Từng là ngôi sao sáng của cải lương miền Nam, nắm trong tay đoàn hát ăn nên làm ra. Thế nhưng cuối đời đào Hạnh lại chịu cảnh sống cô đơn lẻ bóng trong căn phòng trọ nghèo nàn ở Sài Gòn sau bi kịch con chết, chồng phản bội.
Tờ Phụ Nữ Ngày Mai đưa tin:Đào Hoa Mỹ Hạnh đã được Quy Sắc mời về làm đào chánh trên sân khấu vừa mới được thành lập của anh là đoàn Hoa Đăng. Hoa Mỹ Hạnh là ngôi sao sáng trong hàng đào trẻ ở đây được Quy Sắc khai thác triệt để.
"Con biết không, thời đó đoàn nào cũng muốn mời cô về hát, bên này tăng lương lên, bên kia đưa ra giá cao hơn quyết làm sao phải mời cho bằng được cô đào Hoa Mỹ Hạnh về hát.
Đứng trên sân khấu nhìn xuống thấy khán giả ngồi chật kín rạp mà lòng sướng vui không kể hết"- những dòng ký ức rực rỡ hiện về mờ đục trong trí nhớ của đào Hạnh, bà ngồi co ro trong góc phòng trọ ẩm thấp u tịch, thèm được hát, thèm được đứng dưới ánh đèn.
Từ chủ đoàn hát mỗi đêm lời hơn cây vàng...
Trống đình rộn ràng, con Mén hồ hởi chạy vô kể với nhỏ Tư ở đợ: Chèn ơi có gánh hát mới về đình, tối nay đi coi hát không Tư?
Con Tư lắc đầu: chắc tao không đi được, tối còn giữ em cho mợ. Rồi nó lủi thủi đi ra nhà sau. Tối, con Tư ngồi trong nhà buồn thỉu buồn thiu, ngó thấy cậu út đã ngủ say nó bèn lẻn ra đình coi hát.
Kép chánh đẹp trai lãng tử, ca cải lương ngọt lịm. Con Tư ngồi coi say sưa mém xíu nữa là quên giờ về. Khuya đó nó trằn trọc, cứ nhớ hoài hình ảnh chàng kép chánh.
Nó tự hỏi: Hổng biết có phải là thương người ta rồi không? Bữa sau, bữa sau nữa con Tư cứ lân la đến gánh hát. Rồi cái hôm đoàn hát dọn đi, ông bà chủ tìm miết không thấy con nhỏ ở đợ. Nghe đâu nó bỏ trốn đi theo gánh hát luôn rồi.
Con Tư theo đoàn làm chân nấu nướng, rồi sinh cho chàng kép chánh đứa con gái xinh xắn đặt tên là Mỹ Hạnh (SN 1955). Mỹ Hạnh từ nhỏ đã theo chân cha mẹ lang bạt khắp miệt Nam kỳ.
7 tuổi đã tự biết làm tóc trang điểm. 17 tuổi được đoàn cải lương của nghệ sỹ Út Bạch Lan và Thành Được mời về hát đào chánh. Kể từ đó tên tuổi của Mỹ Hạnh vụt sáng trở thành ngôi sao mới của làng cải lương Nam bộ.
Năm 24 tuổi, đào Hạnh kết hôn với kép chánh Minh Hải rồi cùng lập đoàn hát lấy tên là: Sơn Ca Minh Hải. Thời bấy giờ nghệ sỹ cải lương rất được mến mộ. Mỗi lần có đoàn hát về diễn là khán giả kéo đến xem đông như hội.
Nhiều đêm khán giả la ó um tỏi ngoài rạp vì đến muộn hết vé vào xem. Sau mỗi suất diễn trừ hết chi phí, đào Hạnh còn lời cả cây vàng, chỉ trong một thời gian ngắn đã đủ tiền tậu chiếc xe "Huê- Kỳ" đời mới.
... đến mất tất cả vì chồng ngoại tình, con trai chết ở tuổi 15
"Đời lên voi xuống chó mấy hồi"- đào Hạnh cay đắng buông lời. Mới ngày nào sống trong nhung lụa thế mà những biến cố cứ liên tục ập tới, khiến cô đào chẳng kịp trở tay.
Bữa nọ, mấy thằng hậu đài nói chuyện với đào Hạnh:"Có chuyện này tụi em tính nói chị hổm rày. Nhưng sợ nên không dám. Nhưng tới nước này em sợ đoàn mình không cầm cự được bao lâu nữa nên phải nói ra.
Đoàn mình suy sụp thời gian gần đây là vì anh Minh Hải đem tiền cho bồ nhí". Đào Hạnh sững sờ, lạnh ngắt như ai đó mới tạt xô nước đá lên người.
