Cục Hàng không vừa đề xuất Bộ GTVT việc nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay mới.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kết quả làm việc với các địa phương có đề xuất đưa sân bay mới vào Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050.
Trong tháng 11, Cục Hàng không đã làm việc với các địa phương đề xuất quy hoạch cảng hàng không với sự tham gia của các đơn vị tư vấn, không lưu. Các bên đã rà soát, nêu kết quả nghiên cứu và đánh giá về khả năng quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.
Trên cơ sở đề xuất của địa phương, điều kiện liên quan (kể cả điều kiện về có nhà đầu tư quan tâm), Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay mới tại các tỉnh: Hà Giang (sân bay Tân Quang), Yên Bái, Tuyên Quang (Na Hang), Hà Tĩnh, Kon Tum (Măng Đen), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hòa (Vân Phong), Đăk Nông, Tây Ninh.
Sân bay duy nhất trong đề xuất bị loại là Mộc Châu (sân bay thứ 2 của Sơn La, ngoài sân bay Nà Sản). Trước đề xuất của UBND tỉnh Sơn La về quy hoạch sân bay Mộc Châu, Cục Hàng không cho rằng có thể thiết lập được sân bay tại đây, tuy nhiên vị trí khu đất trong rừng quốc gia Mộc Châu có thời tiết không thuận lợi, mỗi năm có khoảng 5 tháng sương mù, ảnh hưởng đến khai thác dân dụng.
Hồi cuối năm 2021, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021- 2030 có 28 sân bay, đến năm 2050 có 31. Quá trình lập quy hoạch, nhiều địa phương đề xuất bổ sung.
Để đưa sân bay vào quy hoạch, Bộ GTVT đã đưa ra 6 tiêu chí, gồm: Sản lượng hàng hóa; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược); nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không...); cự ly tiếp cận (100 km đối với sân bay đồng bằng và 200 km đối với sân bay miền núi).
Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương có cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm; tổng số vị trí đỗ máy bay tối thiểu 21 vị trí.
Loại máy bay khai thác của Cảng hàng không Liên Khương trong giai đoạn đến năm 2030 là A320, A321, B747, B787, A350 và tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp I; công suất tối thiểu 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm. Loại máy bay khai thác là A320, A321, B747, B787, A350 và tương đương.Về hệ thống đường cất hạ cánh, trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hiện hữu kích thước 3.250m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng tối thiểu 7,5m. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Tây thêm 350m, kích thước đường cất hạ cánh lên thành 3.600m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng tối thiểu 7,5m.
Trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ xây dựng nhà ga hành khách T2 công suất 3 triệu hành khách/năm ở phía Đông nhà ga hành khách T1 hiện hữu. Khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 5 triệu hành khách/năm. Có dự trữ quỹ đất để mở rộng khi có nhu cầu. Xây dựng nhà ga hàng không chung khi có nhu cầu ở phía Tây nhà ga T1 hiện hữu, gần khu vực đài chỉ huy.
Đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 lên công suất 5 triệu hành khách/năm. Khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 7 triệu hành khách/năm. Có dự trữ quỹ đất để mở rộng nhà ga T2 lên công suất 10 triệu hành khách/năm; nghiên cứu mở rộng hoặc xây dựng lại nhà ga T1 trên khu đất hiện hữu đạt công suất 5 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu. Tổng công suất 2 nhà ga có thể đạt 15 triệu hành khách/năm.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021 - 2030 là 340,84 ha và sẽ tăng lên 486,84 ha giai đoạn đến năm 2050.