Cuộc sống ở Đan Mạch bây giờ rất giống với trước đại dịch – nhà dịch tễ học Lone Simonsen ở Đại học Roskilde nhận xét. Từ ngày 10.9 vừa qua, đất nước này đã dỡ bỏ tất cả hạn chế vì COVID-19 còn lại.

Đại dịch đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp – nhưng chuyển tiếp tới đâu?

Quỳnh Yên | 10/10/2021, 13:10

Cuộc sống ở Đan Mạch bây giờ rất giống với trước đại dịch – nhà dịch tễ học Lone Simonsen ở Đại học Roskilde nhận xét. Từ ngày 10.9 vừa qua, đất nước này đã dỡ bỏ tất cả hạn chế vì COVID-19 còn lại.

Theo Science.org, các quán bar náo nhiệt, người yêu nhạc đổ tới các festival, các xe buýt lại chật cứng người đi lại không mang khẩu trang. Chính phủ đã từ bỏ quyền đóng cửa trường học, phong tỏa đất nước. Nhà dịch tễ học nhắc tới ở trên nói, khách du lịch bây giờ cảm thấy thoải mái vì mọi sự đều bình thường.

Đan Mạch là quốc gia đi tiên phong. Khi mùa đông thứ hai của đại dịch COVID-19 sắp đến ở bắc bán cầu thì Đan Mạch và một số nước khác, nơi mà vắc xin đang bảo vệ một tỷ lệ lớn dân chúng khỏi bị bệnh nặng, đang bước vào một giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng: từ đại dịch sang một bệnh đặc hữu (endemic), khi vi rút vẫn còn đó nhưng nó phải đối mặt với phần lớn dân chúng bây giờ đã miễn dịch. Các nhà nghiên cứu đang theo dõi sát sao những gì sẽ xảy ra tiếp theo vì nó mang lại thông tin có giá trị về điều gì đang chờ đợi phần còn lại của nhân loại.

Có nhiều ẩn số: làm sao để xử lý tốt nhất sự chuyển tiếp ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế công, nó có thể đi lạc hướng như thế nào, và một cách chính xác thì bệnh đặc hữu sẽ như thế nào khi nó xuất hiện. “Đi vào đại dịch đã căng thẳng, ra khỏi nó còn căng thẳng hơn”, Jeremy Farrar, một nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm, nói. “Chúng ta không phải đi từ tình trạng kinh hoàng không vắc xin sang một trạng thái y nguyên. Có một giai đoạn chuyển tiếp, và tôi nghĩ đó sẽ là mùa đông này”.

Đan Mạch đã chích ngừa đầy đủ cho trên 88% người dân trên 18 tuổi và 97% người dân trên 60 tuổi, nhóm người có nguy cơ cao nhất mắc COVID-19 nặng. Điều đó cho phép đất nước này thử xử lý COVID-19 như với bệnh cúm và những bệnh truyền nhiễm khác thay vì như một sự đe dọa đến toàn bộ hệ thống y tế. “Chúng tôi hiện xem con virus này như một phiên bản đã “bị nhổ nanh” của bản gốc. Nó đã bị văc xin nhổ nanh rồi”, Simonsen nói. “Tác hại còn lại của nó không tệ hơn những thứ bệnh mà chúng ta đã quen và chúng ta không đóng cửa trường học vì những thứ đó cũng như vì bệnh cúm mùa hay có thể là đại dịch cúm 2009”.

Điều đó không có nghĩa Đan Mạch không còn nguy cơ. Vẫn còn những người có nguy cơ mắc bệnh, bao gồm trẻ em, thiếu niên chưa chích ngừa đầy đủ và những người tuy đã chích ngừa đầy đủ nhưng không mang lại đủ miễn dịch. Hai tuần sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, các ca nhiễm bắt đầu tăng lên từ từ, sau một tháng suy giảm. Bây giờ nó ở mức 450 ca một ngày trên dân số 5,8 triệu người. Tuy thế Simonsen không hoảng hốt. Việc các ca nhiễm tiếp tục tăng sẽ dẫn đến gia tăng miễn dịch tự nhiên ở trẻ em và người lớn chưa chích ngừa, trong khi việc phủ vắc xin vẫn tiếp tục tăng. “Tất cả điều đó khiến tôi nghĩ rằng Đan Mạch sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa xuân tới”, bà nói.

