Theo Fitch Ratings, cuộc chiến chip Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến những gã khổng lồ Hàn Quốc vì Trung Quốc chiếm một phần lớn sản lượng chip của họ, nhưng sẽ không có sự gián đoạn dài hạn.

'Cuộc chiến chip Mỹ - Trung có thể làm tổn hại Samsung và SK Hynix nhưng không lâu'

Sơn Vân | 08/06/2023, 12:42

Theo Fitch Ratings, cuộc chiến chip Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến những gã khổng lồ Hàn Quốc vì Trung Quốc chiếm một phần lớn sản lượng chip của họ, nhưng sẽ không có sự gián đoạn dài hạn.

Theo báo cáo ngày 7.6 của tổ chức xếp hạng tín dụng nổi tiếng Fitch Ratings, Samsung Electronics và SK Hynix đối mặt với rủi ro khi Mỹ tìm cách chặn Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Trong tổng sản lượng chip nhớ flash (NAND) của Samsung Electronics, 40% được sản xuất tại Trung Quốc, theo các nhà phân tích Fitch Ratings. Với SK Hynix, Trung Quốc chiếm 40 - 50% sản lượng bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) và 20% sản lượng NAND.

Fitch Ratings cho biết trong báo cáo ngày 7.6: “Chúng tôi không nghĩ sẽ có sự gián đoạn nguồn cung lớn trong dài hạn, vì có khả năng Hàn Quốc sẽ trở thành địa điểm chính cho hoạt động đầu tư mở rộng và nâng cấp công nghệ của hai công ty này”.

Vào tháng 10.2022, Mỹ đã đưa ra các quy tắc sâu rộng nhằm cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc để có được chip hoặc thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Động thái này xuất hiện khi mối lo ngại gia tăng về khả năng Trung Quốc sử dụng những chip tiên tiến như vậy để nâng cao khả năng quân sự của mình.

Đến tháng 1, Hà Lan và Nhật Bản đồng ý tham gia cùng Mỹ để hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Samsung Electronics và SK Hynix là hai nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, còn Micron Technology (Mỹ) đứng ở vị trí thứ ba. Chip nhớ là thiết bị lưu trữ được sử dụng trong máy tính, smartphone và máy tính bảng.

Các nhà máy Samsung Electronics, SK Hynix, Micron Technology ở Trung Quốc (sản xuất chip tiên tiến cũng như chip cũ hơn) đang được miễn trừ khỏi các hạn chế từ Mỹ. Các chip nhớ này được sản xuất để tiêu thụ tại Trung Quốc cũng như xuất khẩu.

Samsung Electronics và SK Hynix được Mỹ miễn trừ 1 năm để tiếp tục nhập khẩu các công cụ sản xuất tiên tiến cho nhà máy của họ ở Trung Quốc đến tháng 10.2023, theo trang Korea Times.

Fitch Ratings cho biết: “Nếu Mỹ không gia hạn miễn trừ, chúng tôi cho rằng hai công ty này sẽ tiếp tục sản xuất chip nhớ tại các nhà máy ở Trung Quốc của họ bằng công nghệ có sẵn”.

cuoc-chien-chip-my-trung-co-the-lam-ton-hai-samsung-va-sk-hynix.jpg
Theo Fitch Ratings, cuộc chiến chip Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến Samsung Electronics và SK Hynix vì Trung Quốc chiếm một phần lớn sản lượng chip của họ, nhưng sẽ không có sự gián đoạn dài hạn - Ảnh: Internet

Hưởng lợi từ lệnh cấm Micron Technology

Trong động thái được coi là trả đũa, Trung Quốc cuối tháng 5 đã cấm mua các sản phẩm Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ) để sử dụng cho cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng.

Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo các sản phẩm của Micron Technology đã không vượt qua được đánh giá an ninh mạng và sẽ cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua hàng từ công ty này. CAC không cung cấp chi tiết về những rủi ro đã phát hiện hoặc những sản phẩm nào của Micron Technology sẽ bị ảnh hưởng.

Fitch Ratings đánh giá: “Samsung Electronics và SK Hynix có thể được hưởng lợi từ giá chip cao hơn ở Trung Quốc do lệnh cấm Micron Technology. Tuy nhiên, tác động có thể sẽ nhỏ và được bù đắp nếu Micron Technology chuyển hướng bán chip nhớ của mình ra bên ngoài Trung Quốc và điều này có khả năng sẽ làm giảm giá chip toàn cầu”.

Theo trang CNBC, Nhà Trắng đã thúc giục Hàn Quốc không để các nhà sản xuất chip của họ lấp đầy khoảng trống do Micron Technology để lại tại Trung Quốc. Khoảng 10% doanh thu Micron Technology đến từ Trung Quốc, theo báo cáo tài chính 2022 của công ty này.

Báo cáo của Fitch Ratings cho biết Samsung Electronics và SK Hynix ít nhất sẽ lấp đầy một phần khoảng trống do Micron Technology để lại ở Trung Quốc. “Sẽ rất khó để theo dõi thị phần bị mất ở Trung Quốc của Micron Technology có thực sự được lấp đầy bởi các công ty Hàn Quốc, do tính chất giống như hàng hóa của chip nhớ”, Fitch Ratings nhận định.

