Cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường ô tô điện của Trung Quốc đang diễn ra gay gắt với những "công nghệ xa xỉ" mà người mua ô tô ở nước khác chưa từng thấy.
Thế giới số

Cuộc chiến 'công nghệ xa xỉ' ở Trung Quốc khi ô tô điện ngày càng thông minh và rẻ

Sơn Vân 23:29 25/04/2024

Cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường ô tô điện của Trung Quốc đang diễn ra gay gắt với những "công nghệ xa xỉ" mà người mua ô tô ở nước khác chưa từng thấy.

Các thương hiệu ô tô điện mới nổi của Trung Quốc và cả những nhà sản xuất ô tô truyền thống thuộc sở hữu nhà nước đang chạy đua để đưa công nghệ và tính năng từng được coi là cao cấp vào xe điện với giá rẻ hơn 20.000 USD, chưa bằng một nửa giá chiếc ô tô mới trung bình ở Mỹ (hiện cao hơn 48.000 USD).

Các nhà phân tích nói rằng điều đó cho thấy sự thách thức ngày càng lớn với các thương hiệu nước ngoài ở Trung Quốc, gồm cả Tesla và Volkswagen. Cả hai hãng này đều có những mẫu ô tô điện bán chạy nhất trên thị trường lớn nhất thế giới.

Năm ngoái, BYD đã gây sốc cho ngành công nghiệp ô tô với việc ra mắt mẫu xe điện Seagull (hiện có giá dưới 10.000 USD) tại triển lãm ô tô Thượng Hải. Seagull hiện là mẫu ô tô điện bán chạy thứ tư ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác, gồm cả ông ty nhà nước, đã tham gia cuộc chiến xe điện sau đó và thu hẹp khoảng cách bằng những mẫu có giá dưới 10.000 USD tại triển lãm ô tô Bắc Kinh khai mạc hôm 25.4.

cuoc-chien-cong-nghe-xa-xi-o-trung-quoc-khi-o-to-dien-ngay-cang-thong-minh-hon-va-re-hon.jpg
BYD là hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Thị trường Trung Quốc cũng tràn ngập các loại ô tô điện và xe plug-in hybrid có giá khởi điểm gần 20.000 USD nhưng vẫn nổi bật với các tính năng và công nghệ nội thất đắt tiền một thời.

Xe plug-in hybrid là một loại ô tô sử dụng cả hai nguồn năng lượng là động cơ đốt trong và động cơ điện. Đặc trưng của xe plug-in hybrid là khả năng sạc điện từ nguồn ngoại vi, thường là một ổ cắm điện thông thường, giúp nó có thể chạy hoặc tăng cường nguồn năng lượng của mình từ lưới điện.

Raymond Tsang, đối tác của hãng Bain & Company có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là những người trẻ tuổi, coi “sự sang trọng về công nghệ” là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc và các nhà sản xuất ô tô nội địa đang dẫn đầu về các tính năng này.

Ông nói: “Điều này khá khác biệt so với nhiều thị trường phương Tây, nơi những người mua xe truyền thống vẫn đặt nặng vấn đề về chất lượng, độ tin cậy, cảm giác lái và khả năng vận hành”.

Trong cuộc chiến ngày càng gay gắt, một số thương hiệu Trung Quốc đang cung cấp các tính năng nhằm mục đích giải trí, nếu không muốn nói là phù phiếm.

Baojun Yep, chiếc ô tô điện mini của liên doanh SAIC-GM-Wuling có giá khởi điểm khoảng 11.000 USD, sở hữu một màn hình ở cửa sau, nơi tài xế có thể nháy các thông báo như “cảm ơn” hoặc biểu tượng cảm xúc trái tim để ghi nhận lòng tốt của một người tham gia giao thông khác.

Chiếc sedan điện Zeekr 001, sản phẩm cao cấp ở Trung Quốc có giá khởi điểm khoảng 37.000 USD, tích hợp lưới tản nhiệt phía trước có thể phát nhạc khi dừng lại, đồng thời gửi đến người đi bộ một chuỗi biểu tượng cảm xúc giơ ngón tay cái.

D5X DMH, mẫu SUV plug-in hybrid mới ra mắt của SAIC Motor với giá khởi điểm khoảng 16.500 USD, cho phép người lái nhập tối đa 10 lệnh khác nhau vào hệ thống định vị, chẳng hạn như một chuỗi các điểm đến khác nhau.

