Lấy việc sát sinh để làm mâm cao cỗ đầy chẳng khác nào chất thêm gánh nặng, tội lỗi lên vong linh người đã khuất. Chính vì thế, khi cúng vào ngày lễ Vu Lan, con cháu nên cúng ông bà, cha mẹ bằng lễ chay. Tuyệt đối tránh việc sát sinh”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết.

Cúng lễ Vu Lan thế nào cho đúng với đạo Phật?

27/08/2015, 09:40

Lấy việc sát sinh để làm mâm cao cỗ đầy chẳng khác nào chất thêm gánh nặng, tội lỗi lên vong linh người đã khuất. Chính vì thế, khi cúng vào ngày lễ Vu Lan, con cháu nên cúng ông bà, cha mẹ bằng lễ chay. Tuyệt đối tránh việc sát sinh”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết.

Thưa thầy, ngày lễ Vu Lan đang đến gần. Theo truyền thống, đây là ngày người việt bày tỏ lòng biết ơn, nhớ về ông bà, cha mẹ. Vậy, trong giáo lý nhà Phật, chữ "Hiếu"được hiểu như thế nào?

Chúng ta biết rằng, chữ "Hiếu" của đạo Phật và lòng hiếu đạo của người Việt Nam luôn được coi trọng bậc nhất. Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam được hơn 2000 năm, do đó, tư tưởng, quan niệm và cách hành xử hiếu đạo của người Việt và chữ "Hiếu" trong giáo lý Phật giáo gần nhau và có thể coi là một. Trong Kinh điển, Đức Phật rất đề cao hiếu đạo. Đức Phật cũng là một người con có hiếu. Trong các điều phúc, không có điều phúc nào lớn bằng con cái có hiếu với cha mẹ. Và ngược lại, trong các điều tội, bất hiếu là tội nặng nhất.

Hiện nay, người ta thường cúng lễ Vu Lan vào ngày Rằm tháng 7 nhưng cách cúng thì mỗi nơi, mỗi người một kiểu... Có người cúng bằng cỗ mặn, có người cúng chay... Vậy theo quan điểm nhà Phật thì lễ cúng ngày nay như thế nào mới đúng đạo?

Trên tinh thần hiếu đạo, Đức Phật có dạy rằng, người con có hiếu là người con biết vâng lời và theo sự hướng nghiệp của cha mẹ. Lúc cha mẹ còn sống thì lo chăm sóc, lúc cha mẹ thác đi thì lo lễ cầu siêu. Đây là việc rất đơn giản nhưng cần nhất là cái tâm, sự thành ý của mỗi người. Nhưng sau này, một bộ phận không nhỏ người Việt lại biến lễ Vu Lan thành một nghi lễ báo đáp nhưng mang hình thức phàm tục nhiều hơn. Ví dụ như Rằm tháng 7, nhà nào cũng làm một mâm cỗ cúng thật hoành tráng và đặt lên ban thờ để làm lễ. Người ta quan niệm rằng, ngày này các vong linh được xá tội, cửa ngục được mở, cha mẹ, ông bà của họ có thể về nhà để nhận sự hiếu kính của con cháu. Con cháu thi nhau làm mâm cao, cỗ đầy để cầu cúng, báo đáp. Và họ tự nhủ với nhau rằng, lễ càng to càng tốt, càng thể hiện sự hiếu lễ.

Tuy nhiên, dưới con mắt và giáo lý của nhà Phật thì việc làm trên lại sinh ra cái tội cho ông bà, cha mẹ, người đã thác. Bởi khi còn sống, ông bà, cha mẹ của họ cũng gây ra tội khi sát sinh, cúng lễ mặn vào ngày Rằm. Và bây giờ, con cháu của họ lại tiếp tục sát sinh để cúng ông bà, cha mẹ khiến cho tội lỗi của họ càng thêm nặng. Theo quan niệm của người Việt thì khi cúng phải đầy đủ "4 bát, 6 đĩa" mới là cỗ to, mới đầy đủ. "4 bát, 6 đĩa" đồng nghĩa với 10 món, họ phải sát sanh 10 con vật. Trong kinh Phật có nói làm như vậy là "tội chồng tội", chẳng khác nào cha mẹ, ông bà họ đang gánh nặng, leo dốc cao vào trời nắng. Con cháu không những không đỡ mà còn tiếp tục chất thêm đồ đạc. Chính vì thế, khi cúng vào ngày lễ Vu Lan, con cháu nên cúng ông bà, cha mẹ bằng lễ chay. Tuyệt đối tránh việc sát sinh.
Cung le Vu Lan the nao cho dung voi dao Phat?-hinh-anh-1
Ảnh minh họa

Thầy có thể nói cụ thể hơn trong ngày lễ Vu Lan, người dân muốn cúng ở nhà thì nên sắm sửa những vật phẩm gì?

Ông cha ta có dạy rằng "trách bỏ giỗ chứ không ai trách giỗ mọn". Cho nên, việc cầu cúng ngày nay, dù giàu hay nghèo, các gia chủ chỉ cần bát cơm, quả trứng, tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh cao đạm bạc là đủ. Quan trọng là ở lòng thành của mỗi người. Cúng tổ tiên, cúng Phật, Trời cũng vậy, điều cốt là tỏ lòng thành kính của mình. Không cúng những lễ vật mang tính vật chất để cầu khấn, vì điều đó tỏ cái tâm của người vụ lợi.

