Hôm 17.2, chính quyền Đài Loan đã đề xuất một luật mới để ngăn Trung Quốc đánh cắp công nghệ chip của họ.

Đài Loan đề xuất luật mới ngăn Trung Quốc đánh cắp công nghệ chip

Sơn Vân | 17/02/2022, 16:30

Hôm 17.2, chính quyền Đài Loan đã đề xuất một luật mới để ngăn Trung Quốc đánh cắp công nghệ chip của họ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Đài Loan gia tăng lo ngại rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động gián điệp kinh tế.

Đài Loan là nơi sản xuất phần lớn chip bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, được sử dụng trong nhiều thứ từ máy bay chiến đấu đến điện thoại di động. Chính quyền Đài Loan từ lâu đã lo lắng về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm sao chép sự thành công đó, bao gồm cả hoạt động gián điệp kinh tế, săn trộm tài năng và các phương pháp khác.

Cơ quan hành pháp Đài Loan cho biết đã đề xuất tội danh mới với "gián điệp kinh tế" theo luật an ninh của hòn đảo này, đưa ra hình phạt lên đến 12 năm tù cho những người làm rò rỉ công nghệ cốt lõi cho Trung Quốc hoặc "thế lực thù địch nước ngoài".

Lấy việc sử dụng công nghệ sản xuất chip 2 nanomet tiên tiến nhất của TSMC (tập đoàn sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) làm ví dụ, ông La Bình Thành - người phát ngôn cơ quan hành pháp Đài Loan cho biết công nghệ như vậy có thể được coi là quan trọng với an ninh của Đài Loan theo luật mới và do đó cần phải bảo vệ thêm cho nó, ngoài các luật hiện hành về bí mật thương mại.

"Mọi người đều biết rằng TSMC có những công nghệ hàng đầu thế giới. Nếu công nghệ của họ bị đánh cắp, sẽ có ảnh hưởng đáng kể", La Bình Thành cho hay.

La Bình Thành nó thêm, một tòa án được chỉ định cho tội gián điệp kinh tế sẽ được thành lập để đẩy nhanh quá trình xét xử.

Chính quyền cũng đề xuất thắt chặt luật pháp để ngăn chặn các công ty Trung Quốc săn trộm nhân tài Đài Loan một cách bất hợp pháp thông qua các công ty được thành lập ở nước thứ ba. Nó cũng trừng phạt nghiêm khắc với đầu tư của Trung Quốc vào Đài Loan thông qua các phương thức bất hợp pháp, mà chính quyền cho rằng đã dẫn đến nhiều trường hợp gián điệp công nghiệp những năm gần đây.

"Sự xâm nhập vào các ngành công nghiệp của Đài Loan từ chuỗi cung ứng đỏ đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Họ đã săn trộm những tài năng công nghệ cao của chúng ta, đánh cắp những công nghệ cốt lõi và quan trọng của chúng ta", ông Tô Trinh Xương - người đứng đầu nhánh hành pháp của Đài Loan tuyên bố, đề cập đến các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc.

Cơ quan lập pháp Đài Loan phải thông qua các sửa đổi trước khi chúng trở thành luật.

dai-loan-de-xuat-luat-moi-ngan-trung-quoc-danh-cap-cong-nghe-chip.jpg
TSMC là tập đoàn sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan, thường bị Trung Quốc nhăm nhe đánh cắp công nghệ 

Ngày 28.4.2021, chính quyền Đài Loan từng cáo buộc Trung Quốc tiến hành chiến tranh kinh tế chống lại lĩnh vực công nghệ của hòn đảo bằng cách đánh cắp công nghệ và lôi kéo các kỹ sư. Thế nên, Đài Loan đang xem xét tăng cường luật để ngăn chặn điều này.

4 nhà lập pháp Đài Loan thuộc đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền đang dẫn đầu đề xuất sửa đổi luật bí mật thương mại để mở rộng phạm vi của những gì được coi là bí mật và tăng cường các hình phạt.

Trong một báo cáo trước Cơ quan lập pháp về các đề xuất sửa đổi, Cơ quan An ninh Đài Loan đã đổ lỗi cho Trung Quốc về hầu hết các trường hợp gián điệp công nghiệp từ các lực lượng nước ngoài mà họ phát hiện những năm gần đây.

"Việc Trung Quốc dàn dựng đánh cắp công nghệ từ các quốc gia khác gây ra mối đe dọa lớn với các nền dân chủ. Mục đích của việc Trung Quốc thâm nhập vào công nghệ của chúng tôi không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn có ý đồ chính trị là làm cho Đài Loan ngày càng nghèo hơn và yếu hơn", Cơ quan An ninh Đài Loan cho hay.

Trong báo cáo của mình, Cơ quan Kinh tế Đài Loan cho biết Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của mình bằng cách “săn trộm tài năng Đài Loan cũng như lấy bí mật thương mại của ngành công nghiệp chúng ta, để làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của hòn đảo".

Theo Cơ quan Kinh tế Đài Loan, Cơ quan hành pháp đã họp nhiều lần để tìm ra cách giải quyết vấn đề.

Ho Hsin-chun, một trong những nhà lập pháp đã đề xuất các sửa đổi, cho biết nhu cầu này là cấp thiết. "Sự xâm nhập của chuỗi cung ứng đỏ của Trung Quốc ở khắp mọi nơi", bà nói.

Trong báo cáo của mình, Cơ quan Tư pháp Đài Loan đề nghị cần thảo luận thêm về từ ngữ.

Hu Mu-yuan, Phó Cục trưởng Cơ quan An ninh Đài Loan, bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi với biện pháp này. "Miễn là nó hữu ích cho an ninh và lợi ích của chúng tôi, chúng tôi ủng hộ nó", ông nói.

Không riêng Đài Loan mà Nhật Bản, Mỹ cũng lo ngại bị Trung Quốc đánh cắp công nghệ.

Nhật Bản chuẩn bị áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt với các trường đại học để bảo vệ các công trình khoa học công nghệ khỏi nạn nước ngoài đánh cắp.

Ngày 27.4.2021, chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch yêu cầu các nhà nghiên cứu nước này phải công khai bất kỳ khoản đóng góp tài chính nào từ nước ngoài. Các nhà nghiên cứu sẽ phải đối mặt với những hạn chế nhất định nếu bị phát hiện là đã báo cáo sai.

Động thái này phù hợp với tinh thần của thỏa thuận giữa lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ về hợp tác song phương trong nghiên cứu tiên tiến hồi giữa tháng này.

Các lĩnh vực như công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đã nổi lên như những điểm nóng chính trong cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Do những công nghệ này thường có cả ứng dụng dân sự và quân sự, Mỹ muốn đảm bảo thông tin có thể đe dọa an ninh quốc gia sẽ không bị rò rỉ bên ngoài Nhật Bản.

Nhật đang quan tâm đặc biệt với những nỗ lực tích cực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học thông qua chương trình “Ngàn nhân tài”.

Chương trình này được Chính phủ Trung Quốc khởi động vào năm 2008 nhằm thu hút công dân Trung Quốc, Hoa kiều và người nước ngoài phát triển sự nghiệp tại nước này, đặc biệt là giáo sư và chuyên gia tại các đại học, viện nghiên cứu và các tập đoàn quốc tế.

Những nhân tài còn được trả lương bằng với mức cao nhất họ có thể được hưởng tại các nước phương Tây, thậm chí còn được cấp thị thực thường trú theo loại chỉ dành cho doanh nhân nước ngoài.

Tuy nhiên, Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng chương trình này như một phương thức để đánh cắp công nghệ quan trọng.

Bài liên quan
‘Đợi vi rút yếu đi’ và những lý do Đài Loan duy trì Zero COVID-19 tương tự Trung Quốc
Từng là một câu chuyện thành công trong đại dịch, Đài Loan hiện đóng cửa với thế giới bất chấp những tổn thất về du lịch, giao thương, lối sống và chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan đề xuất luật mới ngăn Trung Quốc đánh cắp công nghệ chip