Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia – NCIF (Bộ KH-ĐT), đại dịch COVID-19 khiến làn sóng rút đầu tư khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn.

COVID-19 khiến làn sóng rút đầu tư khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn

Lam Thanh | 01/01/2021, 12:56

Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia – NCIF (Bộ KH-ĐT), đại dịch COVID-19 khiến làn sóng rút đầu tư khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn.

Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng

Trước thềm giai đoạn 2021-2030 và 2021-2025, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn cầu. Đại dịch này khiến kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng, cũng là nguyên nhân chính gây gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều quốc gia trên thế giới.

dau-tu.png
Làn sóng rút đầu tư khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn

Khi đại dịch mới bùng phát ở Trung Quốc, kinh tế thế giới chịu tác động do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng chủ yếu tại những nước phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc. Tuy nhiên, khi khủng hoảng lan rộng sang Mỹ, EU và các nước khác, kinh tế thế giới rơi vào cú sốc lớn, từ cả phía cung và phía cầu.

Về phía cung, dịch COVID-19 gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới nguồn cung lao động. Về phía cầu, dịch ảnh hưởng tới kinh tế thế giới do sự giảm sút về nhu cầu và thu nhập của người tiêu dùng và nhu cầu đầu tư khi rủi ro tăng cao.

Trước tác động của đại đại dịch, hầu hết các tổ chức quốc tế đều tỏ ra quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian tới. IMF dự báo kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1930. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ giảm sâu (-3%) trong năm 2020.

Quá trình phục hồi kinh tế sau đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nhìn chung, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch.

COVID-19 thúc đẩy thay đổi trật tự các quốc gia

Đại dịch COVID-19 cũng thúc đẩy sự thay đổi trật tự, vai trò, vị trí của các quốc gia trong quan hệ đối ngoại, ảnh hưởng tới cục diện địa chính trị và chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn.

Hiện nay, 4 lực lượng lớn trên thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU) chịu ảnh hưởng của dịch bệnh ở những mức độ khác nhau. Sau dịch bệnh, Mỹ vẫn là siêu cường số 1 thế giới nhưng chịu tổn hại rất lớn. Khoảng cách chênh lệch giữa Trung, Mỹ với các lực lượng lớn khác được nới rộng thêm, đa cực hóa dần chuyển thành thế “Trung - Mỹ dẫn dắt”.

Cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra đang làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, phá vỡ kế hoạch hòa hoãn giữa hai bên trong Chiến tranh thương mại sau thỏa thuận giai đoạn một đã được kí kết.

Khu vực EU gặp khó khăn, các nước thành viên EU cho thấy sự thiếu thống nhất và phối hợp trong phòng chống dịch và một số vấn đề chung của khối. Hiện tại các nước đang thực hiện nhiều biện pháp mang tính đơn phương. Tình trạng chia rẽ, thiếu đoàn kết càng bộc lộ rõ nét trong khủng hoảng lần này.

Chuỗi giá trị toàn cầu thay đổi

NCIF cũng cho rằng cấu trúc thương mại, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu thay đổi, các quốc gia có xu hướng giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường.

Các chuỗi sản xuất và cung ứng sẽ được điều chỉnh đáng kể theo hướng "đa dạng hóa"; nổi lên là xu hướng nhiều nước công nghiệp phát triển rút các cơ sở sản xuất ra khỏi "công xưởng thế giới" là Trung Quốc về nước hoặc chuyển sang các khu vực khác, nhất là Ðông - Nam Á và Ấn Ðộ. Nói một cách khác, vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động kinh doanh xuất - nhập khẩu sẽ có sự đổi dòng đáng kể.

Kinh tế và thương mại thế giới tiếp tục thay đổi bởi sự hình thành nhu cầu đảm bảo an ninh mới (như đảm bảo an ninh lương thực hay đảm bảo an ninh năng lượng), các quốc gia có xu hướng đảm bảo tự chủ về cung ứng những sản phẩm, thiết bị hay vật liệu cần thiết để đối phó khủng hoảng, đặc biệt về thuốc men, trang thiết bị y tế.

