Ngay khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) và Nga lập tức đóng không phận với nhau. Cuộc phong tỏa trên không kéo dài cho đến nay.

Cuộc chiến tại Ukraine ‘vẽ lại’ các đường bay

Cẩm Bình | 26/04/2023, 16:35

Ngay khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) và Nga lập tức đóng không phận với nhau. Cuộc phong tỏa trên không kéo dài cho đến nay.

Giờ đây, Trung Quốc đã tái kết nối với thế giới sau 3 năm chống dịch nghiêm ngặt. Đây là tin vui với ngành du lịch toàn cầu, nhưng một số hãng hàng không châu Âu cảm thấy họ phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không bình đẳng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 4, Tổng thống Pháp Emanuel Macron thông báo hai nước cam kết nhanh chóng khôi phục số đường bay về mức trước đại dịch.

Nhưng nỗ lực khôi phục chỉ dễ dàng với hãng hàng không Trung Quốc, còn với hãng hàng không châu Âu thì không.

flight.jpg

Thời gian bay dài hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn

Như bao hành khách ngồi máy bay của các hãng hàng không châu Âu sang châu Á, Tổng thống Macron không di chuyển bằng tuyến đường nhanh nhất giữa Pháp với Trung Quốc. Máy bay chở ông tránh bay theo lộ trình này vì cả lý do chính trị lẫn lý do an toàn.

Nhưng vì Nga - Trung vẫn là đối tác tốt, số đường bay đi qua không phận Nga nhanh hơn, cần ít nhiên liệu hơn, đem lại nhiều lợi nhuận hơn vẫn mở.

Giám đốc Điều hành Hiệp hội hàng không châu Âu (A4E) Laurent Donceel cho biết: “Việc Nga đóng không phận với các hãng hàng không châu Âu buộc họ phải bay đường vòng, trong đó có nhiều tuyến về phía nam đến Đông Á và Đông Nam Á, dẫn đến thời gian bay dài hơn và tốn nhiều nhiên liệu hơn”.

Thành viên A4E như British Airways, Air France, KLM, Lufthansa, Finnair đều bị ảnh hưởng khi Nga đóng không phận.

Finnair hoạt động tại Helsinki (Phần Lan) bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì nằm gần Nga. Một chuyến Helsinki - Singapore giờ đây phải bay thêm 1.400 km, Helsinki - Seoul bay thêm 4.000km mỗi chiều.

“1.400km làm tăng thêm 1 giờ 25 phút bay và 4.000km khiến toàn bộ chuyến khứ hồi tăng thêm 7 giờ bay”, theo Giám đốc Donceel.

Tình hình như vậy không chỉ đem lại bất tiện cho hành khách, mà còn đặt các hãng hàng không châu Âu vào thế bất lợi trong cạnh tranh.

Giám đốc điều hành Air France - KLM Group Ben Smith tháng 2 trước phàn nàn đây là “lợi thế không công bằng”. Tuy nhiên Bộ trưởng Giao thông Pháp Clément Beaune cho biết chưa nhận được khiếu nại chính thức nào từ Air France.

Hiện tại, các chuyến bay thẳng từ Thượng Hải của China Eastern mất 12 giờ, trong khi chuyến bay của Air France mất đến 14 giờ.

Tương tự, chuyến bay thẳng Frankfurt - Bắc Kinh của hãng Lufthansa mất 11 giờ, còn chuyến của Air China chỉ mất 9 giờ.

Một số hãng phương Tây từ bỏ đường bay đến Đông Á. Vào tháng 3, Virgin Atlantic ngừng khai thác tuyến Luân Đôn - Hồng Kông sau 30 năm với lý do hậu cần.

Đại diện hãng bay này chia sẻ: “Trên cơ sở không phận Nga vẫn đóng cửa, thời gian bay chuyến Heathrow - Hồng Kông dài hơn khoảng 60 phút và chuyến Hồng Kông - Heathrow dài hơn 1 giờ 50 phút so với trước”.

Trả lời phỏng vấn tờ The Telegraph vào cuối năm 2022, nhà sáng lập tập đoàn Virgin Richard Branson (chủ sở hữu Virgin Atlantic) ủng hộ ý tưởng cấm mọi hãng hàng không Trung Quốc bay sang Anh di chuyển qua không phận Nga. Ông nói rằng bay qua không phận Nga là gián tiếp giúp Điện Kremlin trong cuộc chiến.

Vấn đề an toàn

Không phận Nga giáp Ukraine bị đóng với tất cả hãng hàng không kể từ khi cuộc chiến nổ ra.

Cơ quan An toàn hàng không EU (EASA) trong bản tin cập nhật ngày 16.3 cũng khuyến nghị các hãng bay qua không phận do Nga quản lý nên thận trọng do hoạt động quân sự gia tăng.

Nguy cơ khi bay gần khu vực xung đột thể hiện rõ qua vụ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines đi từ Amsterdam về Kuala Lumpur bị bắn rơi ở miền đông Ukraine khiến 298 người thiệt mạng năm 2014. Giới điều tra kết luận tên lửa bắn hạ máy bay do lữ đoàn tên lửa phòng không số 53 của Nga phóng đi.

Các tuyến châu Âu của hãng Trung Quốc không bay gần không phận Ukraine. Máy bay chủ yếu ra vào không phận Nga trên biển Baltic gần thành phố St.Petersburg.

Hiện tại, các hãng Trung Quốc chưa khôi phục hoạt động như trước đại dịch. Chẳng hạn China Southern vẫn chỉ có một chuyến Quảng Châu - Paris hoặc Frankfurt mỗi tuần trong mùa thu hè 2023, thay vì mỗi ngày một chuyến.

Tuy nhiên, khi hãng bay này khôi phục hoàn toàn và cuộc chiến tại Ukraine kéo dài, các hãng hàng không châu Âu sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn.

Bài liên quan
Bàn đàm phán gần kề: Ukraine có thể giữ được những gì?
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào năm 2022, tình hình khu vực và toàn cầu đã thay đổi sâu sắc. Cuộc chiến không chỉ định hình lại cục diện chính trị Đông Âu mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các cường quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến tại Ukraine ‘vẽ lại’ các đường bay