Nhau cài răng lược là một biến chứng thai kỳ rất nguy hiểm cho cả bà mẹ và em bé, nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong mẹ và con rất cao.
Thông tin sáng 21.11.2019 từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, một trường hợp nhau cài răng lược thể nặng, xuyên hết lớp cơ tử cung và bắt đầu xâm lấn ra tới bàng quang với nguy cơ chảy máu sau sanh rất cao đe doạ tính mạng cả mẹ lẫn con đã được các bác sĩ khoa Sản phẫu thuật thành công ngoài mong đợi.
Bệnh nhân là Thái Huỳnh Thục Đ. (33 tuổi, ngụ ấp 8, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc trưa 19.11, trong tình trạng thai 39 tuần đang phát triển, ra huyết âm đạo, huyết áp tăng. Trong quá trình mang thai, bệnh nhân có khám định kỳ, bác sĩ giải thích nhau bám thấp...
Kết quả siêu âm ghi nhận bệnh nhân bị nhau cài răng lược, sản phụ mang thai lần thứ 2, thai 39 tuần ngôi đầu chuyển dạ, sẹo mổ cũ, nhau tiền đạo trung tâm dạng nhau cài răng lược thể Percreta. Xác định bằng mọi cách phải giữ lại tử cung để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc gia đình cho bệnh nhân, êkip trực sản đã nỗ lực hết mình và chuẩn bị tốt nhất để ca mổ diễn ra thành công.
Êkip từ khoa Sản, phòng Mổ, khoa Ngoại niệu, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm... đã lên phương án cho những tình huống xấu có thể xảy ra như: băng huyết, phải cắt bỏ tử cung... để có sự chuẩn bị chu đáo nhất.
Sau khi hội chẩn nhiều chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy thai cấp cứu. TS.BS Lâm Đức Tâm là Phẫu thuật viên chính, Ths.BS Trần Khánh Nga - khoa Sản; BS.CK1 Nguyễn Văn Vỉnh - khoa Gây mê phối hợp cùng êkip BS.CKII Nguyễn Phước Lộc - Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, thực hiện ca này.
Tình trạng bệnh nhân: nhau cài răng lược mặt trước đoạn dưới xâm lấn vào bàng quang, mạch máu tăng sinh rất nhiều, bàng quang dính rất chặt vào các mô nhau. Các bác sĩ đã tiến hành bóc tách, khâu phục hồi bàng quang, cắt xén mô nhau kiểm tra thấy bánh mô nhau lan và xâm lấn ở mặt sau tử cung và dính rất chặt với cơ tử cung xâm lấn dây chằng rộng, tiến hành cầm máu bằng mũi B-Lynch, thắt động mạch tử cung.
Cả 2 mẹ con đã qua cơn nguy hiểm - Ảnh: Phong Phạm
Quá trình phẫu thuật bệnh nhân bị mất máu khá nhiều, phải truyền tổng cộng 8 đơn vị chế phẩm máu. Cuối cùng, cuộc vượt cạn căng thẳng của các bác sĩ cùng sản phụ diễn ra thành công sau 4 giờ, bé trai nặng 3,1 kg được chào đón khỏe mạnh và bảo tồn thành công tử cung cho sản phụ.
TSBS. Lâm Đức Tâm - khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: “Nhau cài răng lược thể Percreta là thể rất nặng, bánh nhau xâm lấn xuyên qua lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như ruột, bàng quang nên cần kết hợp nhiều chuyên khoa để chẩn đoán và xử trí cứu sống mẹ và bé.
Ở trạng thái bình thường, sau khi sinh, bánh nhau sẽ tự động tách khỏi thành tử cung và đẩy ra ngoài. Nhưng trong trường hợp bị nhau cài răng lược thì bánh nhau bám chặt vào cơ tử cung và có nguy cơ cắt tử cung. Đây là nguyên nhân gây ra các tình trạng như băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu, hoặc thậm chí gây tử vong cho sản phụ”.
Tình trạng sáng 21.11, sản phụ sức khỏe ổn định, vết mổ khô, tử cung co hồi tốt, dẫn lưu ra ít dịch, bé khỏe, bú tốt được chăm sóc và theo dõi tại khoa Sản. Đây là trường hợp bảo tồn tử cung cho sản phụ còn trẻ tuổi bị nhau cài răng lược thể Percreta.
Nhau cài răng lược là một biến chứng thai kỳ và là vấn đề quan trọng trong thực hành sản khoa, gây nguy cơ cao cho cả mẹ và con do thai non tháng và xuất huyết âm đạo lượng nhiều. Mặc dù không thường gặp nhưng đó là vấn đề mà các bác sĩ sản khoa đặc biệt quan tâm vì các biến chứng: chảy máu nhiều, nhiễm trùng, thủng hoặc vỡ tử cung có thể nguy hiểm tính mạng.
Chính vì thế chị em phụ nữ nên có kế hoạch dự định sanh nở phù hợp, khám thai định kỳ đều và đặc biệt chỉ sanh mổ khi có chỉ định sản khoa từ bác sĩ, vì sanh mổ có nhiều nguy cơ, tai biến cũng như làm xấu đi tương lai sản khoa sau này, cần chủ động trong kế hoạch hóa gia đình, tránh nạo hút thai.
Phong Phạm