Hiện Đạm Hà Bắc đang "ôm" khoản lỗ lũy kế lên đến hơn 2.200 tỉ đồng, tổng nợ phải trả hơn 9.250 tỉ đồng, gấp 17 lần vốn chủ sở hữu của đơn vị là hơn 552 tỉ đồng.

Đạm Hà Bắc lỗ hơn 2.000 tỉ, nợ gấp 17 lần vốn chủ sở hữu

tuyetnhung | 23/10/2017, 12:13

Hiện Đạm Hà Bắc đang "ôm" khoản lỗ lũy kế lên đến hơn 2.200 tỉ đồng, tổng nợ phải trả hơn 9.250 tỉ đồng, gấp 17 lần vốn chủ sở hữu của đơn vị là hơn 552 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã CK: DHB) mới được công bố cho biết 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.802 tỉ đồng. Trong đó, giá vốn bán hàng "ngốn" vào hơn 1.659 tỉ đồng, chi phí lãi vay làhơn 532 tỉ đồng... và nhiều khoản chi phí khác, khiến lợi nhuận sau thuế TNDN của Đạm Hà Bắc âm hơn 480 tỉ đồng. Theo đóhiện nay, Đạm Hà Bắc đang "ôm" khoản lỗ lũy kế lên đến hơn 2.200 tỉ đồng.

Tính đến hết quý 3 năm nay, tổng tài sản của Đạm Hà Bắc ở mức 9.803 tỉ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản của Đạm Hà Bắc là tài sản cố định, trị giá 8.540 tỉ đồng.

Về nguồn vốn, đến hết ngày 30.9.2017, vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc ở mức 552 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của công ty này lên đến 9.250 tỉ đồng (tăng gần 400 tỉ so với đầu năm), gấp tới gần 17 lần vốn chủ sở hữu. Trong tổng số nợ này, Đạm Hà Bắc nợ ngắn hạn là hơn 1.768 tỉ đồng, nợ dài hạn là 7.482 tỉ đồng.

Mới đây, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã có báo cáo lên Bộ Công Thương về tình hình thực hiện liên quan đến việc vay vốn đầu tư dài hạn, vay vốn lưu động, lãi suất và cơ cấu nợ vay tại các ngân hàng tại 4 dự án đang gặp khó khăn của tập đoàn.

Tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hiện 4 dự án nhà máy đạm của Vinachem bao gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem và DAP 2 - Lào Cai đang có nợ gốc lên tới 8.588 tỉ đồng. Trong đó, Đạm Hà Bắc nợ 3.952 tỉ đồng, chưa kể khoản nợ lãi quá hạn lên tới 422 tỉ đồng. Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Đạm Hà Bắc còn nợ 3.358 tỉ đồng.

Trước những khoản nợ khủng ở trên, Vinachem đã ra đề xuất kéo dài thời hạn vay, giảm lãi suất tiền vay đối với các khoản vay đầu tư dài hạn chưa được VDB xem xét giải quyết, do các kiến nghị này vượt thẩm quyền của VDB.

Nhà máy đạm Hà Bắc mở rộng vận hành vào đầu 2015, tuy nhiên thời điểm này có nhiều yếu tố bất lợi khiến nhà máy phải gánh lỗ khủng trong 2 năm đầu. Yếu tố đầu tiên khiến nhà máy lỗ là giá than.

Đạm Hà Bắc dùng nguyên liệu chính cho sản xuất là than, nhưng giá than tăng tới gần 100% so với thời điểm tính toán hiệu quả dự án vào năm 2009 đã khiến công ty điêu đứng. Theo tìm hiểu, năm 2015 chi phí do giá than tăng làm tăng chi phí của đạm Hà Bắc khoảng 620 tỉ đồng so với giá mua năm 2009.

Không chỉ nguyên liệu than, Đạm Hà Bắc còn "ôm" nỗi lo khác khi Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2014 quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT). Điều này đồng nghĩa với việc các nguyên vật liệu và chi phí đầu vào để sản xuất sản phẩm Ure của công ty sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Năm 2014, tổng giá trị thuế GTGT đầu vào là 126 tỉ đồng và được khấu trừ toàn bộ. Năm 2015 con số này là 149 tỉ đồng nhưng không được khấu trừ 101 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí này phải tính vào giá vốn bán sản phẩm Ure, làm giá thành sản phẩm của đạm Hà Bắc lại bị đội lên.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá là 2% và nới biên độ tỷ giá thêm 3% trong quý 3/2015 cũng làm chi phí tăng thêm 187 tỉ đồng.

Tính riêng 3 khoản phát sinh tăng thuế Giá trị gia tăng không được khấu trừ (101 tỉ), chênh lệch tỷ giá (187 tỉ) và chi phí cho than tăng (620 tỉ), tổng cộng chi phí tăng thêm của Đạm Hà Bắc lên tới 908 tỉ đồng.

Đạm Hà Bắc nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành Công Thương, tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc thuộc Vinachem, được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960, do Bộ Công Thương trực tiếp quản lý. Đây được xem là nhà máy sản xuất phân đạm đầu tiên của Việt Nam, được ví như "cánh chim đầu đàn" của ngành phân bón.

Ngày 26.7 vừa qua, 272 triệu cổ phiếu DHB của Đạm Hà Bắc đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mức giá tham chiếu là 6.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đã gần 3 tháng đến nay, cổ phiếu của doanh nghiệp này vẫn trong tình trạng "hẩm hiu", nhà đầu tư không "ngó ngàng".

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đạm Hà Bắc lỗ hơn 2.000 tỉ, nợ gấp 17 lần vốn chủ sở hữu