Mô hình cửa khẩu thông minh đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế biên mậu ở những địa phương có cửa khẩu biên giới.
Cửa khẩu thông minh dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Những năm gần đây, phía Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hoa quả Việt Nam nên lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh. Vào thời gian cao điểm, chính vụ thu hoạch một số mặt hàng nông sản, hoa quả, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, thương nhân.
Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), trước kia mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục xuất nhập khẩu trên giấy với nhiều công đoạn rườm rà, chưa kể các vướng mắc phát sinh.
Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sẽ được chọn làm thí điểm, trở thành "cửa khẩu kiểu mẫu", phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc.
Thực hiện Thỏa thuận khung về Thúc đẩy Xây dựng Thí điểm Cửa khẩu Thông minh Việt Nam - Trung Quốc, phía tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại Tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Dự án Cửa khẩu Thông minh Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) do phía Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai dựa trên định vị vệ tinh và công nghệ 5G.
Dự án sử dụng xe tự hành vận chuyển container không người lái AGV, thiết bị cẩu tự động, hệ thống kiểm bản đồ thông minh và có thể hoàn thành việc trao đổi thông tin logistics xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho phép thông quan hàng hóa tự động không người trực 24 giờ liên tục trong ngày.
Ông Hứa Vĩnh Khắc - Phó chủ tịch Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) khẳng định dự án cửa khẩu thông minh Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) được triển khai xây dựng sẽ đưa hoạt động thông quan giữa hai bên lên một tầm cao mới, việc thông quan hàng hóa qua hai cửa khẩu sẽ đạt được mục tiêu 24 giờ "không đóng cửa" và "không phải chờ đợi". Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa qua lại giữa hai cửa khẩu.
Vốn đầu tư dự án do phía Trung Quốc thực hiện vào khoảng 1,062 tỉ nhân dân tệ, thời gian xây dựng khoảng 15 tháng kể từ ngày khởi công, dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12.2024. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa giữa 2 cửa khẩu.
Với trọng tâm là nền tảng cửa khẩu số, thời gian tới là cửa khẩu thông minh, các địa phương trên cả nước sẽ phát huy được tối đa tiềm năng thế mạnh của mình trong kinh tế cửa khẩu, qua đó góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc cũng như nhập khẩu hàng hóa thiết yếu từ nước bạn để phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hiện nay, phía tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thiện xong Đề án thí điểm cửa khẩu thông minh và đang xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương của Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Với mô hình cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4-5 lần so với thời điểm hiện tại. Đặc biệt, mô hình này sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân khu vực biên giới...
Cửa khẩu thông minh là mô hình chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Do đó trong quá trình triển khai, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, quy hoạch, hạ tầng... Tuy nhiên, mô hình cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang tạo ra những chuyển biến mới trong việc nâng cao năng lực thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu, giúp tỉnh Lạng Sơn phát huy được tối đa tiềm năng thế mạnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc.
Với mô hình cửa khẩu thông minh, phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4-5 lần so với thời điểm hiện tại. Theo đó, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ 750 xe/ngày lên 2.500-3.000 xe/ngày; Cửa khẩu phụ Tân Thanh từ 300 xe/ngày lên 1.500-2.000 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua cửa khẩu Hữu Nghị phấn đấu đạt 100 tỉ USD; qua cửa khẩu Tân Thanh đạt 25 tỉ USD.
Mô hình cửa khẩu số Lạng Sơn nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, bởi chính các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc chuyển đổi số. Anh Nguyễn Văn Thanh - đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hoa quả tươi sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị cho biết luôn cập nhật những tiến bộ của khoa học công nghệ để phù hợp với giải pháp công nghệ chung.
"Để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số thời gian tới, chúng tôi mong muốn kết nối với các phần mềm của cơ quan quản lý nhà nước, như phần mềm cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn, phầm mềm của Hải quan,... để trao đổi các thông điệp về công nghệ, hàng hóa, xe ra xe vào môt cách nhanh hơn, tiện lợi hơn, thay vì cách làm truyền thống, thủ công. Doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu chi phí về thủ tục, thời gian rườm rà. Dự báo trong thời gian tới, các xe chở mặt hàng sầu riêng và một số mặt hàng khác như: vải thiều, thanh long, mít, xoài... từ các tỉnh, thành nội địa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sẽ tiếp tục tăng cao. Điều này khiến lượng xe tồn chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu này sẽ tăng cao hơn nữa. Mô hình cửa khẩu thông minh sẽ tạo ra những chuyển biến mới trong việc nâng cao năng lực thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu với nước bạn Trung Quốc", anh Thanh chia sẻ.
Trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ bổ sung nhiệm vụ triển khai nền tảng kết nối cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh.
Cụ thể, nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể về mặt nghiệp vụ kết nối, xây dựng quy trình nghiệp vụ, cơ sở pháp lý phục vụ triển khai nền tảng kết nối cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh. Nghiên cứu, đề xuất việc triển khai thí điểm nền tảng kết nối cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh tại các cục hải quan có đủ điều kiện, trước mắt tập trung nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh với Trung Quốc tại Lạng Sơn.