Đó là nhận định của Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM khi đề cập đến việc lấy lại tiền khi doanh nghiệp đa cấp bị đóng cửa của người tham gia đầu tư.
Thông tin từ Bộ Công Thương sáng 25.4 cho biết, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trìnhchấm dứt hoạt động của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy trên toàn quốc. Thông tin này khiến không ít người đã đầu tư vào công ty này băn khoăn liệu có lấy lại được tiền hay không.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Thọ Xuân – Thanh Hóa cho biết đã giấu gia đình đầu tư hơn 100 triệu đồng vào hệ thống đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy để mua các gói chăm sóc sức khỏe. “Họ nói sau hai năm, một mã 10 triệu có thể thu về 16 triệu mà không cần làm gì. Họ nói nhiều lần bùi tai và khiến tôi đầu tư vào nhiều lần, tổng số lên tới hơn 100 triệu đồng. Nghe tin công ty bị rút giấy phép, tôi rất hoang mang và không biết có lấy lại được tiền của mình hay không”.
Đây cũng là băn khoăn chung của không ít người đã trót đầu tư vào công ty đa cấp này. Theo thông tin báo chí nêu, để lấy được tiền đã đầu tư vào doanh nghiệp này là cực khó, nếu may mắn lấy được cũng không còn đầy đủ, chỉ còn khoảng 30-40% số tiền.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP, khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
Theo đó, nếu người dân đã góp vốn vào công ty theo nhiều hình thức, khi công ty chấm dứt hoạt động mà không thể trả được nợ sẽ xem xét đến việc cho phá sản. Công nợ lúc này chủ yếu là những người đầu tư, góp vốn và các chủ nợ, những người giao dịch, hợp đồng, khách hàng... Nếu công ty có tài sản bảo đảm, có giao dịch bảo đảm sẽ ưu tiên cho chủ nợ có bảo đảm; nếu nợ không có bảm đảm sẽ được chia đều theo tỷ lệ khi tuyên bố phá sản.
“Trường hợp doanh nghiệp hoạt động nhiều ngành nghề và chỉ chuyển đổi ngành nghề và hoạt động bình thường, ngưng hoạt động đa cấp thì doanh nghiệp đa cấp vẫn phải chịu trách nhiệm với khách hàng về các khoản nợ. Nếu không trả nợ khách hàng có thể kiện công ty ra tòa án yêu cầu thanh toán công nợ”, ông Hùng nói.
Cũng theo luật sư này, trường hợp doanh nghiệp đa cấp chỉ hoạt động về đa cấp và ngưng hoạt động thì khách hàng có thể kiện ra tòa án yêu cầu tuyên bố phá sản. Lúc này công nợ sẽ được giải quyết theo tỷ lệ như phân tích trên.
Bên cạnh đó, theo quy định, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỉ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ xác nhận bằng văn bản việc ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Do đó, luật sư Hùng nhận định, nếu vốn điều lệ công ty đa cấp ít thì kỹ quỹ sẽ ít. Khi phá sản hoặc chấm dứt, công ty không có tài sản bảo bảm mà khoản nợ nhiều hơn tiền ký quỹ thì bất lợi luôn thuộc về khách hàng, nhà đầu tư.
Cụ thể, nếu có thắng kiện hay được tòa án tuyên công ty đa cấp phải trả nợ thì khách hàng, nhà đầu tư cũng không lấy lại được tiền hoặc lấy không được bao nhiêu vì đã chia theo tỷ lệ cho nhiều chủ nợ vì công ty không có tiền hoặc không còn tài sản. Đây là điều khó khăn và bất lợi cho các nhà đầu tư, khách hàng khi tham gia, đầu tư vào mạng lưới này.
Trước đó, căn cứ Kết luận kiểm tra số 343/KL-BCT ngày 12.1.2017, Thiên Ngọc Minh Uy đã bị Cục Quản lý cạnh tranh phạt tiền 140 triệu đồng đối với 3 hành vi vi phạm là: Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 24, Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định pháp luật vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 20, Nghị định 42/2014/NĐ-CP; Duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp, vi phạm quy định tại điểm (p) khoản 1 Điều 5, Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đã tiến hành xử phạt công ty 75 triệu đồng với 2 hành vi là: Không thông báo với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp sau khi sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết đã chuyển hồ sơ điều tra sang C46 (Bộ Công an) để điều tra về những sai phạm mà công ty này mắc phải trong suốt quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, một thông báo từ fanpage của công ty được đăng tải trưa25.4 tiết lộ công ty sẽ "lên" Tập đoàn Thiên Ngọc Minh Uy và mở ra 6 công ty con. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh đa cấp mang tên Thiên Ngọc Minh Uy hiện tại sẽ do công ty con của Thiên Ngọc Minh Uy làCông ty TNHH Nhã Khắc Lâm chuyên sâu mảng MLM (kinh doanh đa cấp). Vì vậy, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy không còn là đa cấp nữa nên trả giấy chứng nhận đa cấp cho Bộ Công Thương.
Với động thái này, dư luận dấy lên nghi ngờ về việc “bình mới rượu cũ” trong hoạt động của công ty đa cấp này.
Theo thống kê, hiện có hơn 250.000 người đã được cấp các mã thành viên của Thiên Ngọc Minh Uy trên toàn quốc. Số lượng thành viên tham gia theo hình thức chân rết của hệ thống đa cấp với mô hình hoạt động tinh vi này có thể lên tới hơn 1 triệu người. Doanh nghiệp bị xử phạt rất nhiều lần nhưng vẫn “bình an vô sự” khiến dư luận hết sức bất bình.
Sơn Lam