Mặc dù không biết bơi và 3 lần bị chìm tàu trên biển, nhưng cụ ông ở miền Tây vẫn sống sót tài tình.

Cựu binh không biết bơi thoát chết thần kỳ sau 3 lần chìm tàu trên biển

03/06/2020, 17:29

Mặc dù không biết bơi và 3 lần bị chìm tàu trên biển, nhưng cụ ông ở miền Tây vẫn sống sót tài tình.

Hiện sức khỏe của cụ Tưởng rất yếu, tinh thần không còn minh mẫn phải cần người thân chăm sóc - Ảnh: Khải Trần

Ba lần thoát chết thần kỳ giữa đại dương

Ít ai biết rằng, câu chuyện về cuộc đời của cụ ông Lê Văn Tưởng (83 tuổi, ngụ ấp Rạch Gốc B, TT.Rạch Gốc, H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) - nguyên là đại úy trợ lý thông tin của Trung đoàn 962, Quân khu 9) có rất nhiều sự tích khiến người nghe cảm thấy trầm trồ, nể phục và phải thốt lên rằng: “Thật là thần kỳ”.

Năm 1960, cụ Tưởng (quê gốc ở tỉnh Quảng Trị) tham gia nhập ngũ để đánh Mỹ. Trong thời gian tham gia kháng chiến, cụ Tưởng đã có 13 chuyến đi theo đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam để chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong những lần đi ấy, đã có 3 lần tàu của cụ Tưởng bị đắm chìm tàu. Mặc dù không biết bơi, thế nhưng khi gặp nạn giữa muôn trùng khơi, cụ ông vẫn thoát chết đầy ngoạn mục.

Ông Phượng cùng chị gái kể về cuộc đời của anh rể mình - cụ Lê Văn Tưởng - Ảnh: Khải Trần

Khi chúng tôi đến, cụ Tưởng không được khỏe, phải cần sự chăm sóc của người thân, nên những chuyện về ông được người thân chia sẻ lại còn rất hạn chế. Bà Ngô Thị Hà - vợ cụ Tưởng, năm nay 71 tuổi, bông đùa: “Chắc tại “thần chết” chê nên ổng mới được gặp tôi. Chứ nếu chết rồi thì làm sao gặp tôi mà nên duyên vợ chồng. Người ta hay nói “bất quá tam”, nên cũng may là lần thứ 3 chìm tàu, cũng là chuyến cuối cùng nên ổng lên bờ cưới tôi. Phải chi, còn đi nhiều chuyến nữa, tôi nghĩ chắc không may mắn vậy đâu”.

Theo lời bà Hà, có lần cụ Tưởng cùng đồng đội bị chìm tàu ở vịnh Vũng Rô (Phú Yên). Khi đó, cụ Tưởng được đồng đội cứu vớt, kéo lên phao nổi rồi dìu cụ vào đất liền. Tại đây, cụ Tưởng đã tìm đường đi bộ về thủ đô Hà Nội mất gần 6 tháng trời. Về đến đơn vị, trên người cụ Tưởng chỉ còn sót lại cái quần tà lỏn.

“Do đi bộ suốt nhiều tháng liền nên đâu có còn cái gì mà ăn. Do đói khát nên ông ấy lấy hành lý còn lại để đổi thức ăn. Thiếu muối thì đổi muối, thiếu gạo thì đổi gạo để có cái ăn mà về quê. Có lần, vì đói quá, nên ổng bứt cỏ dại ăn, để duy trì sự sống. Thời chiến tranh, cực khổ trăm đường”, bà Hà kể lại thời gian khó của chồng mình.

Chia sẻ về lý do vì sao không biết bơi, mà cụ Tưởng dám xuống tàu đi từ Bắc vào Nam, bà Hà nói: “Ổng rất gan dạ, lúc còn khỏe, ông ấy thường hay tâm sự với tôi rằng, ngày đặt chân lên tàu đi vào Nam bằng đường thủy, cấp trên có hỏi ổng rằng: “Đồng chí không biết bơi sao dám đi tàu”, ông mới trả lời rằng, không biết bơi nhưng nhỡ tàu có đắm chìm thì chìm chết liền, dễ chết. Chứ biết bơi thì có khi chết đau đớn hơn, thậm chí còn bị địch bắt. Nghe ổng trả lời vậy, không biết sao cấp trên cho ổng đi liền, chớ có biết lội biết bơi gì đâu”.

Ông Lê Minh Tỵ (cháu ruột - gọi ông Tưởng bằng ông chú) cho hay, ông từng nghe ông chú mình kể lại rằng, sở dĩ ông thoát chết nhiều lần là vì bản thân là lính cơ yếu. Bởi thời đó, vai trò của người lính cơ yếu rất quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh.

