Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT có tới 35% thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH, điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành giáo dục.

Con số 35% học sinh không xét tuyển ĐH là tín hiệu tích cực

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 22/08/2022, 08:26

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT có tới 35% thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH, điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành giáo dục.

35% thí sinh không đăng ký xét tuyển: Nên mừng hay lo?

Với gần 35% thí sinh không đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH là một con số đáng chú ý của ngành giáo dục. Năm 2022 là năm có nhiều sự thay đổi về phương thức tuyển sinh. Nhìn chung các trường ĐH đều xét tuyển với 2 mục đích chính: tuyển được người học có chất lượng đầu vào tốt và tuyển đủ chỉ tiêu năm học của trường. Mỗi trường sẽ quyết định chọn 1 trong 2 yếu tố để đặt lên cao hơn khi thực hiện kế hoạch tuyển sinh. Nếu đặt chất lượng tuyển sinh lên hàng đầu, nhà trường sẽ chọn phương thức xét tuyển có độ tin cậy cao. Còn ngược lại nếu trường nào đặt nặng việc tuyển cho đủ chỉ tiêu sẽ lựa chọn phương thức tuyển sinh dễ dàng hơn như căn cứ học bạ, căn cứ điểm số thi THPT 2022...

Năm 2021, nếu thí sinh đăng ký phương thức xét tuyển sớm của trường (xét tuyển học bạ THPT, đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế, ưu tiên xét tuyển...), thì chỉ cần đậu tốt nghiệp trung học phổ thông là đã có kết quả trúng tuyển đại học, chỉ cần đợi đến ngày đi nhập học. Nhưng năm nay thì cho dù đủ điều kiện trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn phải làm thêm 1 bước nữa là đăng ký trực tuyến lên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và chọn ngành học, phương thức đã trúng tuyển xếp ở nguyện vọng 1. Nếu không đăng ký lên Cổng thông tin hoặc đăng ký nhưng chưa thành công do một lỗi nào đó thì kết quả sẽ là không trúng tuyển, ngỡ là đỗ nhưng cuối cùng lại rớt. Các thí sinh tự do phải đăng ký để được cấp tài khoản rồi sau đó mới được đăng ký nguyện vọng lên hệ thống chung. Chính vì thế tới ngày 20.8 là hạn cuối cùng đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 mà vẫn có tới gần 35% thí sinh không đăng ký xét tuyển nguyện vọng.

thi-tot-nghiep-5.jpg

Chia sẻ với báo chí về con số hơn 1/3 số thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển - thầy giáo, chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc (Hệ thống giáo dục Hocmai) thì cho rằng con số này là điều đáng mừng cho ngành giáo dục. Bởi việc học thì có nhiều con đường, không nhất thiết phải học ĐH và hiện nay với việc tăng học phí từ các trường, cái giá cho con đường học ĐH cũng khá đắt đỏ nên gia đình hay chính các học sinh cũng cần phải tính toán để lựa chọn. Việc không đăng ký xét tuyển ĐH chính là thực trạng phản ánh các em học sinh đã có định hướng rõ ràng hơn cho hướng đi của mình trong công việc, định hướng tương lai để tiết kiệm thời gian, kinh tế cho cả gia đình lẫn xã hội. Và con số gần 35% thí sinh từ chối xét tuyển cũng có thể là tình trạng ảo trong xét tuyển và con số đó cũng chứng minh cho quan điểm học ĐH không phải là con đường duy nhất của các bạn trẻ sau khi hoàn thành bậc THPT.

Còn với GD Phạm Tất Dong - Hội khuyến học Việt Nam thì cho rằng đây là tín hiệu tích cực khi nhiều bạn trẻ đã có những định hướng cho tương lai của chính mình. Thực trạng hiện nay trong xã hội là nhu cầu cần thợ lành nghề rất nhiều, do đó việc học ĐH không phải là con đường duy nhất để các bạn trẻ có thể lập nghiệp. Và các em có nhiều lựa chọn khi đi theo học các trường nghề, trường trung cấp cũng là điều tốt. Điều này không chỉ phù hợp với lực học của bản thân mà còn phù hợp với nhu cầu của xã hội, tránh gây lãng phí khi đào tạo ồ ạt cử nhân mà số lượng thất nghiệp cũng nhan nhản như thời gian qua.

Mặc dù mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022 chưa kết thúc nhưng chắc chắn năm tới sẽ có một số điều chỉnh mà Bộ GD-ĐT đã công bố trong Quy chế tuyển sinh ĐH ban hành năm 2022.

Các trường CĐ nghề giữ nguyên học phí để thí sinh chuyển sang học nghề

Trong những năm qua chúng ta phải đối diện với việc thừa thầy thiếu thợ ở các lĩnh vực, đặc biệt ở ngành kỹ thuật. Việc gần 35% thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH là sự thay đổi về nhận thức kinh tế xã hội, về giá trị tấm bằng đại học, về năng lực bản thân của phụ huynh, học sinh đã đúng đắn, thực tế hơn.

Rất nhiều thí sinh đã chọn học cao đẳng, trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp, con số này những năm trước chỉ khoảng từ 10% - 15% tương đương khoảng 90.000 - 100.000 thí sinh thì năm nay tình hình sẽ khả quan hơn. Đặc biệt năm học 2022 học phí các trường CĐ nghề vẫn giữ nguyên và thực hiện miễn học phí cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 điều 62 Luật giáo dục nghề nghiệp, công khai học phí theo quy định. Ví dụ như người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.... Việc giữ nguyên mức học phí chính là giảm bớt gánh nặng tài chính với chính phụ huynh, học sinh, đồng thời cũng là điểm mấu chốt để các thí sinh đăng ký thay vì học ĐH sẽ chuyển sang học nghề để sớm tiếp xúc với công việc, phụ giúp gia đình khi mà học phí các trường ĐH sẽ tăng vọt trong những năm tới. Các giải pháp tuyển sinh của các trường CĐ nghề cũng hết sức đa dạng để giữ chân người học, thu hút người mới cùng hàng loạt những chính sách hỗ trợ cho thí sinh.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây có rất nhiều sinh viên trúng tuyển vào các trường ĐH nhưng không xác nhận nhập học mà quay sang học nghề. Có sinh viên học được 1-2 học kỳ sau đó bỏ dở để quay sang học nghề hoặc có sinh viên đã có bằng ĐH nhưng lại muốn học thêm bằng nghề để bổ sung kỹ năng, tạo thuận lợi khi đi xin việc làm.

Có thể thấy thí sinh quay trở lại học nghề chủ yếu do việc xác định ngành nghề lúc đầu chưa chính xác, trong khi học nghề, các em sớm có thể kiếm được một khoản kinh phí vì ngay sau năm thứ nhất, nhiều em đã có thể làm được một số phần việc và được doanh nghiệp trả lương, điều này tạo ra sự hấp dẫn khiến một số em muốn quay trở lại học nghề dù có suất học ĐH. "Những năm qua, thí sinh thường xuyên được nghe tư vấn từ nhiều chuyên gia hướng nghiệp rằng học cao đẳng, trung cấp xong là có việc làm ổn định, nên đã tác động đến các em trong kỳ tuyển sinh năm nay. Nếu có tới gần 35% thí sinh không xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH thì đây là tín hiệu đáng mừng chứ không đáng lo" - một chuyên gia giáo dục chia sẻ quan điểm.

Thí sinh chưa đăng ký xét tuyển cần thông tin về Bộ GD-ĐT

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tới các thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2022, nếu có bất kỳ thí sinh nào vì lý do ngoài mong muốn mà chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, các em thông tin ngay về Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo qua địa chỉ email: [email protected] trong vòng 3 ngày, từ 21.8 - 23.8.  

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con số 35% học sinh không xét tuyển ĐH là tín hiệu tích cực