Dịch bệnh đang hoành hành đe dọa làm gián đoạn nhiều cuộc họp vốn đã lên kế hoạch từ trước giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo khác.

COVID-19 phá hỏng kế hoạch ngoại giao của Trung Quốc

03/05/2020, 14:50

Dịch bệnh đang hoành hành đe dọa làm gián đoạn nhiều cuộc họp vốn đã lên kế hoạch từ trước giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo khác.

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải sắp xếp lại vài cuộc gặp trực tiếp - Ảnh: EPA

Gặp mặt trực tiếp giữa ông Tập với các nhà lãnh đạo nước ngoài đóng vai trò nền tảng cho ngoại giao Trung Quốc năm 2019. Trong năm, ông đã công du 13 quốc gia châu Âu, châu Á, Nam Mỹ và tham dự 5 hội nghị quốc tế.

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận đình chiến thương mại sau khi Chủ tịch Tập cùng Tổng thống Donald Trump hội đàm tại Nhật Bản trong tháng 6. Chuyến thăm châu Âu vào tháng 3 năm trước đó đưa Ý, một thành viên G7 (7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) trở thành quốc gia đầu tiên của khối này tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trung Quốc dự kiến triển khai “năm châu Âu” 2020 với hàng loạt cuộc họp với Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp ước Đầu tư toàn diện, biến đổi khí hậu, hợp tác phát triển thị trường ở nước thứ ba.

Nhưng rồi COVID-19 khiến kế hoạch đảo lộn, một hội nghị thượng đỉnh chuẩn bị tổ chức cuối tháng 3 phải hoãn lại. Trung Quốc vốn hy vọng việc đàm phán Hiệp ước Đầu tư toàn diện sẽ kết thúc trước tháng 9 – lúc Chủ tịch Tập lần đầu gặp tất cả các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU tại Leipzig (Đức). Trong bối cảnh hiện tại thì mục tiêu đó khó lòng đạt được.

Giới ngoại giao lẫn giới phân tích đều nhận định áp lực kiểm soát dịch bệnh và hồi sinh chuỗi cung ứng toàn cầu làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh tháng 9 tới. Ngoài ra nếu hai bên không có đủ thời gian đàm phán, Hiệp ước Đầu tư toàn diện sẽ không thể là một thỏa thuận tốt.

Một vấn đề khác mà ngoại giao Trung Quốc đang đối mặt và làm cho họ rơi vào thế “phòng thủ” là việc nước này đang hứng chịu cáo buộc che đậy cũng như cung cấp thông tin sai lệch khi COVID-19 ở giai đoạn đầu nên khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu.

Đại sứ quán Trung Quốc tại các nước thời gian qua vất vả bảo vệ Bắc Kinh trước tâm lý thù địch ngày một gia tăng. Còn chính quyền Trung Quốc luôn khẳng định mình minh bạch, hỗ trợ vật tư y tế, tổ chức hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm cho bác sĩ nước ngoài, quyên góp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trung Quốc hứng chịu cáo buộc che đậy cũng như cung cấp thông tin sai lệch khi COVID-19 ở giai đoạn đầu - Ảnh: Asia Times

Giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng thuộc Đại học Nhân dân (Bắc Kinh) chỉ ra hai tác hại do COVID-19: ngăn Chủ tịch Tập gặp mặt trực tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, khiến cho quan hệ Nga - Trung Quốc, Trung Quốc - châu Phi rạn nứt.

Nga thuộc nhóm quốc gia đóng cửa biên giới với Trung Quốc cũng như cấm người từ Trung Quốc nhập cảnh rất sớm (không làm vậy với một số nước châu Âu cũng là ổ dịch lớn). Nay đến lượt Trung Quốc đóng cửa biên giới với Nga.

Để ngăn chặn nguy cơ ca nhiễm ngoại nhập, chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc thực thi hàng loạt biện pháp kiểm tra công dân nước ngoài kể cả người châu Phi. Truyền thông gần đây đưa tin về chuyện người châu Phi tại hai thành phố Quảng Châu và Thẩm Quyến bị chủ cho thuê nhà đuổi khỏi căn hộ, bị đưa đi xét nghiệm COVID-19 đến vài lần mà chẳng cho biết kết quả, hứng chịu kỳ thị ở nơi công cộng.

Theo giáo sư Thời: “Tình hình thế giới thay đổi mạnh mẽ đòi hỏi Trung Quốc điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, tôi chưa thấy dấu hiệu nào cả, trừ nỗ lực tự mô tả họ như quốc gia dẫn dắt nền y tế toàn cầu và ca ngợi tính ưu việt của chế độ”.

Năm nay còn không ít hội nghị quốc tế quan trọng như hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ả Rập Saudi, hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Malaysia – đều dự kiến diễn ra trong tháng 11, cuộc họp Nhóm 5 nền kinh tế mới nổi (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) cùng hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).

Chuyên gia Lữ Tường thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nhận xét, tuy họp trực tuyến cùng điện đàm có thể tạm thời thay thế gặp trực tiếp, nhưng tính hiệu quả không cao.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19 phá hỏng kế hoạch ngoại giao của Trung Quốc