Theo Dự thảo đề án Phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia và Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia của Bộ KH-CN, về hệ thống phòng thí nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nhìn chung các phòng thí nghiệm trên địa bàn cả nước đã được phát triển đáng kể.
Tại TP.HCM hiện có hơn 900 phòng thí nghiệm, nhưng chỉ có 165 phòng thí nghiệm được Văn phòng Công nhận chất lượng chứng nhận, đảm bảo cung cấp dịch vụ thí nghiệm cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã có phòng thí nghiệm riêng nhưng trong giai đoạn đầu, trang thiết bị, kỹ thuật của các phòng thí nghiệm này còn thiếu nên rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ các trung tâm, trường, viện. Ngoài ra, sự tham gia của các trung tâm kiểm tra, phòng thí nghiệm lớn cũng giúp các phòng thí nghiệm nhỏ đảm bảo chất lượng, độ chính xác của các phép thử.
Tại Hà Nội đã hình thành mô hình Labshare - mạng lưới kết nối và chia sẻ nguồn tài nguyên khoa học, giúp tìm được thiết bị nghiên cứu và cơ sở đo mẫu phù hợp với nhu cầu, tăng hiệu quả sử dụng cho các trang thiết bị nhàn rỗi trong phòng thí nghiệm. Từ lúc bắt đầu xây dựng vào tháng 8.2018 đến nay, theo Dự thảo đề án, Labshare đã giải quyết thành công hơn 20 đơn đặt hàng, chủ yếu là ở Hà Nội – do đa số các phòng thí nghiệm đã được kết nối nằm ở Hà Nội nên được nhiều người ở đây biết đến hơn.
Đối với các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, hiện Việt Nam có 16 phòng thí nghiệm trọng điểm đang được khai thác sử dụng, hoạt động theo hình thức được Nhà nước cấp kinh phí hằng năm; được hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển để thực hiện các dự án đầu tư do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cơ chế đặt hàng trực tiếp từ Nhà nước để triển khai các nhiệm vụ KH-CN…
Tuy nhiên, Dự thảo đề án cũng chỉ ra rằng thực tế cho thấy nhiều năm nay các phòng thí nghiệm trọng điểm đều phải tự “bươn chải” để duy trì hoạt động. Số tiền Nhà nước cấp cho mỗi phòng thí nghiệm trọng điểm mỗi năm trung bình hơn 1 tỉ đồng, chỉ đủ trả lương và thực hiện những đề tài nhỏ…
Hòa Lạc IoT Lab được đặt tại Khu CNC Hòa Lạc - Ảnh: Internet
Mô hình kiểu mới, hiện đại
Về mô hình phòng thí nghiệm kiểu mới tại Khu CNC Hòa Lạc phải kể đến Hòa Lạc IoT Lab đã được thành lập bởi 4 thành viên đầu tiên là BQL Khu CNC Hòa Lạc, Công ty cổ phần công nghệ DTT, Intel và Dell Việt Nam. Phòng thí nghiệm này được chính thức khai trương, đưa vào hoạt động từ ngày 7.7.2016; hoạt động với tôn chỉ phát triển cộng đồng IoT theo hướng cộng đồng mở và hỗ trợ khởi nghiệp; là mô hình phòng thí nghiệm kiểu mới, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngoài Hòa Lạc IoT Lab, Innovation Lab từ SIHUB (Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp) là mô hình hỗ trợ các startup trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa nghiên cứu, phát triển hoàn thiện sản phẩm.
Mô hình này với 3 trụ cột, gồm Studio Lab (hỗ trợ các dịch vụ quay clip giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, chụp ảnh mẫu sản phẩm, quay các video bài giảng online…); Maker Space (khu vực chế tạo mẫu thử nghiệm – với nhiều thiết bị công nghệ phục vụ cho việc chế tạo mẫu); Open Lab (xưởng sản xuất thực nghiệm – diện tích 1.200 m2 với nhiều thiết bị hiện đại để sản xuất và hoàn thiện sản phẩm).
Chương trình này nhằm hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nghiên cứu, thiết kế và tạo mẫu sản phẩm. Thực tế cho thấy, quá trình nghiên cứu và tạo mẫu sản phẩm của nhiều startup thường trải qua thời gian dài, tốn nhiều nguồn lực, nhiều chi phí… và Innovation Lab sẽ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp ở khâu đó. Ngoài ra, SIHUB với mô hình Innovation Lab sẽ tiến hành tổ chức các khóa đào tạo kiến thức căn bản về thiết kế, tạo mẫu sản phẩm để cho startup các bộ công cụ thực hiện các quy trình này.
Thu Anh