Các bác sĩ vừa kịp thời can thiệp, xử lý thành công 5 túi phình mạch máu não ở một phụ nữ, cứu bệnh nhân thoát khỏi đột quỵ trong gang tấc.

Cứu sống nữ bệnh nhân bị cao huyết áp bởi 5 túi phình mạch máu não

Hồ Quang | 26/10/2023, 17:35

Các bác sĩ vừa kịp thời can thiệp, xử lý thành công 5 túi phình mạch máu não ở một phụ nữ, cứu bệnh nhân thoát khỏi đột quỵ trong gang tấc.

Qua nhiều lần khám sức khỏe không ghi nhận bệnh lý nào, đầu tháng 8.2023, bà L.M.G.T (62 tuổi, quê ở Cần Thơ) bất ngờ phát hiện bị tăng huyết áp nhiều lần nên được gia đình đưa đến điều trị ở một bệnh viện lớn tại TP.Cần Thơ và được chẩn đoán tăng huyết áp vô căn.

Sau khoảng 1 tuần điều trị, bà T. được xuất viện nhưng về nhà thì cơn tăng huyết áp vẫn không thuyên giảm.

nguoi-phu-nu-bi-benh-cao-huyet-ap-vi-co-den-5-tui-phinh-mach-mau-nao-hinh-anh-1(1).png
Sau khi được can thiệp, bệnh nhân đã thoát khỏi nguy cơ đột quỵ và tình trạng tăng huyết áp - Ảnh: BVCC

Không yên tâm, ngày 15.10, bà T. đến Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ tầm soát bằng chụp MRI. Các bác sĩ phát hiện trong một đoạn ngắn của mạch cảnh trong phải có đến 5 túi phình mạch máu nằm gần nhau với các kích thước lần lượt là 4 x 4,5mm, 3,5 x 4mm, 3 x 3,5mm, 2.5 x 3,5mm và một nhú phình nhỏ. Đây chính là nguyên nhân khiến huyết áp của bà tăng cao và thường xuyên như vậy.

Ngày 23.10, bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch đặt stent. Phương pháp này ít xâm lấn cũng như hạn chế được biến chứng, và là tối ưu cho việc xử lý các túi phình.

Theo BSCK2 Nguyễn Lưu Giang - Trưởng đơn vị Can thiệp nội mạch DSA, mặc dù có cùng lúc đến 5 túi phình, nhưng may mắn là các vị trí túi phình nằm gần nhau trên một đoạn ngắn của mạch máu.

nguoi-phu-nu-bi-benh-cao-huyet-ap-vi-co-den-5-tui-phinh-mach-mau-nao-hinh-anh.png
Ảnh chụp DSA cho thấy bệnh nhân L.M.G.T có đến 5 túi phình mạch máu não - Ảnh: BVCC

“Chúng tôi đã dùng biện pháp chỉ đặt 1 stent để thay đổi dòng chảy của máu lên não. Khi đó stent được đặt ngang qua tất cả túi phình, máu sẽ theo stent lên não, hạn chế được dòng chảy vào túi phình, từ đó hạn chế nguy cơ xuất huyết não ở bệnh nhân”, bác sĩ Giang cho biết.

Theo các bác sĩ, tỷ lệ bệnh nhân có túi phình mạch máu là từ 3 - 5% dân số. Nguy cơ lớn nhất của túi phình mạch máu não là vỡ ra gây xuất huyết màng não, hoặc xuất huyết trong nhu mô não

. Các trường hợp xuất huyết rồi, bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu từ nhẹ như đau đầu, không có dấu hiệu thần kinh yếu liệt, hoặc lơ mơ, đến những trường hợp nặng có thể hôn mê dẫn đến tử vong.

Thông thường, các túi phình được điều trị với 2 phương pháp, một là mổ hở, dùng dụng cụ chuyên biệt gọi là líp (kẹp) để kẹp cổ túi phình phòng ngừa túi phình vỡ; hai là can thiệp nội mạch, sử dụng ống nhỏ, thường được đi bằng đường đùi đi lên để đến vị trí tổn thương, sau đó xử lý bằng nhiều phương án như đặt stent cho túi phình cổ rộng, coil đặt cho túi phình cổ hẹp…

“Đa số trường hợp phình mạch máu não hiếm khi có triệu chứng, trừ khi túi phình to gây chèn ép thần kinh khiến bệnh nhân có triệu chứng như đau đầu, sụp mi, ngủ gà, lơ mơ… Trường hợp này khả năng túi phình đã vỡ. Vì vậy khi thấy có dấu hiệu này, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để chạy chữa kịp thời”, bác sĩ Giang nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu sống nữ bệnh nhân bị cao huyết áp bởi 5 túi phình mạch máu não