Để vay vốn của ngân hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do phải có phương án kinh doanh hiệu quả, đồng thời phải minh bạch sổ sách kế toán. Một số khác lại khó chứng minh được nguồn tài chính nên việc tiếp cận vốn vay ngân hàng không phải là việc dễ dàng với nhiều doanh nghiệp.

'Bát cơm của ngân hàng đến từ lợi nhuận của doanh nghiệp'

Phan Diệu | 20/10/2017, 20:07

Để vay vốn của ngân hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do phải có phương án kinh doanh hiệu quả, đồng thời phải minh bạch sổ sách kế toán. Một số khác lại khó chứng minh được nguồn tài chính nên việc tiếp cận vốn vay ngân hàng không phải là việc dễ dàng với nhiều doanh nghiệp.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 2017” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn ra tại TP.HCM ngày 19.10.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI, tính đến cuối năm 2016, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đạt khoảng 1,2 triệu tỉ đồng. Mức lãi suất cho vay mới phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, 8-10%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.

Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho các doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20.000 tỉ đồng. Trong 9 tháng năm 2017, ngân hàng cũng cam kết cho vay mới gần 570.000 tỉ đồng và đã giải ngân được hơn 550.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp.

Như vậy, với chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, mối quan hệ tín dụng - khách hàng đã có sự thay đổi tích cực, tương hỗ hiệu quả hơn. Thay vì như trước đây doanh nghiệp đi “cầu cạnh” thì nay ngân hàng đã tự đi tìm doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp ngồi lại, gỡ những nút thắt và tư vấn cho doanh nghiệp cả về kế hoạch tài chính.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng tại TP.HCM đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,5%, còn trung và dài hạn ở mức 8% - 10%. Mức lãi suất nàyđã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nguồn vốn ổn định để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định, qua 5 năm thực hiện, chương trình đã giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Từ đó, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP.HCM từ năm 2016 đến nay muốn được vay vốn nhưng lại thiếu tài sản thế chấp, cũng như khó chứng minh được nguồn tài chính. Do đó, đối tượng này rất cần được hỗ trợ về nguồn vốn hơn nữa.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nói rằngkết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp là việc sống còn đối với nền kinh tế. Có đến 80% vốn của nền kinh tế dựa vào vốn vay ngân hàng và 80% sức sống của ngân hàng là dựa vào cho vay, trong đó chủ yếu là cho vay doanh nghiệp.

“Bát cơm của ngân hàng đến từ lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, là quyền lợi của cả đôi bên", ông Hiếu nói.

Thế nhưng, để vay vốn của ngân hàng, ông Hiếu cho biết các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do cần phải có phương án kinh doanh hiệu quả; đồng thời phải minh bạch sổ sách kế toán để ngân hàng có căn cứ cho vay tín chấp.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng cho hay, hiện nay đối tượng doanh nghiệp cần được hỗ trợ kết nối nhất chính là doanh nghiệp có khả năng mở rộng đầu tư có hiệu quả, nhưng điều này phải được phía ngân hàng tin tưởng. Do đó, NHNN, chính quyền địa phương phải tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp. Đặc biệt, NHNN phải là người trực tiếp đứng ra thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mới đạt được hiệu quả tốt.

Mặt khác, để hỗ trợ các doanh nghiệp thì cần xây dựng và phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm. Có như vậy, chương trình kết nối mới đạt được thành công ở bước cao hơn.

Đáng chú ý, để đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay.

NHNN cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho các đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…, giúp doanh nghiệp vừa tăng nguồn vốn vừa có khả năng phòng ngừa rủi ro.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bát cơm của ngân hàng đến từ lợi nhuận của doanh nghiệp'