Cũng giống như năm 1997, ở thời điểm hiện tại châu Á cũng đang là tâm điểm của một đợt thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là có tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Cú sốc thoái vốn trên toàn cầu: khi châu Á là tâm điểm

Nhàn Đàm | 07/02/2018, 06:16

Cũng giống như năm 1997, ở thời điểm hiện tại châu Á cũng đang là tâm điểm của một đợt thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là có tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Cú sốc thoái vốn chủ yếu thông qua các hoạt động bán tháo trên thị trường toàn cầu ở thời điểm hiện tại, gợi cho nhiều người nhớ lại những gì đã diễn ra trước khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra cách đây hai thập kỷ. Và cũng giống như năm 1997, ở thời điểm hiện tại châu Á cũng đang là tâm điểm của một đợt thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là có tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Việc rút vốn đầu tư nước ngoài tại các thị trường trên khắp thế giới ở thời điểm hiện tại đạt quy mô lớn nhất chủ yếu ở các nền kinh tế khu vực châu Á. Nó vừa giống như một nguy cơ lặp lại bi kịch của năm 1997, đồng thời cũng giống như một lời nhắc nhở rằng dù là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động nhất thế giới trong suốt nhiều năm qua nhưng đây vẫn là nơi dễ bị tổn thương trước những biến động của tâm lý thị trường.

Theo Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế châu Á -Thái Bình Dương của IHS, cho biết tình trạng hiện tại không giống như những gì diễn ra vào năm 1997, và các quốc gia trong khu vực có nhiều công cụ và biện pháp để kiểm soát tình hình. Một giải pháp được Biswas khuyến cáo là tạm hoãn kế hoạch tăng lãi suất để ngăn cản dòng chảy vốn ra khỏi thị trường. Ở thời điểm hiện tại, một số quốc gia như Singapore, Hàn Quốc và Malaysia đã bắt đầu có động thái xiết chặt, trong khi đó Philippines được dự báo cũng sắp có những động thái tương tự.

Biswas cho biết: “Khi thị trường đang có sự biến động khá dữ dội như hiện nay, các ngân hàng trung ương châu Á có thể tạm hoãn lại việc tăng lãi suất theo kế hoạch cho đến khi mọi thứ ổn định trở lại. Họ cũng có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm dịu bớt các biến động mạnh do dòng vốn thiếu ổn định''.

Một số ngân hàng trung ương châu Á đã bắt đầu hành động. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã bắt đầu bán USD vào thứ Tư để hỗ trợ đồng Rupee. Điều này xuất phát từ việc Ấn Độ là một ngoại lệ, khi cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu của nước này vẫn nhận vốn ròng chảy vào thay vì bị rút ra như hầu hết các nước châu Á khác.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá cao triển vọng của các nền kinh tế châu Á trong năm nay bất chấp những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại. Tốc độ tăng trưởng khá ổn định, lạm phát đang suy yếu, xuất khẩu tiếp tục bùng nổ và các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn duy trì sự ổn định,… là những lý do để tin rằng tình trạng thoái vốn khá ồ ạt hiện nay không để lại nhiều tác động. Richard Jerram, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng trung ương Singapore, cho biết: “Tỷ giá tiền tệ ở các nền kinh tế châu Á gần đây đã ổn định và vững chãi hơn nhiều, vì vậy sự thoái vốn hiện nay không có gì đáng lo ngại''.

Câu hỏi được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại là khi nào thì sự bán tháo hiện nay sẽ kết thúc. Câu trả lời là chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo Viện Tài chính Quốc tế, sự tụt dốc của dòng vốn đầu tư hiện nay diễn ra với tốc độ lớn nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tính từ thời điểm ngày 30.1.2018, đã có khoảng 4 tỉ USD cổ phiếu tháo chạy khỏi các thị trường châu Á mà cơ quan này theo dõi.

Hàn Quốc, sau khi thu hút được 1,96 tỉ USD vào thị trường chứng khoán (TTCK) của nước này trong tháng 1.2018, thì chỉ riêng trong những ngày đầu tháng 2.2018 đã có khoảng 1,8 tỉ USD tháo chạy. Còn tại Indonesia và Thái Lan, mỗi nước đã thu hút được khoảng 2,4 tỉ USD vào TTCK trong tháng 1, thì trong những ngày đầu tháng 2 đã có lần lượt 400 và 250 triệu USD tháo chạy. Tỷ giá đồng won của Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua, trong khi đồng rupiah của Indonesia chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10.2017, còn đồng bath của Thái Lan xuống mức thấp nhất trong nửa tháng qua.

Tuy nhiên, như trường hợp của Ấn Độ đã chỉ ra, xu hướng thoái vốn ở thời điểm hiện tại sẽ không tác động nhiều đến các nền kinh tế ổn định có mức tăng trưởng cao và vẫn còn nhiều cơ hội béo bở để đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu của cuộc thoái vốn hiện nay là do báo cáo việc làm trong tháng 1.2018 mà Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, tình trạng tích cực của nền kinh tế Mỹ (tạo ra khoảng 200.000 việc làm mới trong tháng 1.2018 so với mức trung bình khoảng 170.000 của năm 2017) khiến giới đầu tư lo ngại áp lực lạm phát sẽ khiến FED tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, nhất là khi cơ quan này vừa có chủ tịch mới.

Có thể thấy, nguyên nhân của đợt rút vốn này không nằm ở vấn đề sức khỏe của các nền kinh tế. Vì thế, những nền kinh tế ổn định và tăng trưởng cao, có TTCK còn nhiều dư địa để đầu tư như Ấn Độ, Trung Quốc hay Việt Nam sẽ vẫn có thể an tâm ở thời điểm hiện tại.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cú sốc thoái vốn trên toàn cầu: khi châu Á là tâm điểm