Sau nhiều lần phải mổ lấy thai, người phụ nữ bị thai bám ở sẹo mổ lấy thai trong tình trạng nguy hiểm, tưởng chừng phải cắt bỏ tử cung mới có thể xử lý tình trên trên, nhưng bất ngờ bệnh nhân đã được giữ tử cung một cách ngoạn mục.

“Cứu” thành công tử cung người phụ nữ bị thai bám sẹo mổ

Hồ Quang | 18/01/2021, 15:08

Sau nhiều lần phải mổ lấy thai, người phụ nữ bị thai bám ở sẹo mổ lấy thai trong tình trạng nguy hiểm, tưởng chừng phải cắt bỏ tử cung mới có thể xử lý tình trên trên, nhưng bất ngờ bệnh nhân đã được giữ tử cung một cách ngoạn mục.

Ngày 18.1, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho hay, các bác sĩ ở đây vừa phẫu thuật thành công bảo tồn tử cung cho một trường hợp thai bám sẹo mổ lấy thai có nhóm máu hiếm (nhóm máu O Rhesus âm).

cuu-thanh-tu-cung-nguoi-phu-nu-bi-thai-bam-seo-mo-hinh-anh(1).jpg
Thai bám vào sẹo mổ lấy thai trước đó của sản phụ đã được các bác sĩ phẫu thuật  và giữ thành công tử cung - Ảnh: BVCC

ThS.BS Lê Võ Minh Hương – Bệnh viện Từ Dũ cho biết, đây là trường hợp nữ bệnh nhân 30 tuổi. Bệnh nhân này đã có 2 lần mổ lấy thai trước đây, lần gần nhất là vào tháng 4.2020. Tuy nhiên, sau đó người phụ nữ này tiếp tục mang thai lần thứ 3 thì bị bệnh lý thai bám ở sẹo mổ lấy thai.

Khi thai nhi ở vào 8 tuần tuổi thai, các bác sĩ phát hiện thai bám sẹo mổ lấy thai, vết mổ lấy thai mới 7 tháng.

Lúc nhập viện, bệnh nhân đang bị ra huyết âm đạo không nhiều, nhưng nồng độ HCG (một hormone do bánh nhau tiết ra) rất cao. Đây là một tình trạng bệnh lý có nguy cơ chảy máu ồ ạt khó kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu mất máu quá nhiều, cộng thêm yếu tố bệnh nhân có nhóm máu hiếm sẽ rất khó khăn khi phải truyền máu số lượng lớn. Do đó bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy khối thai.

Để giảm đau sau mổ, giúp người bệnh nhanh chóng xuất viện và hồi phục sức khỏe, các bác sĩ ở đây quyết định thực hiện nội soi lấy thai.

Ca mổ được ê kíp chuẩn bị rất kỹ, từ phương tiện đến dụng cụ, thuốc, máu vì đây được đánh giá là một ca bệnh rất nguy hiểm. “Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi đã thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi, không cần phải truyền máu. Tử cung của người phụ nữ trẻ được giữ lại mà không cần cắt bỏ. Hơn nữa, vì không mất nhiều máu khi mổ, người bệnh nhanh chóng được quay trở lại với sinh hoạt bình thường”, bác sĩ Hương chia sẻ.

Bác sĩ Lê Ngọc Diệp - Khoa Nội soi - Bệnh viện Từ Dũ cho biết trên thế giới có nhiều phương pháp điều trị thai bám sẹo mổ lấy thai và đã được bệnh viện nghiên cứu, áp dụng để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Trong đó, phẫu thuật nội soi là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, lấy được toàn bộ khối thai, kiểm soát mất máu, sửa lại sẹo mổ cũ và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, giảm đau cũng như giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Tuy nhiên đây là phương pháp đòi hỏi thuật viên cần được đào tạo và thực hành trong thời gian dài.

Theo bác sĩ Diệp bình thường túi thai phát triển trong buồng tử cung. Tuy nhiên, ở những phụ nữ có vết mổ trên cơ tử cung, cụ thể là sau phẫu thuật mổ lấy thai, sẽ có nguy cơ túi thai bám lên vị trí vết mổ. Vị trí này bị xơ sẹo và có nhiều khiếm khuyết so với những vị trí bình thường của buồng tử cung. Do đó, khi túi thai phát triển ở đây, có nguy cơ vỡ gây chảy máu ồ ạt, có thể nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ. Nguy cơ thai bám sẹo mổ càng tăng nếu số lần mổ lấy thai càng nhiều.

Để không xảy ra tình trạng thai bám sau mổ lấy thai trước đó, bác sĩ Diệp lưu ý các chị em phải ngừa thai ít nhất 6 tháng tính từ ngày mổ lấy thai trước đó. Khi trễ kinh hoặc nghi ngờ có thai, các chị em nên đến bệnh viện khám ngay để xác nhận vị trí khối thai. Phát hiện bệnh sớm sẽ góp phần giảm gánh nặng điều trị.

Khi quyết định thực hiện việc nạo hút thai, uống thuốc phá thai... (do thai ngoài ý muốn hay do thai lưu, thai bệnh lý), nếu thai phụ đã từng có mổ lấy thai, cần được khảo sát cẩn thận về việc thai có bám vào sẹo mổ cũ hay không, tránh nguy cơ bị băng huyết do can thiệp không phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cứu” thành công tử cung người phụ nữ bị thai bám sẹo mổ