Ngoài việc cúng lễ chay, để tỏ lòng thành kính, biết ơn đến ông bà, cha mẹ đã khuất, con cháu nên làm những công việc gì?

Để thể hiện lòng biết ơn, báo đáp người đã khuất, con cháu nên chú ý làm việc thiện, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người khốn khổ. Ngoài ra, để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất núi, thế hệ sau nên nhắc nhở cho con cháu sống noi gương theo truyền thống hiếu đạo của người Việt.
Đấy là sự tưởng nhớ, sự báo đáp lớn nhất đối với người đã nhắm mắt, xuôi tay. Còn ở chùa, chúng tôi khuyên các Phật tử nên làm việc phúc trong tháng 7 này như cúng dường, bố thí, chia sẻ cho những người khổ đau hay lên chùa tụng kinh lễ bái để cầu sự siêu thoát cho ông bà, tổ tiên; cầu phúc cho cha mẹ sống thọ, khỏe mạnh. Đấy là ý nghĩa của chữ "Hiếu" trong mùa Vu Lan này.

Cứ đến lễ Vu Lan, trên các tuyến đường lại nườm nượp người mua vàng mã để đốt cho cha mẹ, ông bà. Quan điểm của thầy như thế nào về vấn đề này?

Người dân thời hiện đại có quan niệm "trần sao, âm vậy". Lúc sống có nhà cửa, xe máy, ô tô, điều hòa tủ lạnh... thì lúc thác đi cũng cần phải có những thứ đó. Thế nên, họ thi nhau đốt vàng mã, xe máy, ô tô giấy... như một cách báo hiếu "hiệu quả" nhất.Trong quan niệm của Phật giáo, những hành động đó không hề có lợi ích gì cả. Vì khi người ta thác đi, thần thức có thể trở lại dân gian đầu thai làm người hoặc vãng sinh Phật quốc, không ai muốn người thân của mình thác sinh vào cảnh giới khổ đau. Ai cũng muốn người thân của mình khi mất đi, thần thức được về cảnh giới an lành của nhà Phật. Mà cảnh giới của Phật thì không cần phải những đồ vàng mã như thế.

Rõ ràng việc người còn sống đốt vàng mã cho người đã khuất chẳng khác nào luôn nghĩ rằng người khuất đã về cảnh giới khổ đau. Trong giáo lý nhà Phật không dạy như vậy. Chính vì thế, mùa Vu Lan, tất cả các tăng ni, Phật tử đều giải thích cho người dân nếu hiếu kính với cha mẹ thì chỉ cần hương hoa lễ Phật, làm việc thiện và con cháu họp mặt nhau lại để cùng cầu nguyện cho người đã mất siêu thoát. Đốt vàng mã vừa tốn kém tiền bạc, lại có thể sinh ra hỏa hoạn và nhạo báng cuộc sống của người quá cố. Tôi từng thấy không ít người ra thành phố, để cha mẹ ở nông thôn cơm niêu, nước lọ nhưng khi cha mẹ mất thì cúng lễ linh đình lắm. Vô hình trung, đã không đối tốt với cha mẹ lúc sống, lại không cung kính, hiếu thảo khi họ đã về thế giới bên kia.

Thưa thầy, không ít người dân rất muốn lên chùa để hương khói, cầu khấn cho người quá cố trong lễ Vu Lan? Tuy nhiên họ không biết nên làm thế nào và lễ lạt ra sao?

Việc lên chùa lễ Phật mùa Vu Lan không có gì khó khăn cả. Người dân có thể tham gia cầu cúng, tụng kinh và phóng sinh làm phúc ở các chùa. Bên cạnh đó, nên viết tên tuổi của người quá cố để đọc trước bàn thờ Phật, cầu xin được sự tiếp độ. Đó là lời cầu nguyện thành ý của mỗi người, giúp cho các vong linh về cõi lành.

Nhân câu chuyện ngày Xá tội vong nhân, có người cho rằng các "vong dữ" thì nên được"nhốt" lại để tránh làm hại cho người đang sống. Quan điểm của nhà Phật về vấn đề này như thế nào?

Tôi rất buồn về cách suy nghĩ này của một số người dân hiện nay. Tôi từng nghe những câu chuyện như con làm lễ "nhốt vong" mẹ, cháu làm lễ nhốt vong ông bà vì sợ rằng họ chết vào ngày, giờ dữ sẽ bắt các con cháu đi theo. Nhà Phật không có và không chấp nhận quan niệm này.Tôi cho rằng, chẳng có cha mẹ, ông bà nào khi thác đi lại quay về hãm hại con cháu cả. Cách làm này không những thể hiện sự mê tín dị đoan mà còn mang cả hàm ý phỉ báng vong linh của người đã chết.

Xin cảm ơn thầy!
Theo Nhật Cường/ Người Giữ Lửa
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cúng lễ Vu Lan thế nào cho đúng với đạo Phật?