Nhiều người trong chúng ta thường nhìn thành phố mình đang sống qua những biểu tượng đánh dấu sự phát triển. Ta lấy làm tự hào khi một góc phố khang trang hơn, khi một công viên vừa khánh thành hay một tượng đài được xây cất. Chúng ta muốn du khách khi ghé qua thành phố mình thì phải trầm trồ, khi rời đi phải ngưỡng mộ. Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta đã thử nhìn thành phố mình qua những phận người đang ngụp lặn mưu sinh?

Cổng chào bạc tỉ và những phận người

09/07/2020, 15:29

Nhiều người trong chúng ta thường nhìn thành phố mình đang sống qua những biểu tượng đánh dấu sự phát triển. Ta lấy làm tự hào khi một góc phố khang trang hơn, khi một công viên vừa khánh thành hay một tượng đài được xây cất. Chúng ta muốn du khách khi ghé qua thành phố mình thì phải trầm trồ, khi rời đi phải ngưỡng mộ. Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta đã thử nhìn thành phố mình qua những phận người đang ngụp lặn mưu sinh?

Bà Huê cứ liên tục đòi chết, vì sống khổ quá - Ảnh: Tào Nghi

Tôi có thói quen đi lang thang quanh thành phố những lúc đêm muộn, để tận hưởng chút thinh lặng của một thành phố đang say giấc, và để gặp những phận người lầm lũi trong đêm. Lần đó, tôi gặp bà Đặng Thị Huê. Bà nói với tôi bà muốn chết đi cho rồi, chết rồi cho đốt xác bà với đốt bộ đồ cũ bà đang mặc thả trôi sông. Hỏi sao đang sống mà bà muốn chết. Bà nói khổ quá rồi, sống không nổi nữa. Bà năm nay đã 80 tuổi mà sống một thân một mình không con cháu không người thân thích, bữa nào cũng đi bộ gần như sáng đêm, lục tìm trong mấy đống rác lượm từng cái bọc ni lon, từng cái nắp chai bia để bán kiếm tiền mua gạo ăn.

Chân bà bị đau khớp, mắt bà mờ đục rồi, lỗ tai bà bị lãng không nghe rõ, bà cứ đi nhòa lẫn vào bóng đêm như thế, mấy chục năm nay. Bà lụm được ít lắm, đủ tiền mua gạo ăn thôi, còn đồ ăn thì khi có khi không, bà thường kho quẹt nước mắm ăn. Mấy năm trước, ông cha nhà thờ thương cảnh bà khổ sở, cất cho bà cái nhà nhỏ trong con hẻm ở P.Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) để bà có chỗ chui ra chui vào, còn của cải thì tuyệt nhiên không có gì cả.

Hỏi bà: “Từ chiều tới giờ ăn gì chưa, con mua mì cho bà ăn nghen?”. Bà nói đói bụng lắm, chưa ăn gì, nhưng đừng mua mì, một phần tới mấy chục ngàn mắc lắm, bà không dám ăn đâu. Bà móc túi ra, có 1 tờ tiền mệnh giá 2.000 đồng và 1 tờ mệnh giá 1.000 đồng được quấn lại, buộc dây thun màu vàng, rồi để vô bọc ni lon vì sợ lỡ mắc mưa thì tiền ướt.

Mấy ngàn đồng lẻ được bà Huê gói cẩn thận - Ảnh: Tào Nghi

Dưới ánh sáng của ngọn đèn đường, tôi kịp nhìn 2 bàn tay bà với những ngón tay bị nứt nẻ, thâm đen. Bà lấy tay chùi vào áo cho sạch mấy vết bùn. Bà nhận phần mì xào tôi mua tặng, cám ơn rối rít, mừng như đứa học trò lần đầu được phần thưởng của cô giáo. Rồi bà lại lầm lũi đi, chốc chốc lại sà vào một đống rác ven đường, móc móc đống rác tìm những thứ bà có thể lượm đem bán. Bà nhắc đi nhắc lại, bà muốn chết đi cho rồi, sống khổ quá sống không nổi.

Ông Lịch thì lạc quan hơn bà Huê. Tôi bắt gặp ông khi ông đang cắm cúi bới rác tìm lụm mấy cái ly nhựa ở gần trụ sở UBND P.Mỹ Long (TP.Long Xuyên). Ông giới thiệu tên là Nguyễn Thanh Lịch, sinh năm 1972. Tôi nói đùa rằng tên ông đẹp quá, người cũng đẹp nữa, lẽ ra đi làm người mẫu chớ đâu phải đi lụm ve chai như vầy. Ông cười ha hả, nói má ông sinh ông ra lúc 10 giờ đêm, nên cuộc đời ông cũng tối hù, bây giờ đêm nào ông cũng đi lượm ve chai, bán kiếm tiền sống qua ngày. Ông có chiếc xe đạp cũ, chạy vòng vòng thành phố, lục tìm trong các thùng rác, các đống rác những thứ có thể bán được.

