Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) quan ngại việc Cục Quản lý đường bộ cao tốc sắp giải thể nên có biểu hiện không minh bạch trong việc đánh giá E-HSĐXKT (hồ sơ đề xuất kĩ thuật) của nhà thầu VEC E.

Cục Quản lý đường bộ cao tốc bị tố không minh bạch trong đấu thầu

20/09/2018, 12:47

Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) quan ngại việc Cục Quản lý đường bộ cao tốc sắp giải thể nên có biểu hiện không minh bạch trong việc đánh giá E-HSĐXKT (hồ sơ đề xuất kĩ thuật) của nhà thầu VEC E.

Tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên - Ảnh: Tuổi trẻ

Sai luật trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu

Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) vừa có văn bản kiến nghị về gói thầu quản lý, bảo dưỡng các hạng mục tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn 1), hai nhánh lên xuống nút giao Thịnh Đán, tuyến tránh TP Thái Nguyên (Nút giao Tân Lập Km62+200 - Nút giao Tân Long Km70+700) và toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng thuộc dự án tuyến tránh TP Thái Nguyên (gói thầu 02).

Chủ đầu tư của dự án là Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Bộ Giao thông vận tải). Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án 3 - Tổng Cục đường bộ Việt Nam.

Theo VEC E, quá trình đấu thầu gói thầu trên bắt đầu từ thông báo mời thầu lần đầu ngày 25.5.2018. Qua 2 lần thay đổi thì ngày 22.6.2018, có 4 nhà thầu tham dự.

Đến ngày 6.7.2018, chủ đầu tư và bên mời thầu có văn bản số 1683/BQLDA3-PID4, yêu cầu các nhà thầu nộp đầy đủ hồ sơ để đối chứng với E-HSDT (hồ sơ dự thầu).

“Việc này không phù hợp với quy định của Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15.11.2017 về việc quy định lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”, VEC E nêu trong văn bản.

Theo kết quả đánh giá E-HSĐXKT của bên mời thầu, lần đầu tiên diễn ra vào ngày 13.7.2018, tất cả các nhà thầu đáp ứng kĩ thuật. Lần đánh giá thứ 2 diễn ra sau đó gần một tháng chỉ còn ¾ nhà thầu đạt yêu cầu. Tiếp tục đến lần đánh giá thứ 3 và 4 thì chỉ còn 2 nhà thầu đủ tiêu chuẩn, và lần đánh giá thứ 5 thì chỉ còn 1 nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

VEC E cho rằng việc này vi phạm thời gian đánh giá HSDT và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.

Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 12 Luật Đấu thầu quy định thời gian đánh giá HSDT tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả đánh giá. Trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đánh giá HSDT nhưng không quá 20 ngày và phải đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Thời gian thẩm định tối đa là 20 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình.

Trong khi đó, ở gói thầu trên, thời điểm mở thầu ngày 22.6.2018. Theo quy định thì chậm nhất ngày 5.9.2018 chủ đầu tư phải phê duyệt kết quả đánh giá toàn bộ HSDT. Tuy nhiên, đến ngày 14.9.2018 chủ đầu tư mới có quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của E-HSMT.

“Việc chậm trễ không những ảnh hưởng đến các nhà thầu tham gia dự thầu mà còn dẫn đến việc phải kéo dài thời gian hợp đồng đặt hàng đối với đơn vị đang thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình này”, VEC E bày tỏ.

Loại nhà thầu không hợp lý

Theo VEC E, chủ đầu tư căn cứ loại nhà thầu là không hợp lý. Ngày 10.9.2018, bên mời thầu là Ban Quản lý dự án 3 có Tờ trình số 2146/TTr-BQLDA3 về việc phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu nêu trên gửi chủ đầu tư – Cục Quản lý đường bộ cao tốc.

Nội dung tờ trình cho biết,gói thầu ở phía bắc nên khi tham dự nhà thầu phải kê khai nhân sự, máy móc, thiết bị sẵn sàng để thực hiện gói thầu và đáp ứng tiến độ của E-HSMT. Trường hợp trong E-HSDT của nhà thầu kê khai các nhân sự đang thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên ở một công trình khác (khu vực phía Nam) thì các nhân sự của nhà thầu được coi là không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT.

Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến biện pháp tổ chức thi công, giải pháp kỹ thuật của nhà thầu dẫn đến không đảm bảo tiến độ thực hiện và chất lượng trong công tác quản lý, bảo dưỡng đường bộ cao tốc. Theo đó, E-HSĐXKT được coi là không đạt yêu cầu về kỹ thuật. Do đó, bên mời thầu kết luận E-HSĐXKT VEC E không đáp ứng yêu cầu về khả năng huy động nhân sự nên được đánh giá là không đạt yêu cầu về kỹ thuật của E-HSMT.

Tuy nhiên, phía VEC E nêu rằng, theo quy định của E-HSMT và Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15.11.2017 về việc quy định lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, việc chứng minh huy động nhân sự được thực hiện khi bên mời thầu và nhà thầu thương thảo hợp đồng, chứ không phải ở bước đánh giá E-HSĐXKT.

Ở bước này, theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT bên mời thầu chỉ đánh giá trên cơ sở nội dung E-HSDT nhà thầu đã kê khai qua mạng (khoản 3).

Bên cạnh đó, với tình huống chủ đầu tư hỏi Cục Quản lý đấu thầu tại thời điểm đang đánh giá E-HSĐXKT (khoản 3) là chưa phù hợp, mà chỉ phù hợp khi đã có kết quả đánh giá nhà thầu và mời thương thảo hợp đồng với nhà thầu. Chính vì thế dẫn đến việc Cục Quản lý đấu thầu có thể nhầm lẫn khi hướng dẫn xử lý tình huống trên.

VEC E cũng cho hay, với nội dung này, Cục Quản lý đấu thầu cũng đã trả lời nhiều nhà thầu, nhưng nội dung trả lời là không vi phạm. Nhìn chung, khi tham dự thầu, các nhà thầu thường kê khai các nhân sự đáp ứng tốt nhất HSMT nhằm được trúng thầu.

Trong tình huống trên, do 2 gói thầu có nội dung, quy mô, tính chất giống nhau nên việc đề xuất nhân sự giống nhau là dễ hiểu và không vi phạm nguyên tắc kê khai nhân sự đã đề cập. Tuy nhiên, đối với mọi gói thầu thì việc đánh giá tính đáp ứng của nhân sự mới chỉ là bước đầu, điều quan trọng là cần làm rõ khả năng huy động nhân sự đó trong bước thương thảo hợp đồng (nếu nhà thầu được xếp hạng thứ nhất).

Hơn nữa, theo VEC E, để làm rõ việc sẵn sàng huy động nhân sự phục vụ gói thầu này, doanh nghiệp này đã có văn bản số 508/VECE-KTKH ngày 24.8.2018 gửi bên mời thầu về việc cam kết sẵn sàng huy động nhân sự thực hiện gói thầu.

Do đó, bên mời thầu căn cứ vào nội dung văn bản số 1011/QLĐT-CS ngày 21.8.2018 của Cục Quản lý đấu thầu để làm cơ sở đánh giá E-HSDT của VEC E không đạt yêu cầu kỹ thuật là không đủ cơ sở.

Có biểu hiện không minh bạch?

Theo VEC E, việc đánh giá E-HSĐXKT của VEC E không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của E-HSMT với lý do như trên dẫn đến việc ngày 14.9.2018, bên mời thầu đã có biên bản mở HSĐXTC (hồ sơ đề xuất tài chính). Như vậy, chỉ có một nhà thầu được mở hồ sơ đề xuất tài chính với giá dự thầu là hơn 100 tỉ đồng. Giá này chỉ thấp hơn giá gói thầu được phê duyệt là 35 triệu đồng.

Theo biên bản mở thầu, liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình Bắc Nam – Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 là ứng thầu duy nhất được Ban Quản lý dự án 3 chấm đạt điểm kỹ thuật (98,59 điểm) trong số 4 ứng thầu nộp hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) tại thời điểm đóng thầu.

Ngoài ra, theo Quyết định số 35/2018/QĐ-TTg ngày 14.8.2018 của Thủ tướng chính phủ về Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng Cục đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, Chủ đầu tư - Cục Quản lý đường bộ cao tốc sẽ giải thể vào ngày 1.10.2018.

Theo đó, VEC E quan ngại việc chủ đầu tư sắp giải thể nên có biểu hiện không minh bạch trong việc đánh giá E-HSĐXKT của nhà thầu VEC E, dẫn đến kết quả lựa chọn nhà thầu không đạt được mục đích của công tác đấu thầu là lựa chọn được nhà thầu có năng lực kinh nghiệm và cạnh tranh về giá.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cục Quản lý đường bộ cao tốc bị tố không minh bạch trong đấu thầu