Sáng 8.3, hội nghị đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri quận Nam Từ Liêm trước kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 đã diễn ra tại trụ sở UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Nhiều vấn đề nóng về đất đai, môi trường, chính sách… được các cử tri kiến nghị.
Thành phần tham dự hội nghị gồm các ông bà: Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Nguyễn Phạm Ý Nhi – Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Nguyễn Văn Hải – Bí thư Quận ủy, Nguyễn Văn Tứ - Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm…
Nóng chuyện đất đai
Tại hội nghị, đại biểu Đinh Xuân Thảo đã thông báo tới các cử tri nội dung dự kiến những vấn đề tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13. Các đại biểu cũng trả lời kiến nghị mà cử tri đưa ra trong các kỳ họp trước của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, UBND TP.Hà Nội.
Trong phần cử tri quận Nam Từ Liêm phát biểu ý kiến, các vấn đề nổi bật được nêu ra là chính sách đền bù, giải tỏa đất đai, ô nhiễm môi trường, chính sách với người có công, vấn đề khiếu kiện, chiếu sáng… Trong đó, nóng nhất vẫn là những bức xúc của cử tri về chuyện đất đai.
Ông Đặng Ngọc Hải, cử tri phường Cổ Nhuế 1 đại diện cho 24 hộ gia đình tại tổ dân phố trình bày rằng tại tháng 7.1991, xã Cổ Nhuế bán cho các hộ dân này một khu đất và đã thu tiền. Đây toàn là những gia đình chính sách, thương binh. Tuy nhiên, sau 4 năm các hộ dân sở hữu đất hợp pháp thì đến năm 1995 chính quyền Hà Nội lại trao khu đất 3.108m2 cho Công ty cổ phần Phát triển đô thị huyện Từ Liêm.
Theo ông Hải, đến nay đã 25 năm các hộ dân nói trên không được nhận sổ hộ đỏ, con cái sinh ra không được nhập khẩu và học hành đúng tuyến, kinh doanh cũng không được cấp giấy phép...
Ông Hải cho biết đã kêu rất nhiều đến các cấp, phải kêu đến Văn phòng Chính phủ và khi có công văn xuống thì tháng 6 năm ngoái, Sở Tài nguyên-Môi trường yêu cầu quận Từ Liêm phải chuyển quyết định số 2210 về Sở để giải quyết việc cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, Phòng TNMT quận lại nói là quyết định đã mất rồi, nên vấn đề đến giờ vẫn không được giải quyết.
“Chúng tôi thấy chính quyền quận Từ Liêm ưu ái công ty kia quá nhiều, còn 24 hộ gia đình chúng tôi đã 25 năm qua không được giải quyết dứt điểm, rất khổ sở”, ông Hải nói.
Theo ông Đỗ Huy Hùng (cử tri phường Mễ Trì), các hộ dân tại Mễ Trì được giao đất từ năm 1981. Gần đây đất bị thu hồi, và theo các quyết định thu hồi thì đất này không được đền bù. Tuy nhiên, các dự án thu hồi đất ở đây dành cho việc xây nhà ở để bán chứ không phải dịch vụ công ích, các cử tri thắc mắc rằng việc đó có đúng hay không?
Theo một cử tri phường Phúc Diễn, dự án đường 32 đang nâng cấp khu vực Cầu Diễn – Nhổn được phê duyệt từ năm 2010. "Khi chúng tôi nhận được phương án đền bù và tái định cư khi thi công, người dân chấp hành rất nghiêm chỉnh. Các đồng chí lãnh đạo có nói đây là dự án trọng điểm của thành phố và có chính sách đặc thù nên chúng tôi rất phấn khởi và đã bàn giao mặt bằng, chuyển sang khu tái định cư. Tuy nhiên, đến bây giờ các hộ dân này vẫn chưa có sổ đỏ. Đầu năm 2015, các hộ dân nhận được phương án chính thức thu tiền bổ sung tiền làm sổ đỏ. Các hộ dân thắc mắc như vậy có đúng hay không?", ông thắc mắc.
Một số cử tri tại quận Bắc Từ Liêm cũng cho hay các hộ dân này bị UBND quận thu hồi đất cho Công ty Toyota Mỹ Đình kinh doanh nhưng không có quyết định thu hồi đất. Đất này do các hộ dân khai hoang cách đây 30 năm, cũng chưa hề có một văn bản hay ý kiến nào nói các hộ dân chiếm đất công. Các hộ dân mong muốn đoàn ĐBQH xem xét, theo dõi giải quyết cụ thể vụ việc.
Cử tri “than” về ô nhiễm môi trường
Ông Mai Duy Thân (cử tri phường Cổ Nhuế) cũng nêu ý kiến đường khu dân cư của ông ngay phía sau khu Học viện Cảnh sát thường xuyên ngập nước. Nguyên nhân là đường thấp hơn 70cm so với mặt bằng xung quanh, biến thành hố chứa nước thải, gây ô nhiễm môi trường và khó chịu cho người dân.
