Trả lời kiến nghị của công nhân về vấn đề nhà ở, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là vấn đề chính đáng, cần phải giải quyết, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng này của anh em công nhân.

Công nhân trăn trở vấn đề nhà ở, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ

Lam Thanh | 12/06/2022, 17:12

Trả lời kiến nghị của công nhân về vấn đề nhà ở, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là vấn đề chính đáng, cần phải giải quyết, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng này của anh em công nhân.

Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Đây là một hạn chế trong thời gian qua vẫn chưa thực hiện đạt mục tiêu đề ra của chương trình phát triển nhà ở cho công nhân.

Nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn, nhất là hiện nay khi tốc độ phát triển kinh tế xã hội tại các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thức đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

sinh.jpg
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh - Ảnh: VGP

Cụ thể, là công tác hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư như sửa đổi Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội, sửa đổi Nghị định 82 về quản lý các khu công nghiệp…; Bộ Xây dựng cũng đã sửa đổi và ban hành Thông tư 39 về trình tự lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, và nhiều chính sách liên quan đến thủ tục hành chính.

Theo ông Sinh, trong quá trình sửa đổi này, nổi lên vấn đề làm sao dành được quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân. Theo các quy định hiện nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 2% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tại khu công nghiệp cũng phải dành 2% quỹ đất trong quỹ đất của khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; qua trao đổi với UBND các địa phương, tùy từng tình hình thực tế cũng sẽ dành quỹ đất đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo dành rất nhiều ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, được miễn và giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% quỹ nhà thương mại trong các dự án nhà ở xã hội để bù đắp các chi phí…

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện dự án về thiết chế công đoàn. Theo đó, có tham gia vào các hoạt động dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư dự án nhà ở, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các siêu thị để phục vụ công nhân tốt hơn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, chương trình này với quy mô hỗ trợ 350.000 tỉ đồng, đối với nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng nằm trong chương trình này.

Theo đó có 2 nhóm chính sách được bổ sung, nhóm 1 là hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và đều được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỉ đồng. Đây là quy mô rất lớn hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong thời gian tới. Nhóm 2 là gói giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỉ đồng, trong thời gian vay là 25 năm, lãi suất là 4,8%/năm.

“Với nhóm chính sách này, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới”, ông Sinh nói và cho biết hiện nay, theo kết quả ban đầu, đối với nhà ở cho công nhân đang triển khai 116 dự án với quy mô 7,6 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân.

thu-tuong-4.jpg
Thủ tướng đối thoại với công nhân - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết vẫn còn băn khoăn vấn đề này như về chủ trương, chính sách, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên câu chuyện nằm ở đâu?

“Vừa qua chúng tôi vừa đi một số nơi, đặc biệt là sáng nay (12.6), chúng tôi có đi tới khu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Vân Chung. Tôi thấy, xây dựng rất tốt nhưng bản chất của vấn đề đã giải quyết được chưa?”, Thủ tướng nói.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hiện vướng tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở và việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất khó, vì vậy rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như nhà nước vì vướng Luật Đầu tư công.

“Nhà ở hiện nay chỉ duy nhất Bộ Xây dựng được giao nhà công vụ, còn lại các loại hình nhà ở khác triển khai trong các khu doanh nghiệp, các tỉnh muốn đầu tư cũng không đầu tư được, các cơ quan bộ, ngành cũng không tham gia được. Đồng thời, Luật Kinh doanh bất động sản còn liên quan đến việc vận hành tòa nhà sau khi xây dựng… Chúng tôi đã làm việc và bàn bạc với Bộ Xây dựng, chúng tôi sẽ báo báo Thủ tướng để trong thời gian sớm tới để sửa đổi”, ông Khang nói.

khang.jpg
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đây là vấn đề quan trọng, có an cư thì mới lạc nghiệp, quyền được có nhà ở. Vấn đề này Đảng và Nhà nước luôn luôn trăn trở, chăm lo và chỉ đạo, xây dựng nhiều chủ trương. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa giải quyết được một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản.

“Tôi giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân. Trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay như Nghị định 49, Nghị định 100. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao bằng giải pháp nhanh nhất có thể, để giải quyết vấn đề này”, Thủ tướng nêu.

Bài liên quan
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhân trăn trở vấn đề nhà ở, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