Rủi ro có thể tăng cao hơn nếu Mỹ hoặc Trung Quốc áp dụng các quy định và lệnh cấm cực đoan hơn, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cả và tính sẵn có của các thành phần chuỗi cung ứng bán dẫn, theo Fitch Ratings.

"Hàn Quốc không khuyến khích Samsung, SK Hynix giành thị phần ở Trung Quốc khi Micron bị cấm"

Theo nguồn tin của Bloomberg, Hàn Quốc sẽ tránh lợi dụng lệnh cấm của Trung Quốc với Micron Technology, coi động thái từ Bắc Kinh là nỗ lực nhằm chia rẽ Seoul và Washington.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ không khuyến khích các công ty của họ giành thị phần ở Trung Quốc bị mất bởi Micron Technology, theo nguồn tin từ Bloomberg yêu cầu không tiết lộ danh tính vì vấn đề này nhạy cảm về mặt chính trị.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Samsung Electronics, SK Hynix và cũng là nơi họ đặt một số nhà máy. Hoạt động của Samsung Electronics, SK Hynix tại Trung Quốc phụ thuộc vào các giấy phép được cấp bởi Mỹ, tạo ra một số ảnh hưởng với quyết định của Hàn Quốc về cách cân nhắc quan hệ kinh tế với cả hai quốc gia.

Theo nguồn tin trên, Hàn Quốc cảnh giác với việc tận dụng tình hình của Micron Technology, vì nước này coi Mỹ là đối tác chính trong dài hạn cho ngành công nghiệp chip và không muốn làm gián đoạn mối quan hệ đó.

Việc Trung Quốc cấm Micron Technology đã lôi kéo Hàn Quốc vào cuộc chiến Mỹ - Trung về tiếp cận công nghệ và an ninh quốc gia. Trong khi Mỹ là đối tác an ninh hàng đầu của Hàn Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất với Hàn Quốc.

Cùng với Nhật Bản và Hà Lan, Mỹ đã áp đặt hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip và công nghệ sang Trung Quốc khi hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cạnh tranh gay gắt về thương mại, công nghệ.

Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao của Viện Kinh tế Hàn Quốc, nhận xét: “Một lệnh cấm rộng rãi hơn với chất bán dẫn Micron từ Trung Quốc đặt Hàn Quốc vào tình thế khó khăn nhất. Nếu các công ty Hàn Quốc không giúp lấp đầy khoảng trống do Micron để lại, Trung Quốc có thể trừng phạt họ như cách đã làm với quyết định trước đây từ Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ, được gọi là Thaad, trên lãnh thổ nước này”.

cac-nha-san-xuat-may-chu-hang-dau-trung-quoc-ngung-dat-hang-mo-dun-bo-nho-chua-chip-micron.jpg
Trung Quốc cấm mua sản phẩm Micron Technology để sử dụng trong các ngành công nghiệp quan trọng của nước này - Ảnh: Reuters

Vào đầu tháng 5, tờ Financial Times đưa tin “Hàn Quốc đã báo hiệu rằng sẽ cho phép các công ty của mình lấp đầy khoảng trống do lệnh cấm Micron Technology của Trung Quốc để lại”. Thế nhưng, chính phủ Hàn Quốc phủ nhận điều đó, nói rằng họ vẫn chưa công bố bất kỳ quan điểm chính thức nào.

Vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có mở rộng cuộc đàn áp với các nhà sản xuất chip Mỹ, hay Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước quyết định của Bắc Kinh với Micron Technology. Hai cường quốc gần đây đã cố gắng giảm căng thẳng và khôi phục các cuộc đàm phán cấp cao, bao gồm cả các cuộc gặp cách đây gần hai tuần giữa các quan chức thương mại hàng đầu ở Washington.

Trong cuộc họp ngắn hôm 27.5, bà Gina Raimondo (Bộ trưởng Thương mại Mỹ) cho biết Mỹ đã nói chuyện với các đồng minh về hành động của Trung Quốc với Micron Technology.

Gina Raimondo tuyên bố Mỹ "kiên quyết phản đối" các hành động của Trung Quốc với Micron Technology. Bà nói: “Trên thực tế, những điều này nhắm vào một công ty đơn lẻ của Mỹ mà không có bất kỳ cơ sở nào. Chúng tôi coi đó là sự cưỡng ép kinh tế đơn giản và rõ ràng. Chúng tôi sẽ không dung thứ và cũng như không nghĩ rằng nó sẽ thành công”.

Bài liên quan
Các nhà sản xuất máy chủ hàng đầu Trung Quốc ngừng đặt hàng mô đun bộ nhớ chứa chip Micron
Các nhà sản xuất máy chủ hàng đầu Trung Quốc, gồm cả Inspur Group và Lenovo Group, đã yêu cầu nhà cung cấp tạm dừng vận chuyển lô hàng mô đun chứa chip do Micron Technology sản xuất, sau khi chính quyền áp đặt lệnh cấm với những sản phẩm của công ty Mỹ này, theo trang SCMP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Cuộc chiến chip Mỹ - Trung có thể làm tổn hại Samsung và SK Hynix nhưng không lâu'