XPeng và Nio, hai công ty khởi nghiệp tập trung vào ô tô điện, đang tung ra mẫu xe đại chúng ở Trung Quốc khi cạnh tranh về giá cả trở nên khốc liệt. XPeng dự kiến mẫu ô tô điện mang thương hiệu Mona sắp ra mắt sẽ là chiếc đầu tiên ở Trung Quốc có giá dưới 21.000 USD nhưng được trang bị các tính năng tự lái cấp cao.

“Ngay cả một hoặc hai năm trước, tôi cũng không nghĩ chúng tôi có thể đạt được điều đó”, Brian Gu, đồng Chủ tịch XPeng, nói với các phóng viên bên lề triển lãm ô tô Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc, giá của các linh kiện chuyên dụng, gồm cả cảm biến cần thiết cho tính năng tự lái và màn hình giải trí trên xe, đã giảm mạnh và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Dongfeng, hãng sản xuất ô tô nhà nước, đang trưng bày mẫu ô tô điện Nammi ở Bắc Kinh. Chiếc xe này có phạm vi hoạt động 300 km được bán với giá 9.600 USD. Nó có tay nắm cửa ẩn có thể bật ra theo lệnh, một tính năng khí động học được Tesla phổ biến. Chủ ô tô điện Nammi có thể khởi động xe và mở cửa từ xa bằng smartphone.

Hiệu ứng wow Trung Quốc

Trong lịch sử, các mẫu ô tô điện Mỹ và châu Âu được coi là sang trọng và chất lượng cao hơn các thương hiệu Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết điều đó đang thay đổi nhanh chóng.

Các nhà phân tích của hãng McKinsey cho biết trong báo cáo triển vọng thị trường ô tô Trung Quốc công bố hồi tháng 3: “Vầng hào quang của các thương hiệu nước ngoài gần như đã biến mất. Các chủ sở hữu ô tô truyền thống cao cấp nước ngoài đang chuyển đổi thành người sở hữu thương hiệu xe năng lượng mới cao cấp của Trung Quốc theo dòng chảy gần như một chiều”.

Các nhà sản xuất ô tô Đức không đứng yên trước tình trạng này.

Ralf Brandstaetter, Giám đốc điều hành Volkswagen tại Trung Quốc, cho biết họ có kế hoạch cung cấp "hiệu ứng wow Trung Quốc" mà người tiêu dùng am hiểu công nghệ mong đợi ở đó. Volkswagen là thương hiệu ô tô nước ngoài hàng đầu ở Trung Quốc.

Hiệu ứng wow Trung Quốc là cụm từ được sử dụng để mô tả các tính năng và công nghệ tiên tiến, sáng tạo được các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trang bị cho xe điện của họ nhằm thu hút người tiêu dùng.

Ola Kaellenius, Giám đốc điều hành Mercedes-Benz, nói với Reuters rằng nhóm công nghệ kỹ thuật số Trung Quốc của ông chuyên phục vụ thị hiếu cho người tiêu dùng trẻ hơn và thiên về công nghệ hơn ở quốc gia châu Á.

“Trong mẫu ô tô điện E-Class mới, bạn có thể hát karaoke. Có lẽ bạn không có tính năng đó ở Đức. Ở đây, khách hàng yêu thích nó”, Ola Kaelleniusg nói.

Cả hai giám đốc điều hành người Đức đều cho biết ô tô điện của họ có khả năng bổ sung các tính năng mới với “tốc độ Trung Quốc” thông qua các bản cập nhật phần mềm qua mạng.

Tại cửa hàng hàng đầu của Huawei ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, khách hàng tên Jack Xu đang tìm mua chiếc ô tô điện đầu tiên của mình chứ không phải smartphone. Thứ khiến anh chú ý là chiếc SUV dưới thương hiệu Aito được Huawei hậu thuẫn. Đây là chiếc ô tô điện được sản xuất với sự hợp tác của hãng Seres.

“Với xe điện, chúng tôi đã dẫn đầu thế giới. Tại sao tôi lại phải chọn xe nước ngoài?”, nhân viên giáo dục 36 tuổi nói khi nhìn vào màn hình hiển thị trải dài theo chiều rộng của hàng ghế trước chiếc SUV.

Bài liên quan
Apple xem xét tạo robot gia đình như 'điều lớn lao tiếp theo' sau khi khai tử dự án ô tô điện
Apple đang trong giai đoạn đầu xem xét việc chế tạo robot gia đình, một động thái dường như là nỗ lực nhằm tạo ra "điều lớn lao tiếp theo" sau khi hãng khai tử dự án ô tô điện tự lái, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Bloomberg.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến 'công nghệ xa xỉ' ở Trung Quốc khi ô tô điện ngày càng thông minh và rẻ