Đài Loan sẽ điều tra xem liệu 4 công ty trên đảo này giúp Huawei xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc có vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.

Đài Loan điều tra 4 công ty giúp Huawei xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc

Sơn Vân | 05/10/2023, 20:25

Đài Loan sẽ điều tra xem liệu 4 công ty trên đảo này giúp Huawei xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc có vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.

Ngoài ra, Đài Loan tăng cường giám sát Huawei - công ty đang là tâm điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ.

Wang Mei-hua (Vương Mỹ Hoa), người đứng đầu Cơ quan kinh tế Đài Loan, nói với các nhà làm luật rằng cơ quan của bà đã đồng ý tiến hành một cuộc điều tra về mối quan hệ bất thường đó.

Bà Wang Mei-hua đang đáp lại yêu cầu của Lai Jui-lung, nhà làm luật của đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền, trong phiên họp sau bài viết của Bloomberg trong tuần này xác định 4 công ty Đài Loan đang làm việc tại các nhà máy chip được Huawei hậu thuẫn ở Trung Quốc. Lai Jui-lung yêu cầu báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra trong vòng một tháng.

Hãng thông tấn địa phương Central News Agency cũng dẫn lời một quan chức Cơ quan Kinh tế Đài Loan giấu tên cho biết bộ phận đầu tư của họ sẽ xem xét liệu các công ty có tiến hành hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc trong phạm vi đơn đăng ký ban đầu được Đài Loan phê duyệt hay không.

dai-loan-dieu-tra-4-cong-ty-giup-huawei-xay-dung-cac-nha-may-san-xuat-chip-o-trung-quoc.jpg
Đài Loan sẽ xem xét liệu 4 công ty giúp Huawei xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc có vi phạm phạm vi đơn được phê duyệt hay không - Ảnh: Shutterstock

Trước đó, Bloomberg đưa tin 4 hãng công nghệ Đài Loan đang giúp Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng lưới các nhà máy sản xuất chip trên khắp miền nam Trung Quốc, một sự hợp tác bất thường có nguy cơ gây ra làn sóng bất bình với người dân và chính quyền đảo này.

Theo điều tra của Bloomberg, 4 công ty Đài Loan này gồm Cica-Huntek Chemical Technology Taiwan, một đơn vị của đại lý bán lẻ vật liệu chip Topco Scientific, một công ty con của L&K Engineering có trụ sở tại Đài Bắc và một công ty con của chuyên gia xây dựng United Integrated Services.

Các công ty Đài Loan hiện diện trong các nỗ lực của Huawei có thể gây ra phản ứng dữ dội do mối quan hệ căng thẳng giữa đảo này và Trung Quốc. Mối quan hệ rạn nứt giữa hai bên là vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan vào tháng 1.2024.

Bà Wang Mei-hua nói với các nhà làm luật rằng 4 công ty này đang hỗ trợ các dự án về nước thải và môi trường. Đây không phải là những công nghệ cốt lõi bị chính quyền Đài Loan hạn chế với Trung Quốc.

Song thật bất thường là vào thời điểm Trung Quốc đe dọa Đài Loan bằng hành động quân sự, các thành viên của ngành công nghệ quan trọng nhất đảo này lại có thể giúp Huawei để phá vỡ lệnh phong tỏa của Mỹ.

Những biện pháp trừng phạt đó đã bị đặt dấu hỏi sau khi Huawei trình làng smartphone Mate 60 Pro có chip Kirin 9000s tiên tiến được SMIC sản xuất tại Trung Quốc vào cuối tháng 8. SMIC là sản xuất chip số 1 Trung Quốc. Điều này làm dấy lên cảnh báo ở Mỹ và kêu gọi cắt đứt hoàn toàn việc cung cấp hàng hóa cho Huawei và SMIC.

Một nhóm đảng viên Cộng hòa cấp cao tại Hạ viện Mỹ hôm 14.9 đã kêu gọi chính quyền Biden trừng phạt Huawei và SMIC.

Đầu tháng 9, Dân biểu Mike Gallagher - người đứng đầu Ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ, nói Bộ Thương mại nên chấm dứt mọi hoạt động xuất khẩu công nghệ cho Huawei và SMIC.

Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nói trong phiên điều trần của Ủy ban Thương mại Thượng viện hôm 4.10 rằng các báo cáo về bước đột phá về chip của Huawei là “cực kỳ đáng lo ngại” và nhấn mạnh rằng bộ này cần nhiều cách hơn để thực thi chế độ kiểm soát xuất khẩu của mình.

Cuối tháng 8, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (có trụ sở ở Mỹ) cảnh báo Huawei đang xây dựng các cơ sở chế tạo chip bí mật trên khắp Trung Quốc để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, trang Bloomberg đưa tin.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết Huawei đã bước vào lĩnh vực sản xuất chip từ năm ngoái và đang nhận được khoản tài trợ ước tính khoảng 30 tỉ USD từ chính phủ Trung Quốc. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã mua lại ít nhất hai nhà máy hiện có và đang xây dựng ba nhà máy khác.

Bộ Thương mại Mỹ thêm Huawei vào danh sách kiểm soát xuất khẩu vào năm 2019 vì những lo ngại về an ninh. Huawei phủ nhận là một rủi ro an ninh.

Theo Bloomberg, nếu đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip dưới tên các công ty khác như Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn đề cập, Huawei có thể lách các hạn chế từ chính phủ Mỹ để gián tiếp mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ.

Huawei và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn không trả lời ngay lập tức khi được hãng tin Reuters đề nghị bình luận.

Huawei đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ tháng 5.2019, hạn chế hầu hết các nhà cung cấp vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho công ty này trừ khi được cấp giấy phép. Các quan chức Mỹ đã tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát để cắt đứt khả năng mua hoặc thiết kế chip bán dẫn cung cấp sức mạnh cho hầu hết các sản phẩm của Huawei.

Trong khi SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại hồi tháng 12.2020 vì lo ngại công ty này có thể chuyển hướng công nghệ tiên tiến sang người dùng quân sự.

Khi giới thiệu Mate 60 Pro cuối tháng 8, Huawei không đề cập bất cứ điều gì về chipset trong máy.

Sau khi tháo Mate 60 Pro, các chuyên gia của công ty nghiên cứu TechInsights nhận thấy chip máy được sản xuất bởi SMIC theo quy trình 7 nanomet. Thông tin này khiến người dùng Trung Quốc phấn khích, trong khi giới công nghệ đặt câu hỏi liệu SMIC có vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ trong quá trình chế tạo chip.

Song theo trang SCMP, Minatake Mitchell Kashio, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu điện tử Fomalhaut Techno Solutions (Nhật Bản), cho biết đã tháo rời để phân tích Mate 60 Pro và nhận thấy CPU của Kirin 9000s thực tế được sản xuất bằng quy trình 14 nanomet của SMIC. Ông cho rằng công ty Trung Quốc đã áp dụng một số kỹ thuật đặc biệt để nâng cao hiệu suất chip, đưa nó đến gần hơn với cấp độ của bộ xử lý theo quy trình 7 nanomet.

Quy trình sản xuất càng nhỏ, chip có hiệu suất càng cao vì cho phép đưa nhiều bóng bán dẫn hơn vào trong chip. Do đó, chip 7 nanomet hoạt động vượt trội và tiên tiến hơn nhiều so với 14 nanomet. Hồi tháng 9, Gina Raimondo nói chưa có bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể sản xuất chip 7 nanomet ở quy mô lớn.

Dù cho rằng Kirin 9000s không được sản xuất theo quy trình 7 nanomet, Fomalhaut Techno Solutions không đề cập chi tiết cách Huawei hay SMIC áp dụng để có thể nâng cấp được chip 14 nanomet tiến gần đến 7 nanomet. Ông Minatake Mitchell Kashio cho hay còn nhiều bí mật đằng sau Kirin 9000s.

Kirin 9000s là chip ARM đầu tiên có 8 nhân hỗ trợ siêu phân luồng. Chip gồm có một nhân chính tốc độ 2,62 GHz, ba nhân trung bình tốc độ 2,14 GHz và bốn nhân tiết kiệm điện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan điều tra 4 công ty giúp Huawei xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc