Cuộc sống của một nhà trị liệu tình dục ngoài đời thực có giống với nhân vật Jean trong 'Sex Education' - một phụ nữ thường xuyên tiếp khách hàng tại nhà, quan hệ tình dục liên tục và can thiệp mạnh bạo vào đời tư cá nhân của con cái?

Công việc của nhà trị liệu tình dục trong ‘Sex Education’ liệu có sát với thực tế?

Chí Thiện - bài | 08/03/2020, 08:36

Cuộc sống của một nhà trị liệu tình dục ngoài đời thực có giống với nhân vật Jean trong 'Sex Education' - một phụ nữ thường xuyên tiếp khách hàng tại nhà, quan hệ tình dục liên tục và can thiệp mạnh bạo vào đời tư cá nhân của con cái?

Sex Education của Netflix được đánh giá là loạt phim hay nhất từ trước đến nay về chủ đề giáo dục giới tính. Chỉ sau 2 tháng, nó đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên toàn cầu. Bên cạnh tình dục vị thành niên, loạt phim còn cho khán giả cái nhìn cận cảnh về công việc của một nhà trị liệu tình dục (sex therapy) – một khái niệm vẫn còn khá mới tại Việt Nam.

Sex Education tất nhiên không phải phim tài liệu nhưng chắc chắn nó đã giúp nhiều chủ đề nhạy cảm được bàn tán rộng rãi trên truyền thông như quan hệ độc hại, sở thích tình dục, phá thai hay đồng tính luyến ái. Đặc biệt, nó nhấn mạnh người trưởng thành cũng rơi vào những vấn đề này chứ không riêng tuổi mới lớn.

Otis Milburn (Asa Butterfield đóng) là một chàng trai nhút nhát có kiến thức rộng về tình dục và các mối quan hệ nhưng không có kinh nghiệm thực tế. Cậu gặp gỡ và làm quen với Maeve (Emma Mackey đóng) – một cô nàng nổi loạn có nền tảng giáo dục phức tạp và có tham vọng kiếm tiền bằng mọi cách. Cùng nhau, họ đã lập ra một nhóm chuyên tư vấn có tính phí về tình dục và các rối rối liên quan đến nó cho những học sinh trong trường. Thế nhưng, nhân tố thú vị nhất lại là mẹ của Otis – nhà trị liệu tình dục Jean (Gillian Anderson đóng). Bà là người đã gián tiếp cung cấp các kiến thức nền tảng cho con trai và có đời sống tình dục khá phong phú.

Sex Education khắc họa khá chân thật, tinh tế và thông minh trải nghiệm tình dục lẫn yêu đương của nhiều đối tượng khác nhau cũng như các vấn đề phát sinh ngoài ý muốn. Mặc dù vậy, câu hỏi được đặt ra là: Liệu chúng có sát với thực tế?

Đúng

Sex Education đã thực hiện rất tốt việc cho thấy các mối quan hệ hoạt động và phát triển như thế nào. Các điều khó nói, cấm kỵ về tình dục được đặt lên bàn và mọi người cùng tham gia những cuộc trò chuyện chân thật, thô thiển về nó: từ rối loạn cương dương đến không cảm thấy đủ ham muốn với bạn tình, đôi khi biến họ thành kẻ xấu (như vợ của Hiệu trưởng Groff, người đã không được va chạm thể xác trong nhiều năm). Nói theo cách khác, loạt phim này đã động đến những góc khuất thầm kín nhất của nhiều đối tượng khán giả.

Chính vì thế, Sex Education không hoàn toàn xoay quanh phương pháp trị liệu của nhà trị liệu tình dục nhưng đã cố gắng khai thác các vấn đề quan trọng theo cách vừa hài hước vừa nghiêm túc và vẫn mới mẻ.

Các giải pháp mà Otis đưa ra cho các bạn học của mình thực sự hữu ích và phản ứng của họ với chúng cũng thế. “Việc bàn luận công khai về tình dục có sức mạnh to lớn. Cảnh Adam trong nhà vệ sinh, bạn có thể thấy gánh nặng trên vai của cậu ấy được giải tỏa sau khi thừa nhận bản thân có vấn đề với việc cương cứng và cực khoái”, nhà trị liệu tình dục Vanessa Marin nói với Self.

“Không chỉ khơi màu cho cuộc tranh luận xoay quanh tình dục, ‘Sex Education’ còn giúp giới thiệu lĩnh vực trị liệu tình dục. Nó cho thấy trong vấn đề tình dục và các mối quan hệ, thừa nhận khuyết điểm và yêu cầu sự giúp đỡ có tác dụng hiệu quả như thế nào”, bà nói thêm.

Sai

Cuộc sống của nhân vật Jean trong phim khá sáo rỗng, cố tình được xây dựng để gây kịch tính chứ không phải hình mẫu cho một nhà trị liệu tình dục. Sự thật là họ không hề ăn diện đẹp như vậy hay dành cả ngày ở nhà và quan hệ tình dục liên tục mà thay vào đó là dành thời gian cho nghiên cứu, báo cáo và diễn thuyết. “Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy Jean quan hệ hết người này đến người khác chỉ vì bà ấy là nhà trị liệu tình dục”, Vanessa Marin nói.

Bên cạnh đó, các nhà trị liệu không tiếp khách hàng của mình tại nhà riêng. Nó không chỉ làm tăng nguy cơ lộ danh tính của họ mà còn khiến người thân của mình gặp nguy hiểm. Kristin Bennion – một nhà trị liệu tình dục có giấy chứng nhận hành nghề - nói với tờ Elite: “Đúng là có vài nhà trị liệu làm vậy nhưng không phổ biến do chúng tôi phải duy trì làn ranh lành mạnh giữa mình và khách hàng cũng như các vấn đề an toàn cá nhân”.

Chưa hết, hành vi can thiệp quá nhiều vào đời tư của con cái cũng không được khuyến khích bởi nó ảnh hưởng đến việc phát triển tâm sinh lý của trẻ. Tính cách của Otis rõ ràng đã được định hình bởi cách hành xử và nuôi dạy của cha lẫn mẹ. Không gian cá nhân nên được tôn trọng để trẻ em có thể phát triển tính cách nhưng Jean dường như không quan tâm đến.

Chuyên gia trị liệu tâm lý Kate Stewart cho biết: “Nhiều nhà trị liệu tình dục mà tôi biết có con, và tất cả đều tôn trọng không gian riêng của con cái và khả năng khám phá tình dục theo cách riêng của chúng. Có một cảnh cụ thể Otis nhìn thấy cha mình quan hệ tình dục với khách hàng. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề của cậu ấy trong quá trình trưởng thành”.

Bennion tin rằng tình dục nên được tôn vinh. Tuy nhiên, hành động tư vấn khi không được đào tạo đầy đủ, tham khảo ý kiến thường xuyên và thực hành giám sát từ một cơ quan có thẩm quyền của Otis có thể dẫn đến tác hại lớn ngoài ý muốn.

Tóm lại, Sex Education của Netflix là một sản phẩm giải trí trung thành với nền tảng chính của mình và giúp khán giả học hỏi không ít từ nó. Mặc dù vậy, nó không hoàn toàn chính xác về mặt thực tiễn.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công việc của nhà trị liệu tình dục trong ‘Sex Education’ liệu có sát với thực tế?