Cả hai quốc gia đều đặt mục tiêu hạ cánh tàu thăm dò gần miệng núi lửa Shackleton gần cực nam Mặt trăng, với Mỹ mong muốn làm như vậy trong năm nay, còn Trung Quốc là vào năm 2026.

Cùng hướng đến miệng núi lửa Shackleton trên Mặt trăng, Mỹ - Trung nên bỏ hiềm khích để hợp tác?

Sơn Vân | 22/05/2023, 17:30

Cả hai quốc gia đều đặt mục tiêu hạ cánh tàu thăm dò gần miệng núi lửa Shackleton gần cực nam Mặt trăng, với Mỹ mong muốn làm như vậy trong năm nay, còn Trung Quốc là vào năm 2026.

Miệng núi lửa Shackleton rộng lớn là một nơi không thể ở được, với mặt ngoài liên tục bị ánh sáng Mặt trời tấn công, còn bên trong luôn tối. Nhiệt độ trên bề mặt có thể tăng lên trên điểm sôi của nước (100 độ C), còn phía trong rất lạnh, xuống dưới điểm đông của nước (0 độ C).

Với đường kính 21 km và sâu 4 km, miệng núi lửa Shackleton cũng có thể chứa nước đóng băng giúp hỗ trợ sự sống cho căn cứ trên Mặt trăng. Đó là điều thu hút sự quan tâm của các chương trình không gian Mỹ và Trung Quốc.

Các sứ mệnh không gian ở cả hai quốc gia được cho đang chuẩn bị hạ cánh tàu thăm dò gần miệng núi lửa Shackleton, với Mỹ muốn làm như vậy cuối năm 2023 và Trung Quốc là vào 2026.

Các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ cho biết hai chương trình đang hoạt động độc lập với nhau nhưng hai nước nên giữ các đường dây liên lạc mở để có thể làm việc theo nhóm trong tương lai.

Cả tàu thăm dò Intuitive Machines 2 (đặt theo tên công ty Mỹ đã chế tạo nó) và Hằng Nga 7 (Trung Quốc) sẽ khoan tới 1m dưới bề mặt gần miệng núi lửa Shackleton và nghiên cứu các mẫu Mặt trăng chiết xuất được. Mỗi tàu thăm dò cũng sẽ mang theo thiết bị gọi là “phễu” để dò tìm các khu vực luôn trong bóng tối, gồm cả đáy miệng núi lửa, để tìm dấu vết của nước đóng băng.

Nước đóng băng có thể được sử dụng để tạo ra oxy và hydro, sau đó sản xuất không khí, nước uống và nhiên liệu trên Mặt trăng để duy trì hoạt động thám hiểm có người lái mà không cần tốn kém chi phí vận chuyển chúng từ Trái đất.

Các sứ mệnh Mặt trăng của Trung Quốc, bắt đầu với tàu vũ trụ không có người lái Hằng Nga 1 vào năm 2007, nhằm mục đích xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt trăng cơ bản vào năm 2028.

Dù các sứ mệnh không gian tương tự thường tạo cơ hội cho các quốc gia hợp tác với nhau, nhưng Wolf Amendment (đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2011) hạn chế NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) làm việc trực tiếp với các tổ chức Trung Quốc vì lo ngại về hành vi đánh cắp công nghệ.

Trong phiên điều trần về ngân sách năm tài chính 2024 trước các nhà làm luật Mỹ hồi tháng 4, Giám đốc NASA - Bill Nelson cho biết đạo luật này nên tiếp tục có hiệu lực và nhấn mạnh những lo ngại về “cuộc chạy đua vào không gian” với Trung Quốc.

Đây là nơi chúng tôi sẽ đến và Trung Quốc cũng sẽ đến… Mối quan tâm của tôi là nếu Trung Quốc đến đó trước, họ sẽ nói: Đây là lãnh thổ của chúng tôi, bạn hãy tránh xa”, Bill Nelson phát biểu khi đưa bức ảnh về các địa điểm hạ cánh trên Mặt trăng cho một tiểu ban phân bổ ngân sách của Hạ viện Mỹ vào tháng 4.