Bữa sau, đào Hạnh bắt quả tang chồng "léng phéng" với bồ nhí, cô điên tiết nhào vào đánh nhau một trận tơi bời. Rã đoàn, đào Hạnh gom tiền trả cho người làm rồi dẫn con trai đi lang bạt khắp nơi, làm công cho người. Những tưởng hai mẹ con sẽ được sống bình yên, thế nhưng tai hoạ lại một lần nữa ập đến.
Đào Hạnh theo chân đoàn hát đến Long Xuyên biểu diễn, nửa đêm Minh Dũng - con trai đào Hạnh lên cơn sốt xuất huyết nhưng không được cứu chữa kịp thời nên đã qua đời ở tuổi 15. Đào Hạnh khóc cạn nước mắt, đành "gởi" con ở đất Long Xuyên rồi tiếp tục theo đoàn hát lang bạt mưu sinh
Đầu những năm 90, phim Hồng Kông, Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam được đông đảo khán giả ưa chuộng. Những gánh hát cải lương dần lụi tàn, đào Hạnh ngậm ngùi giải nghệ về Bắc Mỹ Thuận dựng căn nhà nhỏ làm tóc kiếm sống qua ngày, không lâu sau lưu lạc vào Sài Gòn đi làm móng dạo.
Đào Hạnh mướn một căn phòng trọ nhỏ ở quận 7, rồi ngày ngày đi bộ quanh các con hẻm để làm móng dạo."Bỏ hết những sĩ diện của một ngôi sao, cô đi năn nỉ từng người. Làm lay lắt nhưng cũng đủ tiền để sống qua ngày"- đào Hạnh tâm sự. Đêm về người đàn bà già nua ngồi thu lu một góc, nước mắt tự nhiên lăn dài, mặn chát.
Ngày tết, xóm trọ ai nấy cũng náo nức về quê bên gia đình. Đào Hạnh ứa nước mắt ngó quanh thấy lòng cô quạnh, bà không có quê hương cũng chẳng còn gia đình. Bà nhớ thằng Dũng, 28 năm rồi bà chẳng kiếm đủ tiền về Long Xuyên để được nói với con: Dũng ơi! Má về thăm con nè. Bà tệ thiệt...
Ông trời thương đào Hạnh, hoàn cảnh của bà được mạnh thường quân biết đến, họ tài trợ cho bà về Long Xuyên để "đưa" con trai đem lên Sài Gòn nhang khói. 28 năm trôi qua, khu đất ngày xưa nơi bà chôn Dũng nay đã um tùm lau sậy chẳng biết nơi đâu mà tìm, đào Hạnh đau đớn gọi: Dũng ơi con ở đâu!
Mãi đến chiều tà đào Hạnh mới tìm thấy bia mộ con trai nằm lẻ loi, tội nghiệp. Bà ôm chầm lấy nấm mộ, nước mắt lăn dài trên bia đá đã bạc màu.
Cỏ lau trong bóng chiều tà
Rưng rưng nước mắt, mẹ già khóc con
Tha thứ cũng là một cách để lãng quên
Hồi mới chia tay chồng, đào Hạnh hận đàn ông ghê gớm. Làm được bao nhiêu bà đều đi phẫu thuật thẩm mỹ: bơm mặt, sửa mũi, xăm mắt, bơm tay. Làm nhiều cốt cho đẹp để chồng cũ phải ân hận, cho đàn ông phải mê mẩn. Ban đầu thì đẹp thật, nhưng đã là nhân tạo thì chẳng thể tồn tại mãi mãi. Bây giờ đào Hạnh hối hận lắm rồi.
"Mỗi lần đi ra đường cô phải mang khẩu trang để người ta không nhìn thấy gương mặt biến dạng của mình. Silicon vón cục lại chảy xuống hai bên má, bàn tay cô cũng sưng lên"- đào Hạnh chẳng thể ngờ có một ngày bà thật sự sợ phải nhìn mình trong gương.
"Sao cô vẫn còn giữ hình của chồng như một kỷ vật. Cô không hận ông ấy sao?" - tôi hỏi. Đào Hạnh trầm tư:"Cũng là nghĩa vợ chồng. Giữ lại để nhớ về một thời mình đã từng hạnh phúc.
Đời nghệ sỹ mà, sân khấu là nhà chỉ cần được đứng dưới ánh đèn là đã là một ân huệ. Đến tuổi này rồi, giữ lại những oán than làm gì cho lòng thêm nặng.
Dù hôm nay có nghèo khó, bần cùng nhưng nếu có kiếp sau cô vẫn nguyện làm cô đào hát"- đào Hạnh cười nhẹ nhàng, mọi đớn đau của quá khứ vụt tan vào hư không.
Rồi ta hiểu, đến tuổi này cũng hiểu
Chớp mắt thôi đã thấy quá nửa đời
Thì cớ gì phí vài thời trong đó
Để ghét hờn căm giận một xa xôi...
(Lai Thượng Hưng)
Toàn Nguyễn. Ảnh: Hữu Nghĩa/ Tri Thức Trẻ