Với hơn 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân trong cả nước, các vấn đề, vụ việc đặc biệt thu hút sự quan tâm gồm các trạm thu phí BOT, tham nhũng, lãng phí, công tác cán bộ, vụ án VN Pharma...

Cử tri đặc biệt quan tâm các vấn đề BOT, tàn phá rừng, công tác cán bộ...

Nam Phong | 23/10/2017, 11:26

Với hơn 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân trong cả nước, các vấn đề, vụ việc đặc biệt thu hút sự quan tâm gồm các trạm thu phí BOT, tham nhũng, lãng phí, công tác cán bộ, vụ án VN Pharma...

>>Nhiều vấn đề quan trọng trong 26 ngày làm việc của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV

Sáng nay, ngày 23.10, tại buổi làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 14,Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) Trần Thanh Mẫnđã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 14.

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQVN, qua tổng hợp, có 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi Quốc hội. Ttrong đó có 935 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.385 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống MTTQVN các cấp.

Trong đócho thấy có 6 nhóm vấn đề mà cử tri, nhân dân cả nước gửi Quốc hội. Đó là các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm; về giáo dục, đào tạo và dạy nghề; về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác tổ chức cán bộ; về quản lý đô thị và giao thông, vận tải; về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Về vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân:cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; có chính sách đột phá để tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.

Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác dự báo thông tin thị trường, bảo đảm “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác và thúc đẩy phát triển các hợp tác xã kiểu mới, tăng cường liên kết “4 nhà”.

Cử tri và Nhân dân một số địa phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi và bổ sung các tiêu chí trong điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều đảm bảo sát với thực tế đời sống của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên cả nước.

Cử tri và Nhân dân rất lo lắng trước tình hình khí hậu diễn biến bất thường; người dân và chính quyền địa phương nhiều nơi chưa thực sự chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp, tăng cường dự báo, kết hợp với triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng, phòng ngừa xâm nhập mặn, chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm để bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống của Nhân dân.

Sáng nay, kỳ họp thứ 4, QH khoá 14 đã khai mạc, dự kiến sẽ kéo dài 25,5 ngày

Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm:cử tri bày tỏ lo lắng, bức xúc trước tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn, đặc biệt là vụ nhập khẩu hàng nghìn hộp thuốc điều trị ung thư của Công ty cổ phần VN Pharma; dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh, kéo dài trên phạm vi rộng, một số nơi khó kiểm soát, dẫn đến quá tải các bệnh viện…, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công tác y tế dự phòng, triển khai chặt chẽ các quy định về quản lý, đấu thầu, nhập khẩu thuốc, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có vi phạm, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Ghi nhận việc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đã tích cực triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, tuy nhiên, cử tri phản ánh về việc một số cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền để “trục lợi” quỹ bảo hiểm y tế. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế, thực hiện giám định, thu hồi các khoản chi không đúng và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng cường giám sát của Nhân dân trong quá trình thực hiện; rà soát các quy định hiện hành về bảo hiểm y tế, bảo đảm phù hợp giữa chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.

Về an toàn thực phẩm:đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp có hiệu quả hơn để ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên; quan tâm đầu tư khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

Về giáo dục, đào tạo và dạy nghề:đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh đại học; có chính sách khuyến khích học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và dạy nghề để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động; chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bảo đảm chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; kiên quyết chấn chỉnh ngay tình trạng “lạm thu” trong các trường học.

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác tổ chức cán bộ:cử tri và nhân dân vẫn cho rằng, việc phát hiện tham nhũng nhìn chung còn chưa kịp thời; số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Cử tri và Nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương.

Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu; đồng thời công khai kết quả xử lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân biết để giám sát.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương đề xuất, hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam, của nhân dân, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Về quản lý đô thị và giao thông, vận tải: Cử tri và nhân dân cho rằng, công tác lập, quản lý, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở một số thành phố lớn chưa thực sự hợp lý. Việc lập quy hoạch các khu đô thị, các dự án lớn thiếu khoa học, nhất là việc xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng tại các khu vực trung tâm trong khi hạ tầng chưa đồng bộ. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và úng ngập nghiêm trọng khi có mưa lớn, triều cường, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cử tri và nhân dân ở nhiều thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương công khai và thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt.