Roger Handberg, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Trung tâm Florida (Mỹ), cho biết một số người coi không gian "như biên giới phía Tây trước đây của Mỹ - bạn nắm quyền kiểm soát bởi có thể làm được". Tuy nhiên, ông lạc quan về sự hợp tác trong tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ.

Roger Handberg nói: “Ngày nay, mọi người đều nói về Mỹ và Trung Quốc với tư cách là những người đi đầu trong các hoạt động trên Mặt trăng. Cả hai sẽ đóng vai trò chính trong việc quyết định các quy tắc, điều đó đồng nghĩa Wolf Amendment cần được bãi bỏ để có thể thực hiện công việc hiệu quả”.

“Vẫn còn thời gian để tìm ra giải pháp phù hợp với kỳ vọng ban đầu trong Hiệp ước Không gian vũ trụ rằng không gian sẽ không là vùng xung đột, mà là vùng cho các hoạt động hợp tác nói chung”, Roger Handberg cho hay, đề cập đến Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 về thăm dò hòa bình và sử dụng không gian, được hơn 110 quốc gia ký kết tính đến tháng 3.

Dù việc tìm thấy nước đóng băng trên Mặt trăng sẽ mang lại lợi thế, Roger Handberg cho biết có thể phải mất một thập kỷ trước khi Trung Quốc hoặc Mỹ phát triển khả năng thu thập và xử lý nó.

cung-huong-den-mieng-nui-lua-shackleton-tren-mat-trang-my-trung-nen-bo-hiem-khich-de-hop-tac1.jpg
Mặt chiếu màu phần bên trong miệng núi lửa Shackleton, khu vực luôn chìm trong bóng tối ở Mặt trăng - Ảnh: Internet

Nhiệt độ ban ngày trên bề mặt Mặt trăng có thể lên đến 120 độ C, nhưng dữ liệu viễn thám cho thấy một lượng băng đáng kể lắng đọng ở phần bên trong bóng tối vĩnh viễn của một số miệng núi lửa trên đó.

Một miệng núi lửa được nghiên cứu kỹ lưỡng như vậy là Shackleton có hình bát, được đặt theo tên của nhà thám hiểm Nam Cực Ernest Shackleton và nằm gần như chính xác ở cực nam Mặt trăng.

Ít nơi trên Mặt trăng đáp ứng được điều kiện cần thiết cho việc khám phá bền vững của con người, chẳng hạn ánh sáng Mặt trời liên tục cung cấp năng lượng cho các phương tiện và cơ sở trên Mặt trăng. Song trong khi đáy miệng núi lửa Shackleton luôn tối đen, các phần viền của nó luôn ở dưới ánh sáng Mặt trời.

Vào năm 2021, NASA đã thông báo rằng Intuitive Machines (Mỹ) sẽ phát triển một tàu đổ bộ Mặt trăng thương mại để đưa một mũi khoan băng đến khu vực được gọi là đường nối Shackleton, ngay phía tây miệng núi lửa.

Khu vực này nhận đủ ánh sáng Mặt trời để cung cấp năng lượng cho tàu đổ bộ trong sứ mệnh kéo dài 10 ngày, đồng thời cung cấp tầm nhìn rõ ràng tới Trái đất để liên lạc liên tục”, NASA cho biết, đề cập đến nhiệm vụ IM-2, dự kiến sẽ cất cánh sớm nhất vào tháng 11 tới.

Trung Quốc vẫn chưa chính thức công bố địa điểm hạ cánh cho sứ mệnh Hằng Nga 7, nhưng theo Wu Yanhua, nhà thiết kế chính của chương trình Thám hiểm không gian sâu cho nước này, địa điểm ưu tiên hàng đầu của họ cũng là khu vực miệng núi lửa Shackleton.

