Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Hùng phủ nhận việc nhận 300 triệu đồng, đồng thời khẳng định bản thân không bao giờ nhận tiền.
Sự kiện

Cựu Cục phó Trần Hùng kháng cáo kêu oan, khẳng định 'không nhận hối lộ'

Nhã Thanh 22/01/2024 17:30

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Hùng phủ nhận việc nhận 300 triệu đồng, đồng thời khẳng định bản thân không bao giờ nhận tiền.

Ngày 22.1, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đối với cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục QLTT Trần Hùng về tội “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ án sản xuất và buôn bán sách giả. Trong đó, bị cáo Trần Hùng kháng cáo kêu oan; các bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hoặc xin hưởng án treo.

Nhiều bị cáo có đơn xin giảm nhẹ hình phạt đã thừa nhận hành vi sai phạm như cấp sơ thẩm đã quy kết, đồng thời cung cấp thêm các giấy tờ thể hiện bản thân đã khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng...

Bị cáo Lê Việt Phương (Đội phó Đội Quản lý thị trường 17) kháng cáo xin giảm nhẹ và xin hưởng án treo. Trước đó, bị cáo Phương bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Phương khai rằng khi xử lý vụ việc của Công ty Phú Hưng Phát, ngay từ đầu trong hồ sơ đã thể hiện bị cáo đấu tranh quyết liệt vì Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) không hợp tác. Sau đó, Phương có nghe điện thoại của ông Trần Hùng, và ông này nói với bị cáo cho Thuận trình bày lại.

419813811_697063809164851_508755601719026122_n.jpg
Bị cáo Trần Hùng khai báo tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: N.A

Về phần mình, bị cáo Cao Thị Minh Thuận cho biết trong đợt kiểm tra, bị cáo thấy Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo mọi người, thấy đó là người quan trọng nhất nên có xin số điện thoại để liên lạc.

Thông qua các cuộc gọi đó, Thuận khai rằng có xin ông Hùng giải quyết nhẹ vụ việc; Hùng nói là Phương đang giúp. Sau đó, bị cáo thấy mọi việc không bị chuyển hồ sơ sang bên công an và chỉ bị xử lý vi phạm hành chính.

Về số tiền 300 triệu đồng, theo lời khai của Thuận, người phụ nữ này có đưa cho Nguyễn Mạnh Hà (Phó giám đốc Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội - không kháng cáo) 300 triệu đồng để đưa cho Trần Hùng nhằm xử lý vụ việc. Hà đưa cho Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để lên đưa tiền cho Trần Hùng.

Tại tòa, bị cáo Trần Hùng phủ nhận các lời khai trên của Phương và Thuận. Cụ thể, theo lời khai của bị cáo Hùng, ông không chỉ đạo Phương. Ngoài ra, Trần Hùng khai rằng Cao Thị Minh Thuận có gọi điện, nhắn tin mấy lần nhưng ông không đồng ý gặp.

Liên quan đến số tiền 300 triệu đồng mà bị cáo Trần Hùng bị cáo buộc tội “Nhận hối lộ”, ông này phủ nhận: “Tôi không bao giờ nhận tiền. Không đối tượng buôn bán hàng giả nào hối lộ được tôi”.

Tại phiên xử sơ thẩm diễn ra hồi tháng 7.2023, bị cáo Trần Hùng bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Dù bị cáo Trần Hùng không nhận tội nhưng tòa cấp sơ thẩm nhận định căn cứ vào lời khai của các bị cáo, đối chất, kết quả thực nghiệm điều tra và chứng cứ khác, đủ căn cứ để kết luận Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng của Cao Thị Minh Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai.

Theo nội dung vụ án, sau khi vụ việc Công ty Phú Hưng Phát bị phát hiện, Thuận liên hệ với Hùng nhờ giúp đỡ và Hùng ra điều kiện sẽ tha nếu Thuận chỉ ra các cơ sở vi phạm khác. Bị cáo Thuận thông qua bị cáo Hải đặt vấn đề sẽ đưa tiền cho Trần Hùng.

Sau khi nhận 300 triệu đồng, Trần Hùng hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ sách giả thành sách do người khác ký gửi; đồng thời chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 17 xử lý vụ việc theo hướng mà bị cáo Thuận thay đổi lời khai. Vụ việc lẽ ra phải được chuyển sang cơ quan điều tra thì chỉ bị xử phạt hành chính.

Bài liên quan
Cựu Cục phó Quản lý thị trường Trần Hùng lĩnh án 9 năm tù vì nhận hối lộ
Bị cáo Trần Hùng bị tòa tuyên phạt 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Cục phó Trần Hùng kháng cáo kêu oan, khẳng định 'không nhận hối lộ'