giger đồng ý vẽ bản thảo ý tưởng cho phim. Tuy nhiên, dự án đầy tham vọng đột ngột bị hoãn khiến ông bỏ dỡ cơ hội tiến thân vào lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.
Đến năm 1977, Giger xuất bản series ‘Necronomicon’, chuỗi tác phẩm tranh đồ sộ đầu tiên trong sự nghiệp cầm cọ. Nhiều sáng tác thuộc tuyển tập giờ đây trở nên nổi danh không thua kém loạt bức họa quái thú ‘Alien’. Nhân vật chính của series là những gã ‘quỷ lùn’ dáng hình kì dị với cơ thể đầy chi tiết cơ học đứng trên những cột tháp to lớn, một người ngoài hành tinh hướng mắt nhìn về vùng đất hoang khô cằn, hay những ‘cổ máy’ cơ-sinh học rùng rợn trông như một thực thể sống. Đơn giản hòa phối 2 sắc nền chủ đạo trắng và đen, ‘Necronomicon’ vẫn dễ dàng ghi dấu ấn ám ảnh với công chúng yêu nghệ thuật.
“Li I” (1974)
Giger (trái) và Ridley Scott (giữa) trên phim trường ‘Alien’ năm 1979
Ridley Scott, đạo diễn siêu phẩm ‘Alien’ - vốn bấy giờ còn ở giai đoạn tiền sản xuất, vô tình nhìn thấy một bản tranh ‘Necronomicon’ trên một bàn làm việc tại văn phòng hãng phim 20th Century Fox.
Scott nhớ lại: “Tôi liếc nhìn bức vẽ, và chưa từng thấy chắc chắn hơn về điều gì trong đời mình. Tôi bị thuyết phục hoàn toàn. Tôi phải mời được Giger tham gia phim”.
Hình tượng ‘quái vật không gian’ xenomorph được lấy từ 2 bản tranh thuộc tuyển tập ‘Necronomicon’, thể hiện vóc dáng một sinh vật cao gầy với cơ thể nửa người-nửa máy, có chiếc đầu thuôn dài kì dị.
“Xenomorph truyền tải gần như hoàn chỉnh thứ tôi hình dung khi đọc kịch bản ‘Alien’, đặc biệt ở cách chúng trông khiếp đảm nhưng lại lôi cuốn kỳ lạ”, Scott viết trong chương giới thiệu cuốn sách ‘H.R. Giger’s Film Design’, xuất bản năm 1996.
Xenomorph, ngay khi ‘trình làng’, lập tức trở thành một biểu tượng điện ảnh, xuất hiện xuyên suốt trong toàn bộ 8 phần tiếp nối của thương hiệu ‘Alien’. Kéo theo đó là một loạt phim dựng lại, trò chơi điện tử, phim ngắn, cũng như đa dạng sản phẩm văn hóa nghệ thuật trên toàn cầu.
Với tạo hình xenomorph, Giger mang về một tượng vàng Oscar (năm 1980) ở hạng mục Kỹ xảo xuất sắc nhất. Tạo tiếng vang khắp Hollywood, thế nhưng, danh họa gốc Thụy Sĩ phải chật vật tìm dự án phim chất lượng để cộng tác. Sau thành công từ ‘Alien’, Giger chỉ tham gia thiết kế kỹ xảo trong 3 tác phẩm hành động viễn tưởng nổi bật: “Poltergeist II” (1986), “Species” (1995) và “Batman Forever” (1995). Không ít bản thảo ông thực hiện cho những tựa phim hoặc không được dùng đến, hoặc âm thầm biến mất.
Cảnh phim sống động trong ‘Alien’
Trước thực trạng ấy, Giger tìm đến phương hướng khác nhằm có thêm thu nhập lẫn kinh phí sáng tác. Một trong những cách ông chọn là xây dựng Giger Bar -- những quầy bar nghệ thuật độc đáo. Hai địa chỉ hiện nay còn được duy trì, một tại thành phố quê hương ông - Chur, và một tại thị trấn du lịch Gruyères (bang Fribourg, miền tây Thụy Sĩ), nơi có bảo tàng cá nhân H.R. Giger vinh danh vị họa sĩ quá cố.
Ở bar Gruyères, đích thân Giger vẽ thiết kế nội thất, với những mảng tường phủ sọ người ngoài hành tinh và mẫu bàn ghế ‘xương sống’ Harkonnen - thứ ông từng sáng tạo riêng cho dự án điện ảnh ‘Dune’ bị quên lãng của Jodorowsky.
Giger Bar, Gruyères.
“Sinh thời, ông ấy chưa lúc nào ngưng sáng tác. Giger chỉ chuyển sự quan tâm từ mỹ thuật đến môi trường, đến những lĩnh vực rộng hơn”, chuyên gia giám tuyển Hirsch nhìn nhận.
“Đấy là phong cách sống của Giger, một nhà thiết kế nội thất trẻ lần tìm chỗ đứng nơi thế giới hội họa, để sau đó trở thành một nghệ sĩ chín chắn, dựng nên khoảng không riêng nơi ông cất giữ từng thứ di sản của riêng ông”.
Không quá lời khi nói, thành tựu nghệ thuật Giger gầy dựng có được một phần chính nhờ những cơn ác mộng khủng khiếp ông phải trải qua thời thơ ấu. Đến tuổi trưởng thành, vị họa sĩ tìm ra sự cộng hưởng nơi nỗi sợ khi ‘hiện thực hóa’ chúng bằng hình ảnh.
“Giger tiếp cận nỗi sợ hãi mang tính cá nhân dẫu cũng ẩn hiện tính kết nối”, Hirsch nói.
Điểm thú vị, theo nhà giám tuyển, là cách nghệ thuật siêu thực kỳ dị của Giger, bất kể chất rùng rợn, vẫn lôi cuốn công chúng một cách khó hiểu. Không gì đáng sợ duy đầy ấn tượng như cảnh quái thú xenomorph mở rộng bộ hàm phủ răng nhọn, để lộ phần miệng phía trong như một xúc tu, đối diện là nữ phi hành gia Ellen Ripley đang run lên vì khiếp đảm.
Như Ý (nguồn: Artsy)