Hằng Nga 7 sẽ nhắm tới một khu vực phía đông nam miệng núi lửa Shackleton, Wu Yanhua nói tại Diễn đàn Tiandu ở thành phố Hợp Phì, Trung Quốc vào tháng 4.

Bài viết đăng trên các tạp chí tiếng Trung Quốc đã cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nước này với việc đi tới miệng núi lửa Shackleton. Shackleton được xếp hạng đầu tiên trong một phân tích năm 2020 về các khu vực và điểm phù hợp để hạ cánh ở cực nam Mặt trăng, như chỉ huy sứ mệnh Hằng Nga 4 - Zhang He và các đồng nghiệp của cô báo cáo.

Ngay cả khi có sự trùng lặp về địa điểm hạ cánh, xung đột nhiệm vụ khó xảy ra vì mỗi nơi có diện tích hơn 100 km² và chứa nhiều điểm hạ cánh khác nhau.

Mỹ và Trung Quốc đang lập các trại trên Mặt trăng của riêng mình trong khuôn khổ Hiệp định Artemis và Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế tương ứng.

Trong khi các quốc gia hàng đầu về vũ trụ sẽ đứng đầu một khu định cư cụ thể, họ nên tương tác để cùng nhau tồn tại vì môi trường Mặt trăng rất khắc nghiệt và không khoan nhượng. Quá trình thám hiểm không gian rất khó khăn, phức tạp và tốn kém. Ngay cả hai cường quốc cũng có thể thấy gánh nặng lớn và nhu cầu về nhu cầu về hoạt động hợp tác sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Wolf Amendment bị bãi bỏ”, Roger Handberg nhận định.

Chuyên gia Brian Weeden từ Secure World Foundation, tổ chức tư vấn có trụ sở tại bang Washington (Mỹ), cũng kêu gọi chính phủ Mỹ sửa đổi Wolf Amendment để nối lại trao đổi song phương với Trung Quốc, khi ông đưa ra lời khai trước Ủy ban Đánh giá An ninh Kinh tế Mỹ -Trung Quốc vào đầu tháng này.

Quốc hội nên sửa đổi Wolf Amendment để cho phép NASA tham gia vào các hoạt động không gian với Trung Quốc nhằm hỗ trợ lợi ích quốc gia của Mỹ”, Brian Weeden nói, trích dẫn các lĩnh vực tham gia ưu tiên như khoa học vũ trụ cơ bản, thám hiểm không gian bằng robot và tăng cường chia sẻ dữ liệu về thời tiết không gian cùng mảnh vỡ quỹ đạo.

Brian Weeden cho biết Trung Quốc đang tiến hành hoặc lên kế hoạch thực hiện nhiều hoạt động không gian giống như Mỹ, vì vậy hai quốc gia có những lĩnh vực phù hợp với lợi ích của họ. Trung Quốc đã có những tương tác mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế về luật và quy tắc không gian, ông nói với ủy ban.

Roger Handberg nói rằng đã có một số nỗ lực nhẹ nhàng để làm giảm các hạn chế ở một cấp độ không chính thức và điều này sẽ gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, ông cho biết Wolf Amendment sẽ không bị bãi bỏ cho đến khi có nhu cầu thực sự để làm như vậy.

Theo thời gian, Wolf Amendment bị vô hiệu hóa một cách hiệu quả thông qua các trường hợp ngoại lệ, dù cái tên có thể vẫn còn”, Roger Handberg nhận định.

Bài liên quan
Tìm cách giải mã những cơn gió ảo ma thổi trên mặt trăng Titan của sao Thổ
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học nhằm mục đích làm sáng tỏ những cơn gió ảo ma trên Titan - mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ đã khiến các nhà thiên văn học bối rối trong nhiều thập niên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cùng hướng đến miệng núi lửa Shackleton trên Mặt trăng, Mỹ - Trung nên bỏ hiềm khích để hợp tác?