Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Hà Nội chuẩn bị các phương án tiếp nhận bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế của Thủ đô. Hà Nội đã chuẩn bị các phương án điều trị như thế nào? Báo Sức khỏe&Ðời sống đã phỏng vấn TS. Trần Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về vấn đề này.

COVID-19: Hà Nội đã sẵn sàng cho cấp độ 4 phòng dịch

03/04/2020, 06:26

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Hà Nội chuẩn bị các phương án tiếp nhận bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế của Thủ đô. Hà Nội đã chuẩn bị các phương án điều trị như thế nào? Báo Sức khỏe&Ðời sống đã phỏng vấn TS. Trần Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về vấn đề này.

Khu vực điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 của BVĐK Hà Đông, Hà Nội

PV: Thưa bà, các cơ sở y tế toàn thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 đến nay như thế nào?

-TS. Trần Nhị Hà: Hà Nội đã sẵn sàng trang thiết bị, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để điều trị cho (phương án) 1.000 người mắc COVID-19 cùng một lúc. Trong đó, 30% bệnh nhân nặng phải thở máy. Không chỉ vậy, chúng tôi còn chuẩn bị các kịch bản xấu hơn như 2.000 - 3.000 người mắc COVID-19. Ở tình hình đó, Hà Nội hoàn toàn đáp ứng khả năng cứu chữa bệnh nhân.

Đối với các bệnh viện có trách nhiệm thu dung và điều trị bệnh nhân như Bệnh viện Bắc Thăng Long, hiện nay, hơn 300 bệnh nhân của BV này đã được cho ra viện hoặc chuyển sang các bệnh viện khác trước khi BV được chuyển đổi sang trạng thái chỉ phục vụ cho việc tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. BV đã phân các khu thu dung điều trị, cách ly và khu hành chính dã chiến, trang thiết bị được đầu tư bổ sung với hơn 30 máy thở, lọc máu và chụp Xquang tại giường. Hiện BV đang điều trị cho 5 trường hợp nghi ngờ và gần 20 người F2.
Đối với BVĐK Đức Giang, để chuẩn bị cho việc phân loại, sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đã dành khu nhà với 150 giường bệnh, 30 bác sĩ và hơn 60 điều dưỡng để khám, điều trị. BV này được yêu cầu chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhi và sản phụ mắc COVID-19.

Hà Nội đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó với cấp độ 4 của dịch, theo phương châm 4 tại chỗ. Đảm bảo nhân lực tham gia điều trị được tập huấn phác đồ điều trị, chuyên môn, kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn với mục tiêu cứu chữa khỏi cho người bệnh và giảm tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm trong khối bệnh viện, các cán bộ y tế, giữa các nhân viên phục vụ và người bệnh.

Sở Y tế Hà Nội đã triển khai việc phòng, chống dịch tại các bệnh viện, sàng lọc, phân luồng, phân tuyến, cách ly điều trị ca bệnh tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện như thế nào?

-Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng, phân tuyến, cách ly điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Trước hết là tổ chức thực hiện việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, cách ly người nghi nhiễm COVID-19, phải sàng lọc người bệnh ngay khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phân luồng người có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ tới phòng chờ khám bệnh, phòng khám bệnh riêng, đảm bảo các điều kiện cách ly theo quy định...

Về phân tuyến điều trị, từ ca bệnh số 1-300 của Hà Nội, chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị cách ly. Từ ca bệnh tiếp theo, tiếp nhận điều trị cách ly trên nguyên tắc lấp đầy cơ số giường bệnh của từng bệnh viện sẽ chuyển sang BV khác theo thứ tự: Bệnh viện Bắc Thăng Long (230 giường); Bệnh viện dã chiến Mê Linh (200 giường); BVĐK Đức Giang (150 giường); Bệnh viện Thanh Nhàn (200 giường); BVĐK Hà Đông (140 giường); BVĐK Đống Đa (80 giường).

Với các BV trong và ngoài công lập, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu bố trí phòng khám, khu cách ly có lối đi riêng biệt để tiếp nhận người bệnh đến khám; tiếp nhận các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... đến khám theo hướng dẫn của Bộ Y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

Để bảo vệ cán bộ y tế và gia đình, chúng tôi đã tổ chức tập huấn nhiều lần cho cán bộ, người lao động từ bảo vệ, trông giữ xe, lái xe, hộ lý... về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, chăm sóc người bệnh, hướng dẫn ngăn ngừa và điều trị cho bệnh nhân COVID-19...

Ngành y tế sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện sàng lọc, phân luồng và cách ly người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn và đình chỉ hoặc đình chỉ tạm thời; rút giấy phép hoạt động/chứng chỉ hành nghề đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cá nhân không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Anh Văn (Theo SK&ĐS)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19: Hà Nội đã sẵn sàng cho cấp độ 4 phòng dịch