Xin kính gửi Quốc hội những lời bộc trực từ nỗi lo chủ quyền đất nước có thể bị xâm hại; lo cho sự an toàn, phát triển và quyền lợi của dân Việt trên lãnh thổ Việt Nam.

Đặc khu không phải là Little Saigon

04/06/2018, 13:13

Xin kính gửi Quốc hội những lời bộc trực từ nỗi lo chủ quyền đất nước có thể bị xâm hại; lo cho sự an toàn, phát triển và quyền lợi của dân Việt trên lãnh thổ Việt Nam.

Rất nhiều lo ngại nếu Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế - Ảnh: Internet

Quốc hội Việt Nam đang bàn về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, bắc vân Phong, Phú Quốc, gọi tắt là Luật Đặc khu. Trước băn khoăn “về vấn đề an ninh - quốc phòng, khi thời gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm”, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng không có gì phải lo vì “ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?”.

Theo tôi, ý kiến của ông Kiên:

- Sai về khía cạnh pháp lý, quản lý nhà nước khi so sánh Little Saigon với các đặc khu.

- Không trùng hợp với mối lo của rất nhiều người trong dân chúng về chủ quyền lãnh thổ và sự yên bình đất nước. Tôi tin rằng nếu tự thăm dò dư luận một cách đúng đắn, ông Kiên sẽ thấy điều này.

Sự khác biệt giữa Little Saigon và đặc khu

Ba điểm khác biệt khiến không thể so sánh Little Saigon ở Mỹ và đặc khu kinh tế mà Việt Nam đang dự định làm là:

1) Quản lý lãnh thổ

Little Saigon là một đơn vị hành chính bình thường như các đơn vị hành chính khác của Mỹ, chịu sự quản lý đồng nhất và chặt chẽ của chính phủ Mỹ (tiểu bang và liên bang).

Nhiều người gốc Việt thấy nơi này thích hợp để sống nên tụ tập về đông hơn các nơi khác. Đa số họ là dân có quốc tịch Mỹ. Vậy về mặt hành chính đây là một vùng lãnh thổ được quản lý như mọi vùng khác của Mỹ.

Đặc khu kinh tế Việt Nam sẽ là một vùng đất đặc biệt của Việt Nam, được quản lý bởi một đạo luật đặc biệt khác với các vùng lãnh thổ khác của Việt Nam.

2) Quản lý con người

Little Saigon có nhiều người Việt sinh sống, nhưng đa số họ có quốc tịch Mỹ, chịu sự quản lý của luật pháp Mỹ, luật tiểu bang và luật liên bang. Những chuẩn mực sinh hoạt xã hội, sinh hoạt văn hóa đều theo chuẩn mực của Mỹ. Các vi phạm đều được xử lý công minh.

Đặc khu kinh tế Việt Nam, một khi được thành lập, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tới, theo với họ là người nước họ. Những người tới đây lập nghiệp sẽ có nhiều người không phải là công dân Việt Nam. Việc quản lý những người này khó hơn nhiều bởi chịu sự chi phối của ảnh hưởng lãnh sự của quốc gia mà họ có quốc tịch. Chịu áp lực của các quan hệ ngoại giao phức tạp.

3) Thực tế đang diễn ra

Little Saigon: Những người Việt đang sống tại Little Sài Gòn tự nguyện chấp nhận là công dân Mỹ, chấp nhận được quản lý bởi luật pháp Mỹ mà họ tin là công minh và bình đẳng.

Đặc khu kinh tế Việt Nam: Người nước ngoài tới lập nghiệp, xin nói riêng về người Trung Quốc vì tôi tin sẽ có rất nhiều người Trung Quốc đổ xô tới, có các đặc điểm sau mà Việt Nam từng chứng kiến gần đây:

Quốc gia mà họ là công dân, Trung Quốc, đang có tranh chấp những vùng lãnh thổ quan trọng với Việt Nam. Họ đã dùng vũ lực chiếm những vùng lãnh thổ rất chiến lược của Việt Nam, và đang hành xử theo cách lấn lướt ngang ngược với Việt Nam.

