Việc yêu cầu công khai toàn bộ báo cáo tài chính nhà nước là một bước đi nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế, thông qua việc rà soát các khoản chi và đầu tư kém hiệu quả trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Nhưng nó chỉ có ý nghĩa nếu như công khai báo cáo tài chính được thực hiện một cách minh bạch và rõ ràng.

Công khai báo cáo tài chính nhà nước - một thách thức

28/09/2016, 13:25

Việc yêu cầu công khai toàn bộ báo cáo tài chính nhà nước là một bước đi nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế, thông qua việc rà soát các khoản chi và đầu tư kém hiệu quả trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Nhưng nó chỉ có ý nghĩa nếu như công khai báo cáo tài chính được thực hiện một cách minh bạch và rõ ràng.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong nỗ lực minh bạch của chính phủ thời gian qua là việc tiến hành công khai báo cáo tài chính nhà nước, theo đó Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn việc thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách.

Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên báo cáo tài chính nhà nước được công khai chi tiết trước người dân và xã hội, là một bước tiến trong việc tăng cường quản lý và điều hành nền kinh tế một cách hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó chỉ có ý nghĩa trong trường hợp toàn bộ các vấn đề quan trọng trong báo cáo tài chính nhà nước đều sẽ được công khai và minh bạch trước người dân và xã hội.

Có thể nói, dù mới chỉ dừng lại ở mức dự thảo thông tư được đưa ra lấy ý kiến, nhưng câu chuyện công khai minh bạch báo cáo tài chính nhà nước đang vấp phải không ít những vấn đề rất phức tạp và có vẻ như không dễ giải quyết chút nào. Về mặt ý hướng, cơ quan soạn thảo thông tư là Bộ Tài chính mong muốn các cơ quan quản lý chọn phương án công khai toàn bộ báo cáo ngân sách nhà nước (chỉ trừ các thông tin mật không được phép công bố như lĩnh vực quốc phòng, an ninh và dự trữ quốc gia), nhưng dự thảo lại để ngỏ khả năng chỉ công khai một số thông tin cơ bản mà thôi.

Cụ thể, trong số 4 nội dung quan trọng hàng đầu cần công khai (bao gồm: 1. Số liệu dự toán ngân sách nhà nước mà Chính phủ trình Quốc hội; 2. Dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương được Quốc hội quyết định; 3. Số liệu về tình hình thực hiện dự toán đã được báo cáo Chính phủ; 4. Số liệu quyết toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn) thì đã có tới 3 nội dung được ban soạn thảo đề xuất 2 phương án thực hiện. Theo đó, phương án thứ nhất công khai toàn bộ báo cáo tài chính nhà nước (trừ các thông tin mật về quốc phòng, an ninh), và phương án thứ 2 là chỉ công khai một số thông tin cơ bản về quyết toán ngân sách nhà nước mà thôi. Những thông tin cơ bản này bao gồm: kết quả thu chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách trung ương và địa phương, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia…

Có thể thấy, có sự khác biệt rất lớn giữa 2 phương án được đề xuất này. Phương án thứ 2 chỉ công khai một số thông tin cơ bản gần như không có nghĩa lý và tác dụng gì, khi hầu hết các thông tin cơ bản nằm trong danh sách trên thực tế đều đã được công khai phần lớn trong những năm gần đây. Nếu dự thảo thông tư được thông qua theo phương án này thì báo cáo minh bạch tài chính nhà nước mới này cũng vô nghĩa.

Điều xã hội và người dân quan tâm trong vấn đề minh bạch hóa báo cáo tài chính nhà nước lần này chính là các số liệu quan trọng nhất vẫn chưa được công khai trong những năm qua (điển hình là báo cáo ngân sách địa phương), chứ không phải một sự lặp lại các thông tin từ lâu đã nằm trong diện công khai. Bằng việc đưa ra 2 phương án, ban soạn thảo của Bộ Tài chính có thể tạo ra kịch bản “vẽ đường cho hươu chạy”, trong đó khả năng phương án thứ 2 bị tác động để được thông qua là không hề nhỏ, và Việt Nam sẽ lại phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể thực sự tiến hành công khai và minh bạch toàn bộ báo cáo tài chính nhà nước.

Ngoài ra, kể cả khi dự thảo thông tư lần này được thông qua theo phương án thứ nhất, tức sẽ yêu cầu công khai toàn bộ những mục quan trọng nhất trong báo cáo tài chính nhà nước, thì cũng chưa chắc đã đồng nghĩa với việc nó có thể dễ dàng tiến hành trong thực tế. Lý do cơ bản là dự thảo thông tư được Bộ Tài chính soạn thảo lần này thiếu các chế tài xử lý cần thiết đối với những trường hợp vi phạm. Cụ thể, các điều khoản về trách nhiệm thi hành và xử lý vi phạm trong dự thảo được đánh giá là quá sơ sài, trong đó vai trò và trách nhiệm của Chính phủ vốn là cấp cuối cùng có vai trò xử lý các vi phạm đã không được đề cập. Nói cách khác, nếu một bộ, ban ngành hoặc địa phương nào đó từ chối việc thực hiện thông tư trên về công khai minh bạch tài chính và ngân sách, thì họ cũng sẽ chẳng phải chịu trách nhiệm gì cả, vì không có chế tài xử lý cũng như cơ quan có trách nhiệm xử lý đã không được quy định một cách rõ ràng.

Đó mới là điều đáng lo ngại nhất, khi thực tế đã chỉ ra rằng có không ít trường hợp các bộ, ban ngành và địa phương phớt lờ các quy định của chính phủ về công bố các thông tin liên quan. Trường hợp điển hình nhất là Nghị định 81/2015 được chính phủ ban hành vào tháng 9.2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nghị định này quy định rất rõ về trách nhiệm và chế tài xử lý nếu có vi phạm với các đối tượng gồm cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, DNNN, … Nhưng kết quả thu được từ nghị định này không thực sự khả quan.

Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7.2016, mới chỉ có 7/22 bộ ngành, 14/63 địa phương và 16/30 tập đoàn và tổng công ty nhà nước thực hiện công bố thông tin theo yêu cầu của nghị định 81 mà thôi. Trong số các cơ quan đơn vị và địa phương chưa thực hiện công bố thông tin còn lại, chưa có một trường hợp nào bị xử lý do sự vi phạm của mình cả, dù nghị định 81 đã quy định rất rõ người quản lý DNNN vi phạm sẽ bị hạ bậc lương, buộc thôi việc hoặc xử lý hình sự (theo The Saigon Times). Một nghị định quy định rõ ràng chế tài xử phạt một cách chặt chẽ như nghị định 81 mà còn bị ngang nhiên phớt lờ, thì khó có thể hy vọng thông tư yêu cầu công khai minh bạch báo cáo tài chính nhà nước của Bộ Tài chính có thể được các bộ ngành địa phương tuân thủ một cách nghiêm túc.

Có thể hiểu, việc yêu cầu công khai toàn bộ báo cáo tài chính nhà nước là một bước đi nhằm thúc đẩy cải cách nền kinh tế, thông qua việc rà soát các khoản chi và đầu tư kém hiệu quả trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa nếu như công khai báo cáo tài chính được thực hiện một cách minh bạch và đầy đủ. Còn thiếu đi chế tài xử lý vi phạm, khiến cho việc công khai báo cáo tài chính nhà nước không được thực hiện nghiêm túc, thì mọi việc chẳng có nghĩa lý gì cả.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công khai báo cáo tài chính nhà nước - một thách thức