“Ông chú tôi được giao nhiệm vụ phụ trách thông tin mật, chắc vì vậy mà ông tôi được đồng đội nỗ lực bảo vệ, che chở và chấp nhận hy sinh để bảo về ông tôi. Lúc kè ông chú lên phao để đưa vào bờ, thì đồng đội có đem theo 1 quả lựu đạn và 1 cây lê, nếu địch phát hiện là cả nhóm sẵn sàng hy sinh để bảo mật thông tin. Chứ nếu bị địch bắt, chúng tra tấn, dùng nhục hình cũng khó sống sót”.

Ngôi nhà tình nghĩa của cụ Tưởng do Bộ Quốc Phòng trao tặng - Ảnh: Khải Trần

Theo lời ông Tỵ, người lính làm công tác thông tin rất vất vả, suốt ngày cứ khư khư bên mình cái máy để nhận tín hiệu và truyền đạt thông tin lại cho đồng đội từ cấp trên. Thậm chí, có lần cụ Tưởng vừa đặt chân về Hà Nội thì được lệnh của chỉ huy tiếp tục đi 1 chuyến tàu khác vào Nam. “Có thể do ảnh hưởng từ chuyện nghề nghiệp, chứ suốt ngày cứ nghe tít tít te te thì nhức đầu lắm. Bởi vậy, bây giờ ông chú tôi đãng trí rồi, khi nhớ khi quên”, ông Tỵ cho biết.

Thoát “án tử” khi gặp nạn trên biển

83 tuổi đời với 53 tuổi Đảng, cụ Tưởng từng lập nhiều thành tích trong kháng chiến. Đặc biệt, cụ còn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. “Hiện Huân chương đó đã được đem đến trưng bày ở bảo tàng tỉnh Cà Mau rồi. Mình gìn giữ có khi không kỹ bằng nhà nước họ giữ giúp mình”, ông Tỵ nói.

Theo lời ông Tỵ, hòa bình lập lại, gia đình có kêu cụ Tưởng đi làm giấy tờ, để làm hồ sơ báo công, nhưng cụ cương quyết khước từ. “Ông tôi rất khẳng khái, ông cho rằng chiến tranh bom đạn đau thương, khiến nhiều đồng đội của ông phải hy sinh. Có báo công, thì những đồng đội đó xứng đáng hơn ông. Với ông, ngày hòa bình mà còn sống là mừng rồi. Nhà nước có hỗ trợ được gì cho ông thì hỗ trợ, chứ ông không đòi hỏi bất cứ điều gì, đó là tính cách của ông chú tôi”, ông Tỵ nói.

Chiến tranh đã lùi xa theo năm tháng, nhưng ký ức về chiến tranh, về những đồng đội đã hy sinh vẫn còn vẹn nguyên trong tâm hồn của người lính như cụ Tưởng. Bây giờ, cứ mỗi khi trái gió trở trời là người cụ Tưởng lại sưng phù, đau nhức vì miểng đạn vẫn còn nằm trong thân thể của ông.

Ông Ngô Hoàng Phượng (60 tuổi - em vợ cụ Tưởng) cho hay: “Chuyện về cuộc đời của anh rể tôi rất ly kỳ, ngoài chuyện chìm tàu không chết, anh rể tôi từng bị địch bao vây mà không bắt được. Anh ấy kể, có lần bị địch bao vây trên đảo hơn 10 ngày. Lúc đó, tưởng không sống sót vì đói khát, chỉ ăn cỏ dại mà sống. Có lần vì đói, đồng đội của anh ăn môn ngứa nên sưng phù mồm miệng. May nhờ có lực lượng đến giải vây, anh rể tôi mới được giải cứu”.

Sổ chính sách của cựu Tưởng khi về hưu - Ảnh: Khải Trần

Ông Võ Quốc Thái, Phó chủ tịch UBND TT.Rạch Gốc cho hay, chuyện về cụ Tưởng rất lạ và ly kỳ. “Lúc còn khỏe mạnh, những dịp vào thăm hỏi cụ Tưởng, thì cụ ấy có kể về chuyện mình không biết bơi mà thoát chết. Câu chuyện về cụ Tưởng rất ly kỳ, theo cá nhân tôi thì việc thoát chết là do cơ duyên. Cũng có thể là do một yếu tố tâm linh nào đó hỗ trợ, phù hộ cho cụ ấy gặp được may mắn, tai qua nạn khỏi.

Có lẽ cụ là người duy nhất thoát chết ngoạn mục 3 lần như vậy. Chứ trước giờ, người ta biết bơi mà còn chết nữa, chớ nói gì đến chuyện không biết bơi mà thoát chết nhiều lần như vậy. Cụ ấy tham gia đoàn tàu không số từ Bắc vào Nam nhiều lần lắm và được nhận nhiều Huân, Huy chương vì có thành tích trong kháng chiến”.

Khải Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu binh không biết bơi thoát chết thần kỳ sau 3 lần chìm tàu trên biển