Đại tá Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375 cho rằng, Đà Nẵng bán đất cho TQ xây khách sạn cao tầng coi như "phế" chức năng phòng thủ và tấn công của sân bay quân sự Nước Mặn.

Đà Nẵng cho Trung Quốc xây khách sạn là ‘phế’ sân bay quân sự Nước Mặn

Một Thế Giới | 22/12/2015, 14:46

Đại tá Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375 cho rằng, Đà Nẵng bán đất cho TQ xây khách sạn cao tầng coi như "phế" chức năng phòng thủ và tấn công của sân bay quân sự Nước Mặn.

Có mờ ám hay không?
Vấn đề người Trung Quốc (TQ) núp bóng người Việt gom đất ở gần sân bay Nước Mặn cũng như tập trung đầu tư các công trình ở vùng được xem là "nhạy cảm" ở ven biển Đà Nẵng khiến không ít người lo ngại, tất nhiên là cả phía quân đội.
Với tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh quân khu 5, đây là một khu vực nhạy cảm, quan trọng về an ninh quốc phòng. Theo ông, tất cả các khu vực nhạy cảm thì không nên để người nước ngoài có các dự án, đặc biệt là khu vực nhạy cảm như sân bay Nước Mặn.
“Dọc tuyến biển này người Trung Quốc rất đông nhưng không thể để họ tạo dựng lên một đường, làng xóm, khu phố, bãi biển Trung Quốc”, tướng Hùng nói.
Da Nang ban dat xay khach san ‘phe’ san bay quan su Nuoc Man-hinh-anh-1
 Thiếu tướng Trần Minh Hùng - Ảnh: Hà Anh.
Đà Nẵng là địa bàn đóng quân của quân khu 5. Theo tướng Hùng, đây không phải là một nơi nhạy cảm mà là một nơi bất khả xâm phạm đối với chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trước đây, theo quy định, các nơi điểm cao đều từ bình độ 30 trở xuống, tức là 200m thì muốn làm gì thì làm còn từ 200m trở lên thì không được đụng chạm đến vì đó là nơi dành cho phòng thủ bảo vệ Tổ quốc tuyến ven biển.
“Tuyến đường ven biển đang nghi vấn có người nước ngoài mua đất, tuyến đó nếu để những người có ý đố xấu, lợi dụng xây dựng những khách sạn kiên cố, khu nghỉ dưỡng nhưng ở dưới là hầm ngầm thì ai có thể biết được”.
“Không phải tự nhiên mà cả 2 lần bắt đầu chiến tranh, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn nơi đây (Đà Nẵng) mở đầu cho chiến tranh xâm lược. Muốn chia cắt miền Trung và đất nước thì chắc chắn quân địch sẽ chọn đánh chiếm tuyến ven biển rồi tấn công lên đường bộ”, tướng Hùng nói.
Cũng theo vị này, có những nghi ngại mà ông cho là mờ ám. “Tôi kể một câu chuyện này, bên trong casino người TQ đầu tư tại Đà Nẵng, người lao động Việt vào làm việc tại đây phải bịt mắt lại rồi khi đi làm xong lại bịt mắt ra. Thử hỏi có cái điều luật nào đối xử với người lao động như thế không. Hay anh làm gì mờ ám, hệ thống hầm ngầm bí mật thế nào mà phải như vậy đối với người lao động? Phải làm rõ vấn đề này. Đối xử với người lao động Việt Nam như vậy là đúng hay sai. Và tại sao những dự án của người nước khác không làm như vậy mà chỉ có dự án của người TQ”.
“Nói câu chuyện trên để thấy, anh giao đất cho họ rồi, ở dưới họ xây hệ thống hầm ngầm như thế nào thì làm sao anh biết. Bên trong đó họ cất giấu những thứ gì thì cũng không ai biết”.
Song song với câu chuyện an ninh quốc phòng là phát triển kinh tế. Về việc này, quan điểm của ông Hùng là: “Làm gì thì làm, điều đầu tiên phải nghĩ đến là an ninh quốc phòng. Nhưng không phải vì lẽ đó mà để chúng ta nghèo khổ mà phải khéo léo xây dựng kinh tế. Để cho dân đói là có tội, là không chấp nhận được. Nhưng không phải vì đó mà bất chấp. Phát triển kinh tế không thiếu gì cách mở ra các dự án nhưng phải chọn đối tác một cách cẩn thận”.
