Sau gần hai năm xung đột xảy ra giữa Nga - Ukraine, thị trường kim cương toàn cầu chuẩn bị hứng chịu toàn bộ hậu quả của cuộc chiến.
Phong cách - lối sống

Cuộc chiến Nga - Ukraine khiến ngành đá quý toàn cầu sẽ thay đổi ra sao?

Nhật Hạ (theo CNN) 02/03/2024 15:55

Sau gần hai năm xung đột xảy ra giữa Nga - Ukraine, thị trường kim cương toàn cầu chuẩn bị hứng chịu toàn bộ hậu quả của cuộc chiến.

Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu tháng 2 đã đưa nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới Alrosa (Nga) cùng với Giám đốc điều hành Pavel Alekseevich Marinychev vào danh sách trừng phạt. Năm mới đã đánh dấu sự khởi đầu của một loạt lệnh hạn chế xuất khẩu kim cương Nga từ nhóm G7, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Nhật Bản, cũng như các thành viên EU là Pháp, Đức và Ý.

Mặc dù một số quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng mình, việc tìm ra một hệ thống toàn diện để giám sát thị trường một cách hiệu quả vẫn là một thách thức. Các nhà kinh doanh kim cương ở Antwerp (Bỉ), nơi đóng vai trò là trung tâm giao dịch lớn về đá quý, đã vận động hành lang để giảm bớt các hạn chế. Nhưng giờ đây, khi kế hoạch trừng phạt đã được thống nhất, nó sẽ thúc đẩy những thay đổi mang tính địa chấn trong cách vận hành của ngành kim cương, áp đặt các yêu cầu mới về tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong một lĩnh vực mà trước đây hoạt động rất ít với cả hai điều này.

Nhà phân tích ngành kim cương Paul Zimnisky cho biết: “Các biện pháp trừng phạt này đã được thực hiện trong hai năm nay và phải mất rất nhiều thời gian vì việc đưa ra một “khuôn khổ” mà mọi người trong ngành có thể tuân thủ một cách hiệu quả thật khó khăn”.

Các biện pháp trừng phạt mới như thế nào?

Mặc dù Mỹ và Anh đã cấm nhập khẩu trực tiếp kim cương thô từ Nga ngay khi chiến tranh bắt đầu, nhưng những viên đá đã được cắt và đánh bóng ở những nơi khác trên thế giới. Nó mang xuất xứ của các nước được gia công.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 1.2024, các nước EU và G7 đã cấm mua trực tiếp kim cương phi công nghiệp từ Nga. Tiếp theo động thái này, vào tháng 3 này sẽ là những hạn chế hơn nữa đối với việc nhập khẩu kim cương Nga được xử lý ở nước thứ ba. Đến tháng 9, những viên kim cương được bán trong nhóm các quốc gia hùng mạnh sẽ cần có chứng nhận, xác minh nguồn gốc. Ở châu Âu, trang sức và đồng hồ đính kim cương cũng sẽ phải tuân thủ những quy định tương tự.

Nói cách khác, ngay cả khi kim cương được gửi đi nửa vòng Trái đất để cắt và đánh bóng, nếu chúng có nguồn gốc từ Nga thì sẽ bị cấm vào các thị trường ở châu Âu và G7.

anh-man-hinh-2024-03-02-luc-15.18.26.png
Một nhân viên đang kiểm tra viên kim cương giác cắt Asscher màu vàng đậm, nặng 20,69 carat - Ảnh: Bloomberg

Các lệnh trừng phạt sẽ hoạt động như thế nào?

Chuỗi cung ứng kim cương rất dài và phức tạp. Những viên đá quý thường phải qua hàng chục bàn tay người thợ ở nhiều quốc gia trước khi chúng được đưa ra thị trường.

Việc xác định nguồn gốc của những viên đá lấp lánh này trong mạng lưới những người trung gian khó kiểm soát này là điều cực kỳ khó khăn. Điều đó đặc biệt đúng đối với những viên kim cương nhỏ mà Nga sản xuất. Chúng được bán với số lượng lớn và thường được trộn với các loại đá quý khác từ những nơi khác.

Cho đến nay, EU và G7 mới chỉ đưa ra một bản phác thảo chung cho kế hoạch về một hệ thống truy tìm và xác minh nguồn gốc của đá. Một hệ thống thí điểm sẽ được đưa vào hoạt động vào đầu tháng 3 này. Các nhóm ngành bao gồm Hội đồng Kim cương thế giới, Trung tâm Kim cương thế giới Antwerp, Hội đồng Xuất khẩu đá quý và trang sức Ấn Độ và Viện Đá quý Mỹ (GIA) đã hợp tác cùng nhau để cùng đưa ra một giải pháp hiệu quả.

Morgane Winterholer, Tổng giám đốc thương hiệu chiến lược và nhà sản xuất kim cương bền vững Dimexon cho biết công việc đang được tiến hành. Ông nói: “Ở thời điểm này, điều quan trọng là cần phải xây dựng lộ trình”.

Công nghệ có thể giúp ích. GIA có thể sắp xếp dữ liệu tam giác được thu thập từ một viên đá thô và ghép nó với những viên kim cương thành phẩm, nhưng vẫn dựa vào tài liệu về nguồn gốc của viên đá đó. De Beers đã phát triển một hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên blockchain được gọi là Tracr, trong khi các công ty khác đang phát triển các dịch vụ của riêng họ.

Tuy nhiên, không có giải pháp nào trong số này hoạt động ở quy mô lớn và hiện tại không có phương pháp khoa học nào để truy tìm viên kim cương ngay tại mỏ.

Điều này ảnh hưởng như thế nào với ngành công nghiệp kim cương?

Các lệnh trừng phạt mới sẽ đẩy nhanh đáng kể nỗ lực xây dựng khả năng truy xuất nguồn gốc trong ngành kim cương, theo cách sẽ tái cơ cấu chuỗi cung ứng trải dài trên toàn thế giới.

Các doanh nghiệp lớn đã có sự chuẩn bị cho sự thay đổi. Thương hiệu Tiffany và Richemont thuộc sở hữu của LVMH đều cho biết họ đã ngừng cung cấp đá từ Nga ngay sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra. Dimexon đã tách biệt chuỗi cung ứng của mình để đảm bảo kim cương Nga không đến tay khách hàng phương Tây. Họ theo dõi từng giao dịch và dựa vào mối quan hệ thương mại trực tiếp với các công ty khai thác để chứng minh nguồn gốc của từng gói đá quý.

Những thay đổi này cũng có sự phân nhánh thị trường. Nga chiếm khoảng 1/3 nguồn cung kim cương của thế giới, nhưng trong khi đá của Nga có thể vẫn lấp lánh trong nhẫn đính hôn, dây chuyền và vòng tay tennis của người tiêu dùng. Họ mua ở những nơi không bị áp chế độ trừng phạt mới.

Theo nhà phân tích Paul Zimnisky, lệnh cấm chiếm gần 3/4 nhu cầu trang sức toàn cầu. “Trong trung và dài hạn, sẽ có lúc ngành đá quý rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung vì điều này”, ông nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến Nga - Ukraine khiến ngành đá quý toàn cầu sẽ thay đổi ra sao?