Bốn dự báo mới được Viện Statens Serum (SSI), một cơ quan nghiên cứu y tế công của chính phủ, công bố mới đây giúp người ta hình dung điều gì sẽ xảy ra từ nay tới đó. Theo kịch bản tốt nhất, Đan Mạch sẽ đạt độ phủ vắc xin là 90% dân số trên 12 tuổi và các sinh hoạt xã hội, hiện vẫn ở mức thấp hơn trước dịch, sẽ không gia tăng thêm. Trong trường hợp đó sẽ không có sự gia tăng số ca nhiễm và ca nhập viện, theo nhà mô hình học Camilla Holten Moller. Theo kịch bản xấu nhất, tỷ lệ chích ngừa không tăng và sinh hoạt xã hội tăng thêm 10%, Đan Mạch có thể chứng kiến một làn sóng các ca nhiễm và ca nhập viện tệ hại như hồi tháng 12.2020 và tháng 1.2021. “Chúng tôi không trông đợi điều đó xảy ra, nhưng nếu nó xảy ra thì chính phủ có thể áp dụng trở lại một số hạn chế”. “Điều then chốt ở đây là sẵn sàng thay đổi suy nghĩ khi có đủ dữ liệu”, Rustom Antia, nhà miễn dịch học tại Đại học Emory nói.

Không có mô hình nào bao gồm sự suy giảm khả năng miễn dịch; nước này đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho các nhóm dễ bị tổn thương vào tháng 9 vừa qua và cuối cùng sẽ tiêm mũi thứ ba cho toàn bộ dân chúng. Các mô hình cũng không bao gồm một ẩn số then chốt: sư xuất hiện của những biến chủng mới nguy hiểm của SARS-CoV-2.

bar.jpg

Các hộp đêm ở Copenhagen lại đông nghẹt người sau khi Đan Mạch dỡ bỏ mọi hạn chế do COVID-19 từ ngày 10.9 vùa qua

Na Uy, với tỷ lệ tiêm vắc xin cao tương tự, đã đi theo con đường của Đan Mạch và dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế vào ngày 25.9 vừa qua. Nhưng nhiều quốc gia trên thế giới không tiếp cận đủ vắc xin ngay cả cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Và ngay cả ở châu Âu, dù ngập trong vắc xin nhưng ít có nước nào sẵn sàng thử nghiệm việc chuyển tiếp như Đan Mạch. “Nếu bạn có tỉ lệ phủ văc xin thấp hơn nơi người già, bạn không nên thử nghiệm điều mà Đan Mạch đang thử”, Simonsen nói. Tây Ban Nha đã tiêm vắc xin cho 97% người trên 60 tuổi, Pháp 88%, Hy Lạp Hy Lạp 77%. Israel mở cửa hoàn toàn từ tháng 6, có tỉ lệ tiêm cho người trên 60 tuổi là 90%, hiện đang phải vật lộn để kiềm chế làn song các ca nhiễm mới.

Các nước với tỷ lệ phủ vắc xin thấp hơn sẽ phải chấp nhận mức độ hạn chế cao hơn trong giai đoạn chuyển tiếp, Farrar nói. “Tôi nghĩ rằng các chính trị gia trên thế giới có vẻ như đang cho rằng bạn có thể cầm bánh ăn ngay. Không còn ca tử vong, không còn biện pháp kiểm soát nào, chích vắc xin nếu muốn hoặc không, mọi thứ rồi sẽ kết thúc: tôi không nghĩ điều đó là thực tế’.

Farrar đã thấy điều đó diễn ra ở Anh, quốc gia đã cử hành “Ngày Tự do” vào ngày 19.7 khi chỉ khoảng một nửa dân số đã chính ngừa đầy đủ. Các ca nhiễm mới bắt đầu tăng vào đầu tháng 8 cho tới hiện giờ là trên 30.000 ca một ngày. Số ca tử vong thì tăng lên trung bình hơn 100 ca mỗi ngày. Nếu duy trì một số biện pháp về y tế công cộng như đeo khẩu trang thì đã có thể giữ được gánh nặng của bệnh ở mức thấp, Farrar, thành viên của một nhóm tư vấn khoa học cho chính phủ về tình trạng khẩn cấp, nói. Kế hoạch bãi bỏ xét nghiệm miễn phí vào cuối năm nay cũng là sai lầm, ông nói. “Tôi thực sự không hiểu được vì sao ngưới ta lại vội vã vứt bỏ những thứ nhẹ nhàng như khẩu trang”, David Fishman, một nhà dịch tễ học tại Đại học Toronto, nói thêm.

