Với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) bị đề nghị mức án từ 3- 4 năm tù.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị phạt 4 năm tù

20/05/2020, 12:16

Với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) bị đề nghị mức án từ 3- 4 năm tù.

Tòa án quân sự mở phiên tòa xét xử các bị cáo - Ảnh: Q.S

Sáng 20.5, đại diện VKS quân sự Quân chủng Hải quân đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án liên quan đến 3 khu đất quốc phòng tại TP.HCM. Theo đó, với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Nguyễn Văn Hiến - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bị đề nghị mức án từ 3 - 4 năm tù.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) bị xác định phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị đề nghị các mức án 20 năm tù. Hai bị cáo còn lại bị xác định là đồng phạm của Út “trọc” là Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan bị đề nghị mức án lần lượt từ 7 - 15 năm tù. 4 bị cáo còn lại phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” bị VKS đề nghị mức án từ 3 - 9 năm tù.

Trong vụ án này, đại diện VKS nhận định việc mở phiên tòa là kịp thời, đúng pháp luật nhằm bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản quân đội. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã đảm bảo quyền dân chủ, đảm bảo đúng Hiến pháp, đúng pháp luật.

Hành vi xâu chuỗi, tính toán kỹ càng

Đối với các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo VKS, bị cáo Đinh Ngọc Hệ có thái độ chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên sau khi khởi tố, CQĐT và VKS đã thận trọng lấy lời khai của những người làm chứng, họ đã cung cấp nhiều tài liệu khách quan về Đinh Ngọc Hệ. Kết quả thẩm tra tại phiên tòa đủ cơ sở xác định, bị cáo Hệ đã thành lập Tổng công ty Thái Sơn Bộ Q.P và nhiều công ty khác có lấy tên Bộ Quốc phòng khiến mọi người lầm tưởng là công ty của Bộ Quốc phòng.

Trong quá trình hoạt động, Hệ đã chỉ đạo các công ty thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật và đang được CQĐT điều tra, làm rõ trong những vụ án khác. Hành vi điển hình của bị cáo là không góp vốn kinh doanh hoặc có góp nhưng không đủ quy định, dùng ảnh hưởng của mình để chiếm đoạt các dự án lớn mà nhiều công ty khác thèm muốn…

Theo VKS, với thủ đoạn hết sức tinh vi, Hệ đã chiếm đoạt quyền sử dụng đất tại khu đất quốc phòng ở TP.HCM. Cụ thể, các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan đã có hành vi gian dối để Công ty Hải Thành (Quân chủng Hải quân) tin tưởng làm các thủ tục ký kết hợp đồng thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành thực hiện dự án xây dựng và vận hành cao ốc đa chức năng tại khu đất số 7-9, thời hạn 49 năm, sau đó đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng khu đất số 7-9 cho Công ty Yên Khánh Hải Thành.

Sau khi có Giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất, Hệ chỉ đạo Diệt và Hoan lập hồ sơ thế chấp quyền sử dụng khu đất số 7-9; trong đó, sử dụng Biên bản họp HĐTV Công ty Yên Khánh Hải Thành, có chữ ký giả của Trần Trọng Tuấn để lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng VietBank (Chi nhánh TP.HCM) để sử dụng vào mục đích riêng.

Sau khi giải chấp tại Ngân hàng VietBank, bằng thủ đoạn trên, Hệ và Diệt chỉ đạo Hoan thế chấp khu đất số 7-9 tại Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Thành Đô), bảo đảm cho 8 công ty của Hệ vay, cấp bảo lãnh số tiền hơn 765 tỉ đồng. Hiện nay, còn 4 công ty có dư nợ với ngân hàng được bảo đảm bằng khu đất số 7-9, với tổng số nợ gốc và lãi hơn 545 tỉ đồng.

VKS nhận định hành vi phạm tội của Hệ và đồng phạm thực hiện trong thời gian dài, có sự xâu chuỗi, tính toán kỹ càng…, trong đó vai trò của Hệ là người tổ chức, 2 bị cáo còn lại là Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan đóng vai trò đồng phạm.

Quang cảnh phiên tòa

Sĩ quan cao cấp thành bị cáo

Đối với các bị cáo phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, VKS nhận định các bị cáo đều là những sĩ quan trong quân đội, có đầy đủ hiểu biết và nhận thức về việc triển khai thực hiện đã được Bộ Quốc phòng chỉ đạo phải thực hiện phát triển kinh tế trên 3 khu đất quốc phòng (khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 tại đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân) theo đúng quy định pháp luật.

Trong vụ án này, các bị cáo chịu trách nhiệm tham mưu cho thủ trưởng trên cả 3 khu đất đó nên theo VKS, các bị cáo phải có hiểu biết và chịu trách nhiệm của mình theo Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, các bị cáo đã đã ký các văn bản hoặc tham mưu để Thủ trưởng Bộ Tư lệnh ký các văn bản, làm các thủ tục không đúng quy định của pháp luật, của Bộ Quốc phòng về quản lý đất đai trong triển khai thực hiện khai thác 3 khu đất làm kinh tế; xin ghi thu, ghi chi tiền chuyển mục đích sử dụng đất không đúng theo quy định.

Theo VKS, bằng những việc làm nêu trên đã dẫn đến việc các bị cáo vốn là những người có chuyên môn tốt, có nhiều thành tích nay lại là bị cáo trong vụ án. VKS cũng nhận định đây là vụ án đồng phạm với tính chất rất nghiêm trọng, quá trình điều tra cho thấy các bị cáo không có tư lợi cá nhân.

Lỗi vô ý, quá tự tin

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến, theo VKS, do tin tưởng vào vào sự tham mưu của cấp dưới và việc thảo luận tập thể, bị cáo Hiến đã ký, phê duyệt các văn bản không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003; không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của Công ty Yên Khánh; không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng các khu đất…

Sau khi ủy quyền cho Giám đốc Công ty Hải Thành ký hợp đồng, bị cáo Hiến đã không trực tiếp kiểm tra việc thực hiện, dẫn đến bị đối tác sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba; không nắm được quy định phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Hậu quả Quân chủng hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 939 tỉ đồng.

Ngoài ra, VKS cho rằng bị cáo Hiến là người có chức vụ quyền hạn, thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý, quá tự tin để lại hậu quả lớn nên cần phải xử lý nghiêm minh; tuy nhiên, quá trình điều tra xác định bị cáo không có động cơ mục đích vụ lợi.

Nhã Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị phạt 4 năm tù