Các ngành du lịch và vận tải, đặc biệt hàng không, sẽ thay đổi rất cơ bản. Tất cả các đối tác đều phải định hình lại chính sách xuất nhập cảnh và quản lý biên giới quốc gia, chiến lược phát triển du lịch và hoạt động giao thông vận tải trên bộ, trên không cũng như trên biển.

Sự dứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra câu hỏi về khả năng phục hồi của mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu mà thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sau đại dịch, các quốc gia nhiều khả năng sẽ tái khởi động lại các ngành công nghiệp của mình và bảo vệ các ngành cung ứng quan trọng và thiết yếu. Việc bảo vệ các nguồn lực quan trọng cho tương lai để phòng trường hợp xảy ra các thảm họa như đại dịch vừa qua có thể thực hiện bằng cách bảo hộ các ngành công nghiệp quan trọng trong nước và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Do vậy, chính sách thương mại có thể trở nên bảo thủ hơn. Các biện pháp phòng vệ thương mại có thể gia tăng. Các quốc gia cũng có thể tìm cách bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước thông qua tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Các doanh nghiệp vừa chú trọng tối ưu hóa hiệu quả sản xuất vừa tối ưu hóa khả năng phục hồi thông qua việc đa dạng hóa các nguồn cung. Đầu tư của Mỹ và EU trước đây tập trung vào Trung Quốc và các nước có chi phí thấp có thể sẽ dịch chuyển về nước hoặc sang các nước lân cận. Các nước Bắc Mỹ (Mexico, Canada,...) được cho là sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.

Làn sóng đầu tư rút khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn

Trong thời gia tới, dự báo, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn đầu tư và sản xuất kinh doanh ra khỏi Trung Quốc, dịch chuyển đến các nơi khác trên thế giới, với mục đích đa dạng hóa chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất.

Xu hướng đầu tư dựa vào chi phí thấp vẫn có thể tiếp tục, nhưng các nhà đầu tư sẽ đa dạng hóa hoạt động sản xuất ra bên ngoài biên giới Trung Quốc và dịch chuyển sang các nước lân cận như ASEAN.

Một số báo cáo gần đây cho thấy các nhà sản xuất của Mỹ và Châu Âu đã có xu hướng dịch chuyển. Chính phủ Nhật Bản đã lên chương trình tài chính 2 tỉ USD khích lệ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc về Nhật Bản và chi 216 triệu USD khích lệ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc chuyển dịch sang các nước lân cận nhằm giảm thiểu những rủi ro từ sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Cũng theo NCIF, xu hướng thúc đẩy quá trình số hóa (kinh tế số, xã hội số, tiêu dùng số) được dự báo sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 và thực sự trở thành cuộc đua chiến lược giữa các quốc gia trong cạnh tranh kinh tế, chính trị.

Kinh tế số, Chính phủ điện tử, hệ thống thương mại điện tử, AI, IoT, finteck, logistics,… sẽ tăng tốc phát triển nhanh hơn. "Cách mạng kinh tế số" sẽ nhanh chóng bùng nổ trên quy mô toàn cầu.

Căng thẳng Biển Đông gia tăng

Theo NCIF, quan điểm giữa toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập với chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ, biệt lập có sự thay đổi; vấn đề biên giới và chủ quyền được trú trọng hơn trong quan hệ kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, chủ nghĩa dân túy, dân tộc vị kỷ lan rộng. Những vấn đề này sẽ tiếp tục đẩy lên cao sau đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, căng thẳng biển Đông gia tăng. Trung Quốc đã và đang lợi dụng tình hình các nước đang tập trung chống dịch COVID-19 để gia tăng tầm ảnh hưởng và sự bành trướng trên biển Đông.

Đây được đánh giá là "Chiến lược có tính toán kỹ lưỡng" của Trung Quốc nhằm cố gắng lợi dụng khoảng thời gian các nước khác bớt chú ý và năng lực của Mỹ suy giảm để gây áp lực với các nước láng giềng.

Một loạt các hoạt động gây tranh chấp ở biển Đông được Trung Quốc thực hiện trong thời gian gần đây.

Tháng 3.2020, Trung Quốc thông báo đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tháng 4.2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.

Đồng thời, tàu Hải Dương địa chất 08 cùng nhóm tàu hộ tống trở lại biển Đông. 18.4.2020, Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam bằng việc thông báo thành lập "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam)...

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19 khiến làn sóng rút đầu tư khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn