Tranh luận về việc cần sự tham gia của công an, thanh tra, kiểm toán, vào quá trình xây dựng và triển khai dự án, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng nếu mỗi dự án lại đưa các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước.
Công an, thanh tra, kiểm toán tham gia quá trình triển khai dự án?
Thảo luận tại Quốc hội ngày 10.6, đại biểu Lê Hoài Trung bày tỏ nhất trí với chủ trương đầu tư đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM.
Theo đại biểu, hai dự án còn gắn với những đột phá về cơ sở hạ tầng để thực hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2025, 2030 và là những khu vực có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về hiệu quả, vi phạm…
Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, đại biểu kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn. Ví dụ, có thể thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật, các địa phương và các nơi khi có vấn đề giống như những cái nhóm lưu động.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần có một khoá đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương, kể cả các cơ quan, các nhà đầu tư. Từ đó giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết và giúp thúc đẩy. Mặt khác, đại biểu cho rằng nên có cơ chế giám sát, kiểm tra để giúp giảm bớt các sai sót. Đồng thời nên quan tâm đến lợi ích thích đáng của các nhà đầu tư.
Tranh luận với đại biểu Lê Hoài Trung về việc cần có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, thanh tra, kiểm toán, vào quá trình xây dựng và triển khai dự án, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Nhà nước được tổ chức trên nguyên tắc có phân công kiểm soát quyền lực trên cơ sở phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại cơ quan.
Theo ông Vân, việc tổ chức xây dựng các dự án đó là cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có phân ra các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đó là thanh tra, điều tra. Nếu như mỗi lần làm dự án lại đưa cả các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước và chúng ta sẽ không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư, theo đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường là 17m và 19,75m, sẽ không có làn xe dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp. Đại biểu cho rằng, điều này khó đảm bảo an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, làm giảm hiệu quả đầu tư. Do đó, đề nghị cân nhắc vấn đề này.
Đại biểu Trần Văn Tiến cơ bản đồng tình với việc phân kỳ đầu tư giai đoạn một của cả hai dự án, song đại biểu đề nghị làm rõ tại sao cùng là quy mô 4 làn xe cao tốc, hạn chế nhưng mặt cắt ngang giữa hai tuyến đường vành đai lại rất khác nhau.
Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc thêm, đối với những đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực có lưu lượng giao thông lớn nên đầu tư giai đoạn một với quy mô 4 làn xe có B=24,75m nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
Chưa làm làn dừng khẩn cấp
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu quốc hội, trong đó tập trung về giải phóng mặt bằng, quy mô, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc tăng công suất là khai thác các vật liệu thi công…
Bộ trưởng cho biết thêm mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó phải đảm bảo được ký kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; phải nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển.
Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế. Theo đó, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích.
Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, lần này cần phải tập trung để đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp để bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức không, không làm xáo trộn vào sự ổn định và đối với người dân. Đồng thời lưu ý chính sách đền bù ở vùng giáp ranh thì cần phải có một hướng dẫn để đảm bảo không có khiếu kiện; quản lý chặt chẽ để mà không có sự tái lấn chiếm như các đại biểu Quốc hội đã nêu.
Về quy mô dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ, đối với Vành đai 4 vùng Thủ đô quy mô quy hoạch là 6 làn xe và Vành đai 3 TP.HCM quy mô 8 làn xe. Thiết kế như vậy là căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của của giai đoạn 1.
Về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng làm rõ, nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Do đó, trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng đã tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành, đồng thời sẽ tăng cường điều hành giao thông minh để đảm bảo được hiệu quả và an toàn giao thông.
Về hình thức đầu tư, ông Dũng cho biết chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng.
Vành đai 4 vùng Thủ đô đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Vành đai 3 TP.HCM mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó. Do đó đã chuyển sang đầu tư công…