Theo kết quả bầu cử hôm 13.3, đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel dù vẫn là đảng thắng thế tại 2 bang Saxony-Anhalt và Baden-Wurtemberg nhưng số phiếu bầu đã giảm. Còn tại bang Rhineland Palatinate, CDU bị đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đánh bại.
Trong khi đó, AfD đạt kết quả tốt nhất tại bang Saxony-Anhalt, qua mặt cả SPD, vốn cũng là một đảng trong liên minh cầm quyền của bà Merkel.
Ngoài ra, AfD còn dành gần 15% phiếu tại Baden-Wuerttemberg và trên 12% phiếu ở Rhineland Palatinate. Nhờ sự trỗi dậy mạnh mẽ trong cuộc bầu cử vùng hôm 13.3, AfD giờ đã có ghế tại nghị viện của 8/16 bang của Đức.
Việc trỗi dậy của AfD, sẽ là trở ngại lớn nhất cho bà Merkel điều hành đất nước Đức trong thời gian tới, đặc biệt là đối với vấn đề người di cư. Trước mắt, chiến thắng của AfD sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đạt được thỏa thuận về người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, AfD sẽ không thể nào trở thành chính đảng lãnh đạo nước Đức, khi các đảng phái tại nước này đã khước từ khả năng họ liên kết với AfD để tạo thành một liên minh chính trị mới, thay thế cho liên minh của bà Merkel.
Đối với nhiều nhà phân tích, việc số phiếu bầu cho AfD tăng mạnh không phải là sự ủng hộ tuyệt đối của người dân Đức đối với đảng chính trị cực hữu này mà là thông điệp cho thấy sự không hài lòng của cử tri đối với quyết định "mở cửa" cho người di cư của bà Merkel trong năm 2015.
Còn nhớ, ngày 30.1, Chủ tịch AfD, bà Frauke Petry đã yêu cầu cần giám sát, bảo vệ chặt chẽ hơn khu vực biên giới nước Đức, thậm chí là bắn thẳng vào dòng người di cư nếu họ tràn vào nước Đức một cách bất hợp pháp.
Bà Petry nói: “Chúng ta cần sự kiểm soát toàn diện, không để lượng người tị nạn chưa đăng ký nhiều như vậy qua Áo vào Đức. Trong trường hợp khẩn cấp, cảnh sát biên phòng cũng có thể phải dùng tới súng đạn”.
Phản ứng của bà Petr, là phản ứng cực đoan nhất mà những người cực hữu vốn đang ngày càng mạnh lên ở Đức tuyên bố để đối phó với dòng người tị nạn, được Thủ tướng Đức Angela Merkel cho nhập cảnh vào Đức.
Hơn 1,1 triệu người nhập cư đã đến Đức trong năm 2015, gây nên nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Hiện tại, có đến 40% người Đức muốn bà Merkel từ chức vì quyết định “mở cửa” cho người nhập cư.
Thiên Hà (theo Reuters)