Trong khi đó, các nhà khoa học đang tìm cách hình dung COVID-19 sẽ tác động ra sao khi trở thành một bệnh đặc hữu. “Tôi biết nhiều người đang dự báo những chuyện rất khác nhau”, Fishman nói. Giai đoạn đặc hữu của COVID-19 sẽ không như bệnh sởi là bệnh lây lan mạnh nhưng giúp cho ai bị nhiễm một lần là miễn dịch cả đời. Điều đó dẫn đến một căn bệnh trẻ em cứ 4 năm xảy ra một lần khi một số lượng đủ lớn trẻ em ra đời.

Với SARS-CoV-2, rõ ràng là khả năng miễn dịch nơi người suy giảm, Antia nói. Kết quả là nó có thể đi theo con đường của 4 coronavirus gây bệnh đặc hữu – tất cả đều gây cảm lạnh – với khả năng bảo vệ chống lây nhiễm suy giảm theo thời gian nhưng sự bảo vệ chống lại bệnh nặng thì không suy giảm. Điều đó dẫn tới một mô hình là lần lây nhễm đầu tiên xảy ra ở tuổi thơ ấu, sau đó định kỳ bị lây nhiễm nhưng nhẹ như sổ mũi về sau.

Viễn cảnh sẽ khác nếu khả năng miễn dịch chống COVID-19 nặng cũng suy giảm. Nghịch lý là, trong trường hợp đó, sẽ tốt hơn nếu con vi rút gây lây nhiễm thường xuyên. Antia và Elizabeth Hallowan ở Đại học Washington tại Seattle biện luận như vậy trong một bài báo mới đây trên tạp chí Immunity (Miễn dịch). Với nhiều loại vi rút đang lưu hành, những người dễ bị lây nhiễm nhưng không phải mắc bệnh nặng, có nhiều khả năng bị lây nhiễm hơn và qua đó tăng cường khả năng miễn dịch của mình; bằng không thì dân chúng sẽ từ từ trở nên dễ bị lây nhiễm trở lại. “Tránh lây nhiễm bằng mọi giá có thể không phải là chiến lược tốt nhất cho những người đã chích ngừa”, Simonsen nói.

So sánh với bệnh cúm là một sự so sánh điềm tĩnh hơn. Bệnh cúm cũng gây lây nhiễm cả đời nhưng thường thì tái nhiễm cúm gây hậu quả nặng hơn 4 loại coronavirus kia vì con vi rút cúm tiến hóa nhanh hơn và tránh né được sự miễn dịch của cơ thể. Trevor Bedford thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchison nói rằng vi rút SARS-CoV-2 đã tiến hóa nhanh hơn 5 lần so với vi rút H3N2, một trong 3 loại vi rút cúm lưu hành nơi người. Tỷ lệ ấy có khả năng chậm lại theo thời gian để trở thành như bệnh cúm, Bedford nói. Nhưng do khả năng lây nhiễm cao của SARS-CoV-2 và tỉ lệ chích ngừa thấp ở Mỹ, nó có khả năng lây nhiễm cho 1/3 dân số ở Mỹ và gây nên cái chết của 50.000-100.000 người sau khi mở cửa hoàn toàn.

Đó là một viễn cảnh u ám về bệnh đặc hữu COVID-19. Những biện pháp như giữ không gian thông thoáng, hay ngay cả tiếp tục xét nghiệm, truy vết, cách ly có thể làm giảm số người chết, nhưng Bedford hoài nghi về việc kéo dài những biện pháp này vì nước Mỹ vẫn chấp nhận hàng năm có khoảng 30.000 người chết vì bệnh cúm. “Tôi không biết nếu hàng năm có khoảng 50.000 người chết vì COVID thì có gì khác”, ông nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại dịch đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp – nhưng chuyển tiếp tới đâu?