Hãng Reuters dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo động thái tái sản xuất và triển khai tên lửa các loại của Mỹ - Nga thời gian qua làm tăng số kịch bản đối đầu quân sự trực tiếp có thể xảy ra.
Góc nhìn

Cuộc đua tên lửa Mỹ - Nga nguy hiểm như thế nào?

Cẩm Bình 19/07/2024 12:18

Hãng Reuters dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo động thái tái sản xuất và triển khai tên lửa các loại của Mỹ - Nga thời gian qua làm tăng số kịch bản đối đầu quân sự trực tiếp có thể xảy ra.

4 thập kỷ trước, Mỹ triển khai tên lửa hành trình hạt nhân Pershing II đến châu Âu nhằm đối phó tên lửa đạn đạo tầm ngắn SS-20 của Liên Xô. Động thái này đẩy căng thẳng thời chiến tranh Lạnh lên cao nhưng lại dẫn đến một thỏa thuận giải trừ vũ khí lịch sử.

Tháng 12.1987, hai bên đồng ý rút lại hai hệ thống trên theo Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF). Văn kiện này nêu rõ Liên Xô - Mỹ không được phát triển bất cứ tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo mang được đầu đạn hạt nhân nào có tầm bắn trong khoảng 500 - 5.500km phóng từ mặt đất. Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nói với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan rằng: “Chúng ta tự hào vì đã trồng được mầm non, để có thể trở thành cây hòa bình hùng vĩ vào một ngày nào đó”.

“Mầm non” mà ông Mikhail Gorbachev nói đến đã tồn tại đến năm 2019. Tổng thống Donald Trump bất ngờ rút Mỹ khỏi INF với lý do Nga phát triển hệ thống mang tên 9M729 vi phạm hiệp ước. Nga phủ nhận cáo buộc và đáp trả bằng cách đình chỉ INF, mặc dù vậy lâu nay Moscow vẫn hạn chế sản xuất tên lửa mà hiệp ước cấm.

Nhưng tình hình gần đây xấu đi nhanh chóng. Cuối tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin đe dọa khôi phục sản xuất tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm ngắn đến trung, sau đó xem xét triển khai chúng. Sang đầu tháng 7, đến lượt Mỹ thông báo triển khai tên lửa tầm xa như SM-6, Tomahawk tại Đức từ năm 2026.

Diễn biến mới nhất khiến mức độ nguy hiểm tăng cao, chưa kể Trung Quốc cũng đang chạy đua phát triển tên lửa bị INF cấm.

Theo nhà phân tích Jon Wolfsthal (Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ): “Cả Nga lẫn Mỹ đều đang thực hiện một số bước đi mà họ tin rằng sẽ tăng cường an ninh nước mình, chẳng cần biết làm vậy có gây tổn hại cho đối phương hay không. Kết quả là mọi động thái mà Nga hay Mỹ thực hiện đều gây áp lực buộc bên kia phải đáp trả bằng cách nào đó ở phương diện chính trị hoặc quân sự. Đây rõ ràng là chạy đua vũ trang”.

cuoc.jpg

Kịch bản đối đầu quân sự

Nhà nghiên cứu Andrey Baklitskiy (Viện nghiên cứu Giải trừ quân bị thuộc Liên Hợp Quốc) cảnh báo động thái tái sản xuất và triển khai tên lửa tạo ra nhiều kịch bản đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga với NATO, buộc tất cả các bên phải chuẩn bị đối phó.

Trong loạt kịch bản đối đầu có kịch bản Nga tấn công căn cứ nào đó trên lãnh thổ Ba Lan - nơi cất giữ vũ khí phương Tây sẽ cung cấp cho Ukraine, và kịch bản Mỹ tấn công radar hoặc trạm chỉ huy - kiểm soát Nga. Mỗi bên đủ khả năng thực hiện một cuộc tập kích như vậy với tên lửa phóng từ trên biển hoặc trên không, nhưng bổ sung tên lửa phóng từ mặt đất đem lại thêm lựa chọn, cũng như khiến kẻ thù e dè nếu muốn đánh trả. Tuy nhiên, hành động như vậy lại thúc đẩy vòng xoáy leo thang căng thẳng mới.

Ông Wolfsthal đánh giá kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa tại Đức phục vụ mục đích trấn an đồng minh châu Âu hơn là tạo ra bất cứ lợi thế quân sự đáng kể nào.

“Chúng không thực sự tăng cường khả năng quân sự nhưng gần như chắc chắn làm tăng rủi ro đưa khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát”, nhà phân tích này bày tỏ lo ngại.

Chuyên gia vũ khí Ulrich Kuehn (Viện nghiên cứu Hòa bình và Chính sách an ninh tại Hamburg) phân tích: “Dưới góc độ của Nga, triển khai vũ khí loại này đến châu Âu có thể đe dọa đến trung tâm chính trị, đường băng cùng sân bay nơi Nga đặt máy bay ném bom chiến lược. Moscow có thể đáp trả bằng cách triển khai thêm tên lửa chiến lược hướng tới lục địa Mỹ”.

Trung Quốc

Bất cứ động thái triển khai tên lửa tầm trung nào từ Nga hay Mỹ đều sẽ thúc đẩy Trung Quốc (nước không bị INF ràng buộc) tăng cường lực lượng. Lầu Năm Góc trong một báo cáo năm ngoái xác định Trung Quốc sở hữu khoảng 2.300 tên lửa tầm bắn từ 300 - 3.000km, 500 tên lửa tầm bắn 3.000 - 5.500km.

Nỗi lo về tên lửa của Trung Quốc là yếu tố quan trọng đứng sau quyết định rút khỏi INF của cựu Tổng thống Trump, tạo điều kiện cho Mỹ triển khai vũ khí tầm trung đến các nước châu Á đồng minh. Tháng 4 năm nay, Mỹ đưa một hệ thống tên lửa bị INF cấm đến Philippines tham gia tập trận.

Theo chuyên gia Kuehn: “Đây sẽ không phải cuộc chạy đua vũ trang hai bên giữa Nga với Mỹ cùng đồng minh, mà còn liên quan đến Trung Quốc và các đồng minh châu Á của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc đua tên lửa Mỹ - Nga nguy hiểm như thế nào?