“Trên góc độ của nhà quân sự, tôi nghĩ đất đai đã lỡ bán cho người nước ngoài thì phải tìm cho bằng được nguồn gốc tiền mua của những người đứng đằng sau để giải quyết vấn đề theo luật pháp của Việt Nam. Nếu hiện tượng người Việt đứng đằng sau mua đất thì nói nôm na chính là “nối giáo cho giặc”, vị tướng nêu quan điểm.
"Phế" chức năng của sân bay Nước Mặn
Đại tá Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375, đơn vị tiếp quản sân bay Nước Mặn từ sau giải phóng đến năm 1995, cho rằng hiện tại, chức năng phòng thủ và tấn công của sân bay này đã gần như bị "phế".
Da Nang ban dat xay khach san ‘phe’ san bay quan su Nuoc Man-hinh-anh-2
 Đại tá Nguyễn Lành - Ảnh: Hà Anh.
Ông Nguyễn Lành nói: “Nghe thấy có 246 lô đất đã bán dọc sân bay Nước Mặn, mà nghi là có người Trung Quốc đứng đằng sau mua thì cảm giác đầu tiên của tôi là thấy quá sốc”.
Sau năm 1975, Sư đoàn 375 bố trí sân bay này 2 đại đội pháo cao xạ và 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không. Việc bố trí trận địa phòng không ở đây là để giữ phía mặt biển. Sư đoàn 375 bàn giao sân bay Nước Mặn cho Hải quân từ 1995, khi ấy thì phía ngoài biển chỉ toàn trồng cây chắn sóng và không cho làm nhà ở khu vực xung quanh.
Ông Lành kể: “Năm 1993, thượng tướng Đào Đình Luyện, Tổng Tham mưu trưởng QĐND có gặp tôi và nói: Anh Lành, khu đất này không được giao cho ai làm kinh tế nhé”.
Hồi đó, có ý kiến định xây khách sạn của quân chủng nhưng rồi không tiến hành vì không được xây nhà cao tầng ở quanh sân bay. Kể câu chuyện đó để biết, việc bán đất ở khu vực này cho người nước ngoài là sai lầm. Dù đã nghỉ hưu nhưng tôi hỏi một số người còn đang làm là sao lạ thế, đất của mình sao lại bán đi. Tôi cũng đã hỏi đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng, Đại biểu Hội đồng nhân dân về chuyện này. Anh Hùng bảo là tôi đã hỏi rất nhiều lần ở Hội đồng nhân dân rồi nhưng không có ai trả lời.
san bay Nuoc Man, Da Nang, du an nhay cam, dat ven bien, quan khu 5, Le Dinh Dung
 Khách sạn JW Marriott của chủ đầu tư TQ cao 18 tầng án ngữ trước sân bay Nước Mặn - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Theo đại tá Nguyễn Lành, với phòng không, mục tiêu càng xa lại càng cần góc bắn hạ thấp. Đối với các loại pháo cao xạ sẽ cần một góc xạ giới rộng. Tên lửa thì lại là bắn đón tầm xa, góc lại càng phải hạ xuống. Bây giờ làm nhà cao tầng lên, tầm bắn sẽ bị khuất, không bắn được. Việc xây dựng các khách sạn, tòa nhà cao thì rõ ràng ảnh hưởng rất nhiều đến pháo phòng không và việc tác chiến tên lửa.
Ông Lành nhắc tới việc chủ đầu tư TQ đang xây khách sạn JW Marriott 18 tầng, cao khoảng hơn 50m chắn trước sân bay Nước Mặn. Ông nói: “Xây một tòa nhà cao tầng gần một sân bay quân sự không khác gì bỏ đi việc máy bay cất, hạ cánh tại sân bay. Từ sân bay đến khu vực được xây nhà cao tầng, phải ít nhất 3km. Nhất là với một sân bay quân sự, có diện tích nhỏ như sân bay Nước Mặn, càng phải tuân thủ điều này. Mà với khoảng cách 3km, cũng chỉ có thể cho xây nhà cao khoảng 12m, tương đương 3 tầng, 4 tầng thôi”.
Vị đại tá nhấn mạnh: “Như khách sạn JW Marriot cao tầm 50m, thì khả năng cả tấn công và phòng thủ của sân bay Nước Mặn coi như bỏ đi. Vì có nhà cao tầng che mất góc xạ giới của pháo cao xạ và tên lửa thì không phòng thủ được. Đó là hạn chế hỏa lực phòng thủ. Cũng nhà cao tầng ấy che mất đường cất cánh, hạ cánh của máy bay thì tấn công kiểu gì. Nói cách khác, sân bay Nước Mặn bây giờ chỉ có thể dùng cho máy bay lên thẳng là trực thăng”.
Hà Anh - Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng cho Trung Quốc xây khách sạn là ‘phế’ sân bay quân sự Nước Mặn