Người đàn ông 48 tuổi ấy, bất kể mưa nắng, ngày cũng như đêm cọc cạch đạp xe khắp ngõ ngách của thành phố để sinh tồn bằng một công việc nhọc nhằn. Ông rất hay cười, cứ như cái khổ nó đã vượt quá ngưỡng rồi, không khổ hơn được nữa, nên phải cười thôi. Ông nói người đi bới rác lụm ve chai như ông ở cái thành phố này nhiều lắm, đếm không xuể đâu.

Ông Lịch đang lượm những ly nhựa để bán ve chai - Ảnh: Tào Nghi

Có người đi bộ, có người đi xe đạp như ông, có người đẩy xe. Ai cũng khổ, ai cũng moi rác ra kiếm sống thôi. Ông nói vậy. Rồi cười. Rồi leo lên chiếc xe đạp cũ kỹ, phía trước treo 2 cái bịch ni long to tướng. Đó là thành quả của ông từ chiều đến khuya. Ông chào tôi và đạp xe đi. Dáng ông nhỏ thó, chạy một đoạn tôi nhìn theo, không thấy rõ thân người ông, chỉ thấy 2 bịch ni lon to tướng lắc lư rồi dần dần chìm vào đêm.

Bà Nguyễn Thị Ngộ ở P.Mỹ Phước năm nay đã 75 tuổi, cũng khổ lắm, nhưng bà không cười nổi như ông Lịch, cũng không dám đòi chết như bà Huê. Bà Ngộ phải sống, sống để đi bán vé số nuôi đứa cháu nội mới 3 tuổi. Con trai bà chết ba năm trước rồi. Con dâu của bà thì vừa sanh con xong, xuất viện về là lấy cắp chiếc xe của bà rồi bỏ đi mất biệt. Bà phải nuôi cháu từ lúc nó đỏ hỏn tới giờ. Bà đặt tên cháu là Trần Ngọc Minh.

Ngọc Minh nghĩa là “viên ngọc sáng”. Bà thương bà quý nó như vàng như ngọc. Bởi thế bà lặn lội đi bán vé số nuôi cháu. Bà mong cầu trời phật cho bà được mạnh khỏe sống lâu một chút, để bà lo cho nó đến lúc nó trưởng thành. Chớ ba nó chết rồi, mẹ nó cũng bỏ nó đi rồi, bà có mệnh hệ gì chắc nó không sống nổi. Bà nói đến đây thì mắt bà đỏ hoe. Nhưng bà không khóc. Cũng có khi ở cái tuổi của bà, khi phải chứng kiến quá nhiều bi kịch, nước mắt bà đã cạn rồi.

Tôi mua cho bà vài tờ vé số. Tôi không hy vọng sẽ đổi đời từ những tờ vé số của bà. Tôi chỉ mong vài đồng bạc lẻ bà thu được sẽ giúp cháu bà có thêm bình sữa để uống. Tôi muốn bà được về nhà sớm hơn để chơi với cháu bà.

Tôi nghĩ, nếu ai chịu quan sát, thì dạo một vòng quanh TP.Long Xuyên, chúng ta không khó để bắt gặp những mảnh đời như bà Huê, ông Lịch hay bà Ngộ. Có người may mắn được căn nhà tình thương để tá túc, có người ở trọ, thậm chí có người phải sống dưới một chiếc ghe nhỏ đậu ven sông. Họ mưu sinh bằng cách bới rác lụm ve chai bán, hay đi bán vé số, đi ăn xin, đi hát rong... Có người lây lất sống vì con cháu với hi vọng đời nó không còn khổ như mình. Có người sống mà như không sống, muốn chết nhanh cho qua một kiếp đời khổ sở.

Cổng chào Long Xuyên trị giá 6,8 tỉ đồng - Ảnh: Tô Văn

Những cảnh ngộ này khiến ta chạnh lòng. Ta bỗng nhận ra, giá như thành phố đừng quá chú trọng việc xây những biểu tượng bạc tỉ, mà thay vào đó là quan tâm đầu tư vào các công trình dân sinh, chăm lo phúc lợi cho những người nghèo khó, biết đâu sẽ ý nghĩa hơn. Bởi lẽ, những biểu tượng bạc tỉ có thể thể đẹp, có thể giàu ý tưởng sáng tạo, có thể hiện đại... nhưng nó không có nhiều ý nghĩa với những người dân cùng khổ.

Nếu chúng ta chỉ lo đầu tư ngân sách để làm đẹp mà để thành phố còn quá nhiều mảnh đời cơ cực, thì đó liệu có phải là cách làm nhân văn? Tôi hình dung, mỗi thành phố giống như một đại gia đình. Nếu trong đại gia đình ấy còn những đứa con nghèo khổ, đói khát mà cha mẹ chúng không chịu lo cái ăn cái mặc cho chúng. Cha mẹ chỉ lo trang điểm cho đẹp, lo xây cổng nhà cho khang trang, thì có lẽ những người cha người mẹ ấy không biết thương con.

Tào Nghi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổng chào bạc tỉ và những phận người