Cũng chung vấn đề mà ông Thân nêu, ông Bùi Văn Mọc (cử tri phường Mỹ Đình 1) nói rằng hệ thống thoát nước từ đầu đường Phạm Hùng đến nhà văn hóa của khu dân cư Đình Thôn không đảm bảo, không được cải tạo nên con đường bị ngập nước, thậm chí ngập cả trong những ngày không mưa. Tình trạng này gây ô nhiễm môi trường cho cư dân tại đây và người dân mong muốn cơ quan có trách nhiệm giải quyết.
Kiến nghị về chính sách với người có công, bà Trương Thị Thanh Hoa (cử tri phường Cổ Nhuế 1) phản ánh phường Cổ Nhuế 1 có 4 người được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng chỉ phong trên danh nghĩa chứ không được hưởng chế độ. Trong số ấy, 3 người được làm nhà tình nghĩa nhưng người còn lại không được làm dù đã đề nghị rất nhiều lần.
Ngoài ra, theo bà Hoa, phường Cổ Nhuế 1 hiện nay không có trường học, từ cấp 1 đến cấp 3. Nhà mẫu giáo thì 60 cháu/lớp, không có nơi vui chơi, hoạt động.
Buổi tiếp xúc cử tri có khoảng 20 lượt ý kiến những vẫn còn nhiều cử tri mong muốn phát biểu những vấn đề bức xúc của mình. Tất cả cử tri đều bày tỏ sự kỳ vọng cao độ đối với ông Nguyễn Đức Chung trong việc giải quyết khúc mắc.
Sẽ tiến hành giải quyết từng vấn đề
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung cho biết hết sức chia sẻ những bức xúc của cử tri, và các ĐBQH đã ghi chép đầy đủ, sớm đôn đốc giải quyết, trả lời rõ ràng từng vấn đề.
Về vấn đề đất đai, ông Nguyễn Đức Chung nói ông rất thông cảm bà con về việc một số khu vực đất của người dân ở trước tháng 10.1993, tại các khu tập thể nhưng nằm vào các quy hoạch cũ của Hà Nội nên không xây, không sửa được và không được cấp sổ đỏ.
“Thành phố có hơn 40 điểm như thế và lãnh đạo thành phố đang họp và tiến hành giải quyết, sẽ tiến hành cấp sổ đỏ cho người dân. Những vấn đề này không chỉ riêng quận Bắc và Nam Từ Liêm mà còn tồn tại ở nhiều quận khác trên địa bàn. Chúng tôi đang rà soát và đang xây dựng chính sách giải quyết cho đồng bộ” – ông Nguyễn Đức Chung nói.
Về vấn đề xử lý đơn thư khiếu nại, ông Chung cho rằng trên địa bàn thành phố có rất nhiều vấn đề bức xúc khi Nhà nước thu hồi đất làm dự án. Việc thu hồi phải có sự thỏa thuận của người dân. Quận cần kiểm tra và giải thích rõ. "Chúng tôi cũng mong các cử tri đưa đơn đến đúng cấp, đúng thẩm quyền, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết sớm".
Ông Nguyễn Đức Chung cũng thông tin thêm hiện nay có một số đối tượng khiếu kiện chây ì nhiều năm, có người tỉnh khác đến khiếu kiện kéo dài hàng chục năm tại Hà Nội. Công an có tài liệu một số thành phần trong đó được nhận tiền từ nước ngoài, từ 100 đến 400 USD/tháng.
Về vấn đề môi trường, theo ông Nguyễn Đức Chung, thành phố hiện nay đô thị hóa quá nhanh, ý thức sử dụng, xử lý rác thải của một bộ phận người dân chưa tốt, Nhà nước chưa làm tốt công tác thu gom, xử lý rác thải, độ ô nhiễm bụi của thành phố trên mức cho phép.
Do đó, công tác thu gom rác thải chưa đảm bảo. UBND thành phố đã họp và chấn chỉnh lại trong việc phân lại địa bàn thu gom rác thải cho hợp lý, không chồng chéo, đùn đẩy như hiện nay. Thành phố sẽ chọn các đơn vị đủ năng lực tham gia thầu, đưa ra các tiêu chí mới, phải công khai hoạt động để người dân giám sát. Thành phố cũng chỉ đạo các quận huyện để thống nhất giờ thu gom rác cho phù hợp.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiến hành cơ giới hóa toàn bộ hoạt động thu gom rác thải, dùng máy hút đi vào từng ngõ xóm. Hiện nay đang thí điểm, mỗi ngày đi được 35km, 6 tiếng làm bằng 8 công nhân làm trong 1 ngày.
Còn về vấn đề môi trường tại sông Nhuệ, thành phố sẽ thu gom và xử lý nước thải của hộ dân xử lý trước khi thải ra sông Nhuệ.
Xung quanh vấn đề chiếu sáng, hiện thành phố đang thực hiện thay dần đề án chiếu sáng bình thường sang chiếu sáng bằng đèn LED, tiết kiệm được tiền chiếu sáng công cộng, sáng hơn.
Trí Lâm