Thiết thực, gần gũi và ngắn gọn! Đó là những tính từ mà tôi tin bạn sẽ phải thốt lên ngay khi đọc quyển sách “Bí quyết học giỏi” của hai anh em tác giả Blake Nemelka và Bo Nemelka – cả hai đều là thực tập sinh cho Tiến sĩ Stephen R. Covey, tác giả của chuỗi sách “7 thói quen” nổi tiếng khắp thế giới. Quyển sách được viết đặc biệt dành cho học sinh cấp II và cấp III, là bước nhắc nhở các bạn ở độ tuổi này đã đến lúc suy nghĩ về cuộc đời mình, về hướng đi trong tương lai, về con người mà bạn muốn
Một trong những sự thay đổi quan trọng trong đời người chính là trường cấp hai, nơi đầy những điều lạ lẫm về một trường học mới, lớn hơn, tình bạn có thể bắt đầu trở nên phức tạp hơn, hoặc có thể đó là sự kết hợp của rất nhiều thứ. Những thay đổi này có lúc lại là điều tốt nhất cho các bạn - bởi vì khi mọi thứ bắt đầu thay đổi, chúng ta sẽ có thêm cơ hội để phát triển. Và đây cũng là thời điểm hoàn hảo để các bạn bắt đầu điều chỉnh những thói quen và mục tiêu để chuẩn bị cho sự thành công trong tương lai.
Nghe thì hơi đáng sợ nhưng có lẽ điều đó lại càng kích thích chúng ta muốn chinh phục thử thách này. Ngoài ra với sự giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô và huấn luyện viên thì mọi việc sẽ thú vị hơn nhiều.
Quyển sách không phải là những lý thuyết, những ràng buộc rằng bạn phải làm cái này, không được làm cái kia, mà đây là những hướng dẫn chi tiết dựa theo trải nghiệm của hai tác giả, giúp các bạn học sinh từng bước hình thành những thói quen và biết cách đặt mục tiêu cho cuộc đời mình.
“Bí quyết học giỏi” bao gồm 11 chủ đề được trình bày dưới dạng 11 cuộc đối thoại giữa tác giả và các bạn. Một loạt các câu hỏi được đặt ra nhằm giúp các bạn hiểu thêm về bản thân mình ở những khía cạnh khác nhau và tìm ra được cốt lõi của vấn đề đang đối mặt.
Ở mỗi mẩu đối thoại sẽ có phần ví dụ minh họa và chỗ trống cho các bạn viết thực hành. Cũng giống như một quyển sách giáo khoa, “Bí quyết học giỏi” được thiết kế sao cho có thể hỗ trợ bạn tốt nhất trong việc ghi nhớ và áp dụng được mỗi bài học sau khi đọc xong.
Hai anh em tác giả Blake Nemelka và Bo Nemelka
11 mẩu đối thoại trong cuốn sách “Bí quyết học giỏi” chính là kết quả từ kinh nghiệm từng trải của Blake và Bo. Trước đây, cha của hai tác giả từng phẫu thuật ghép tim khi họ còn học trung học và có khả năng sẽ không qua khỏi. Vì thế nên cả gia đình đã có những buổi nói chuyện về cuộc sống, nhiều trong số đó xoay quanh ý tưởng đi học đại học và kiếm sống từ rất sớm của Blake và Bo. Sau đó khi chuyển tiếp lên đại học, họ trở thành đại sứ của trường đi đến hội chợ các trường đại học để tuyển mộ sinh viên mới. Tại đây, khi gặp gỡ những học sinh trung học phổ thông và gia đình của họ, Blake và Bo ngạc nhiên rằng các bạn không hề có sự chuẩn bị hay hướng đi rõ ràng nào cho con đường phát triển học tập cũng như sự nghiệp trong tương lai của mình.
Để đạt đến thành công, ai cũng phải trải qua một quá trình và để mô phỏng quá trình đó được cụ thể, dễ hiểu hơn thì hai tác giả đã xây dựng nên Mô hình Trách nhiệm Học sinh. Mô hình dựa trên bốn nguyên lý chính: Khao khát, Hành động, Kiên trì và Thành công. Những nguyên lý này sẽ giúp kéo các bạn ra khỏi vũng bùn ở trường cấp hai và dẫn các bạn vào quỹ đạo chuẩn bị sẵn sàng cho đại học và cho nghề nghiệp tương lai.
“Bí quyết học giỏi” bắt đầu với các chủ đề mà các bạn cần thực hiện ngay – Mục tiêu, Lập kế hoạch và Chuẩn bị, Quản lý thời gian, Điểm trung bình (GPA), Các hoạt động ngoại khóa và Hoạt động phục vụ học tập, Phục vụ cộng đồng – và chuyển tiếp đến những điều cần bắt đầu nghĩ đến – Kỳ thi tuyển sinh đại học, Kinh nghiệm thực tập và Làm việc, Quản lý tiền bạc và Nguồn học bổng, Phỏng vấn, Chia sẻ kinh nghiệm.
Khi đọc 11 mẩu đối thoại này, các bạn sẽ thấy chúng đều được cấu trúc theo bốn phần: Lắng nghe, Học hỏi, Suy ngẫm, Hành động. Mỗi một phần đều mang những mục đích khác nhau giúp các bạn đi từng bước cụ thể và dứt khoát trong việc áp dụng những bài học vào thực tế.
Blake và Bo nói rằng: “Cấp hai không phải là quãng thời gian các em phải chịu đựng hay phải vượt qua. Nó có thể - và thực sự nên là - một trong những quãng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời các em”.
Thật vậy, đừng để quãng thời gian ấy của mình trôi qua vô ích, hãy bắt đầu suy nghĩ về tương lai, hãy lập ra ngay những mục tiêu mà các bạn muốn đạt được bởi bạn sẽ không thể thoát khỏi một khu rừng um tùm mà không có la bàn và phương hướng để đi.
Như Hảo