Quốc gia mà họ là công dân, Trung Quốc, đang tuyên truyền/giáo dục công dân của họ rằng nhiều vùng lãnh thổ Việt Nam trước kia là của họ, và họ chờ dịp thu hồi lại. Nếu chúng ta có dịp tiếp xúc với người Hoa trên thế giới, chúng ta thấy rõ nhiều người trong số họ theo quan điểm này. Xin nói rõ, tôi không bài Hoa, tôi yêu thích văn minh Trung Hoa cổ điển, người Hoa mà tôi tiếp xúc là những người có vị trí tốt và cuộc sống đàng hoàng. Chính vì vậy, thông qua họ, tôi tin rằng quan niệm trên là quan niệm được ấp ủ, toan tính lâu dài của một số không hề nhỏ người Hoa mà người Việt không thể không cảnh giác.

Các vùng có người Trung Quốc tới lập nghiệp, đầu tư tại Việt Nam trong vài chục năm gần đây cho thấy mức độ không sẵn sàng tuân thủ luật pháp Việt Nam là khá cao. Những ai quan tâm tới đề tài này, những cư dân sống gần những dự án đầu tư của Trung Quốc đều cảm nhận sự việc ở mức độ không bình thường. Những cái tên như Bauxite Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh... đã là những bài học thấm thía!

Thế lực người Hoa không chỉ dừng lại ở chỗ có rất nhiều tiền, mà còn ở tâm lý quen dùng cách “bôi trơn”. Cách tổ chức và quản lý xã hội của Việt Nam khiến bộ máy hành chính không đủ mạnh để đương đầu với nguy cơ này. Mối lo này đi từ thực tế các đại dự án, tiểu dự án Việt Nam, nếu lôi dự án nào ra xem xét thì xác suất có tham nhũng, thất thoát cũng rất cao.

Những nguy cơ rất lớn cần được cân nhắc

Với những điều đã nêu trên, tôi thấy có những nguy cơ rất lớn là:

Người Hoa có nhiều tiền, họ sẽ ào ạt vào các đặc khu kinh tế. Vào rồi, họ sẽ dùng các thế mạnh tài chính lọc lõi để trở thành những thế lực khuynh đảo. Họ sẽ lập những lãnh địa riêng cát cứ trong lòng đặc khu. Với các ưu đãi, với quyền thuê đất quá lâu, những thế lực này có thể gây khó khăn lâu dài cho Việt Nam. Dễ thấy nhất là sự ô nhiễm môi trường. Thứ hai là làm lệch đi chuẩn mực đạo đức kinh doanh tiến bộ và bền vững trên thế giới, chính là chuẩn mực phương Tây, nơi có công nghệ nguồn rất cần cho Việt Nam phát triển. Quan trọng hơn, với hàng chục, hàng trăm ngàn công nhân trai tráng... trong các cứ địa riêng đó, chúng ta cũng nên thắc mắc họ sẽ làm gì nếu xung đột xảy ra giữa hai quốc gia?

Ngoài ra, khi họ chống đối các quyết định hành chính của chính quyền sở tại, Việt Nam có dễ cưỡng chế theo đúng pháp luật được không? Bài học Crimea còn đó, mà chênh lệch thực lực hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam lớn gấp nhiều lần so với chênh lệch Nga-Ucraina! Với một Trung Quốc sẵn sàng hung hăng đem quân đánh sâu vào các vùng lãnh thổ trên đất liền Việt Nam như năm 1979, sẵn sàng tấn công và chiếm các hòn đảo Việt Nam chiếm giữ và quản lý mấy trăm năm liền, không thể không lo sợ nguy cơ đó trong tương lai với các đặc khu.

Việt Nam không chủ trương bế quan tỏa cảng.Tuy nhiên tất cả các nguy cơ có thực cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong từng điều luật. Không nên tạo cơ hội, nguyên cớ cho một nước như Trung Quốc tấn công Việt Nam lần nữa. Mục đích là quyền lợi quốc gia. Là không để thế hệ sau, trên đất nước này, chịu quá nhiều cái khó, cái vướng do thế hệ này để lại!

Xin kính gửi Quốc hội những lời bộc trực từ nỗi lo chủ quyền đất nước có thể bị xâm hại; lo cho sự an toàn, phát triển và quyền lợi của dân Việt trên lãnh thổ Việt Nam.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đặc khu không phải là Little Saigon