Trước khi triển khai, lập, điều chỉnh các dự án lớn tại trung tâm các đô thị cần tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, thực hiện tốt việc đánh giá tác động môi trường, đảm bảo tính khả thi, hợp lý; quan tâm đến sự phù hợp giữa phân bổ số lượng dân cư với kết cấu hạ tầng đô thị; đề cao và gắn trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao chủ trương của Nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập, khoảng cách đặt trạm thu phí quá dày, mức phí cao, gây bất bình trong Nhân dân, như ở các trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An), Sông Rác (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang) và Bờ Đậu (Thái Nguyên); việc quản lý chưa chặt chẽ, gây lãng phí và thất thoát. Cử tri và Nhân dân hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rà soát các dự án BOT và đề xuất các giải pháp để giải quyết những bất hợp lý hiện nay, xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong thực hiện các dự án BOT.

Về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội: đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương kịp thời đấu tranh phòng, chống, trấn áp các loại tội phạm, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để biết và thực hiện.

Cử tri và nhân dân bày tỏ lo lắng, bất bình trước tình trạng thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật trên các trang mạng xã hội. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi cố tình đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội; đồng thời chủ động cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân.

Ngoài những vấn đề nêu trên, cử tri và Nhân dân còn phản ánh một số vấn đề như: Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; tình trạng lạm quyền, quan liêu và thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức ở một số địa phương; hiện tượng người dân vẫn phải “lót tay” để được giải quyết thủ tục hành chính; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và người đứng đầu các địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi, chặt phá rừng trái phép; nạn bạo lực học đường; tình trạng nhiều doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng đối với lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ…

Ông Mẫn nêu rõ: “Có thể nói, qua tổng hợp các ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước cho thấy, từ sau kỳ họp thứ ba của Quốc hội Khóa XIV đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ, song nhờ có sự đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước, nền kinh tế nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua vẫn còn một số vấn đề mà các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm giải quyết như: sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gặp khó khăn, giá nông sản thấp, đầu ra thiếu ổn định; việc quản lý về đấu thầu, nhập khẩu thuốc chữa bệnh thiếu chặt chẽ; một số quy định trong tuyển sinh đại học chưa hợp lý; tình trạng “lạm thu” tại một số trường học gây bức xúc trong Nhân dân; việc quy hoạch đô thị ở một số thành phố lớn chưa thực sự hợp lý; một số chính sách, quy định về tổ chức, cán bộ còn bất cập, việc triển khai thực hiện còn nhiều thiếu sót”.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, ông Trần Thanh Mẫn đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 6 kiến nghị:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí; quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, thực thi nhiệm vụ; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản bị tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của MTTQVN, nhân dân và báo chí trong việc giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; thực hiện tổng rà soát công tác cán bộ và việc tuân thủ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và quy định về đánh giá cán bộ.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản sạch, bảo đảm chất lượng, mở rộng quảng bá, kết nối với hệ thống phân phối sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tìm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, hình thành những chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương, kiên quyết chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp ở những tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, nhất là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, chặt phá rừng trên địa bàn quản lý.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và chính quyền các thành phố lớn, nhất là chính quyền TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; khẩn trương đề xuất và thực hiện các giải pháp để giảm ngập úng, ùn tắc giao thông; rà soát, điều chỉnh lại những dự án chậm tiến độ gây lãng phí, ảnh hưởng đến giao thông và phát triển đô thị.

Thứ sáu, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết thấu tình, đạt lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân; sớm giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; không để phát sinh các “điểm nóng”; kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của MTTQVN và nhân dân.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nam Phong
Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử tri đặc biệt quan tâm các vấn đề BOT, tàn phá rừng, công tác cán bộ...