Trong mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung, chính quyền Joe Biden đang phải đối mặt với áp lực từ một số nhà làm luật nhằm hạn chế các công ty Mỹ hoạt động trên một công nghệ chip có sẵn miễn phí được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.

Công nghệ chip RISC-V nổi lên như chiến trường mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung

Sơn Vân | 06/10/2023, 21:15

Trong mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung, chính quyền Joe Biden đang phải đối mặt với áp lực từ một số nhà làm luật nhằm hạn chế các công ty Mỹ hoạt động trên một công nghệ chip có sẵn miễn phí được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.

Đây là động thái có thể đảo ngược cách thức của ngành công nghệ toàn cầu hợp tác xuyên biên giới.

Vấn đề đang được đề cập là RISC-V, một công nghệ nguồn mở cạnh tranh với công nghệ độc quyền đắt đỏ từ hãng thiết kế phần mềm và bán dẫn Arm Holdings (Anh). RISC-V có thể được sử dụng làm thành phần chính cho mọi thứ, từ chip smartphone đến bộ xử lý tiên tiến cho trí tuệ nhân tạo (AI).

Một số nhà làm luật, gồm cả Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner, đang thúc giục chính quyền Biden hành động liên quan đến RISC-V với lý do an ninh quốc gia.

Các nhà làm luật bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc đang khai thác văn hóa hợp tác cởi mở giữa những công ty Mỹ để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình, điều này có thể làm xói mòn vị trí dẫn đầu hiện tại của Mỹ trong lĩnh vực chip và giúp Trung Quốc hiện đại hóa quân đội. Nhận xét của họ thể hiện nỗ lực lớn đầu tiên nhằm đặt ra những hạn chế với công việc của các công ty Mỹ về RISC-V.

Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung của Hạ viện, nói với Reuters rằng Bộ Thương mại cần “yêu cầu bất kỳ cá nhân hoặc công ty Mỹ nào phải nhận được giấy phép xuất khẩu trước khi hợp tác với các thực thể Trung Quốc về công nghệ RISC-V".

Những lời kêu gọi điều chỉnh RISC-V như vậy là động thái mới nhất trong cuộc chiến Mỹ - Trung về công nghệ chip leo thang vào năm ngoái với các hạn chế xuất khẩu sâu rộng mà chính quyền Biden đã thông báo với Trung Quốc rằng họ sẽ cập nhật trong tháng này.

"Trung Quốc đang lạm dụng RISC-V để vượt qua sự thống trị của Mỹ với tài sản trí tuệ cần thiết để thiết kế chip. Người Mỹ không nên ủng hộ chiến lược chuyển giao công nghệ của Trung Quốc nhằm làm suy yếu luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ", Dân biểu Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết trong một tuyên bố với Reuters.

Michael McCaul cho biết ông muốn Cục Công nghiệp và An ninh, cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ, giám sát các quy định kiểm soát xuất khẩu và sẽ tiến hành lập luật nếu điều đó không thành hiện thực.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ cho biết: “Cục này liên tục xem xét bối cảnh công nghệ và môi trường đe dọa, đồng thời liên tục đánh giá cách áp dụng tốt nhất các chính sách kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi để bảo vệ an ninh quốc gia và các công nghệ cốt lõi”.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết trong một tuyên bố với Reuters: “Trung Quốc đang phát triển kiến trúc chip nguồn mở để né tránh các lệnh trừng phạt của chúng ta và phát triển ngành công nghiệp chip riêng. Nếu chúng ta không mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn mối đe dọa này, một ngày nào đó Trung Quốc sẽ vượt qua chúng ta để trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về thiết kế chip”.

Thượng nghị sĩ Mark Warner nói với Reuters: “Tôi lo ngại rằng luật kiểm soát xuất khẩu của chúng ta không được trang bị để giải quyết thách thức của phần mềm nguồn mở, dù là trong các thiết kế bán dẫn tiên tiến như RISC-V hay trong lĩnh vực AI, và cần có một sự thay đổi mô hình mạnh mẽ”.

cong-nghe-chip-risc-v-noi-len-nhu-chien-truong-moi-trong-cuoc-doi-canh-tranh-my-trung.png
Những người sáng tạo ra RISC-V đã so sánh nó với Ethernet, USB và thậm chí cả internet - Ảnh: Reuters

RISC-V được giám sát bởi một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ nhằm điều phối nỗ lực giữa các công ty vì lợi nhuận để phát triển công nghệ.

Công nghệ RISC-V đến từ các phòng thí nghiệm tại Đại học California tại thành phố Berkeley (Mỹ) và sau đó được Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc tài trợ. Những người sáng tạo ra RISC-V đã so sánh nó với Ethernet, USB và thậm chí cả internet, những thứ được cung cấp miễn phí và thu hút sự đóng góp từ khắp nơi trên thế giới để giúp cho sự đổi mới nhanh hơn và rẻ hơn.

Công nghệ Huawei

Các lãnh đạo Huawei (Trung Quốc) đã coi RISC-V như trụ cột cho sự tiến bộ của quốc gia này trong việc phát triển chip riêng. Thế nhưng, Mỹ và các đồng minh cũng đầu tư vào công nghệ này, với gã khổng lồ chip Qualcomm hợp tác với một nhóm các công ty ô tô châu Âu về chip RISC-V và Google cho biết sẽ biến Android, hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, có khả năng hoạt động trên chip RISC-V.

Qualcomm từ chối bình luận. Vào tháng 8, các lãnh đạo Qualcomm tin rằng RISC-V sẽ tăng tốc độ đổi mới chip và chuyển đổi ngành công nghệ. Google không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Nếu chính quyền Biden quy định việc tham gia của các công ty Mỹ vào tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ theo cách mà các nhà làm luật đang tìm kiếm, động thái này có thể làm phức tạp cách các công ty Mỹ và Trung Quốc làm việc cùng nhau trên các tiêu chuẩn kỹ thuật mở. Điều này cũng có thể tạo ra rào cản cho việc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp chip, cũng như cho những nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm tạo ra những chip rẻ hơn và linh hoạt hơn.

Jack Kang, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh tại công ty khởi nghiệp SiFive (Mỹ) có sử dụng RISC-V, nói những hạn chế tiềm tàng của chính quyền Biden với các công ty Mỹ liên quan đến RISC-V sẽ là "thảm kịch to lớn".

Jack Kang nói: “Nó giống như cấm chúng ta làm việc trên internet. Đó sẽ là một sai lầm lớn về mặt công nghệ, khả năng lãnh đạo, sự đổi mới cũng như các công ty và việc làm đang được tạo ra”.

Kevin Wolf, luật sư kiểm soát xuất khẩu tại công ty luật Akin Gump, người từng phục vụ tại Bộ Thương mại dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận xét: “Việc áp dụng quy định và kiểm soát các cuộc thảo luận về công nghệ thường ít phổ biến hơn so với các sản phẩm vật lý, nhưng không phải là không thể”. Ông nói các quy định hiện hành về xuất khẩu chip có thể giúp cung cấp khuôn khổ pháp lý cho đề xuất như vậy.

Bài liên quan
Mỹ cảnh báo sắp cập nhật hạn chế xuất khẩu chip cho Trung Quốc
Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo phía Trung Quốc về kế hoạch cập nhật loạt hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) lẫn công cụ sản xuất chip cho quốc gia châu Á vào tháng này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ chip RISC-V nổi lên như chiến trường mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung