Theo báo cáo công bố ngày 21.11 của Công ty tài chính IHS Markit thuộc tổ chức HIS Jane’s, ngành công nghiệp của 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Úc đang đứng đầu châu Á, trong đó công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc phát triển nhanh nhất trong khu vực.
IHS Markit đã tiến hành đánh giá sự phức tạp trong công nghệ lẫn quy mô của các lĩnh vực quốc phòng trên đất liền, trên biển, trên không và quốc phòng điện tử của 93 thị trường quốc phòng toàn cầu. Các chỉ tiêu đánh giá bao gồm đầu tư quốc phòng, năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng, thủ tục mua sắm trang bị, cơ chế thương mại, các lệnh cấm vận và những cân nhắc về chính trị, kinh tế, an ninh.
Theo bảng xếp hạng cuối cùng, Trung Quốc giữ vị trí số 1 với 3,8 điểm. Ông Paul Burton, Giám đốc nghiên cứu của Jane’s, đánh giá: “Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể trong thập kỉ qua nhằm đạt được năng lực quốc phòng tiên tiến mà chính quyền Bắc Kinh đặt ra”.
Theo ông Burton: “Để giải quyết những thiếu hụt trong năng lực quốc phòng và đạt được mục tiêu tối thiểu là ngang hàng với các quốc gia có nền quốc phòng tiên tiến trên thế giới, Trung Quốc cần có những cải cách hơn nữa với ngành công nghiệp quốc phòng. Nước này cần tiếp tục chuyển từ sao chép sang sáng tạo”.
Theo sau Trung Quốc là Nhật Bản (3,6 điểm) và Úc (3,5 điểm) và Hàn Quốc (3,4 điểm).
Ông Guy Anderson đến từ tổ chức Jane’s cho biết: “Điểm chung của các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng là họ đều có những khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, có cách tiếp cận dài hạn với sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia và chú trọng vào sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào các chương trình trang bị quốc phòng”.
Theo ông Anderson: “Đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực quốc phòng là đặc điểm chung của toàn châu Á-Thái Bình Dương. Trong 5 năm qua, đầu tư của khu vực đã đạt 16,7 tỉUSD, tăng đến 32%. Trong 10 năm tới, chúng tôi cho rằng tính tự chủ trong công nghiệp quốc phòng của khu vực sẽ tăng lên”.
Lý giải cho sự phát triển của công nghiệp quốc phòng châu Á, ông Burton cho hay: “Có nhiều yếu tố thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển khắp châu Á. Ngoài tăng trưởng kinh tế và mong muốn tự chủ về quân sự, môi trường an ninh phức tạp bởi vấn đề hạt nhân Triều Tiên và các tranh chấp trên biển cũng đóng vai trò dẫn dắt công nghiệp quốc phòng phát triển”.
Cẩm Bình (theo Business Wire)