Theo các nhà nghiên cứu, không phải chuyển sang ăn thịt mà việc biết dùng lửa chế biến thức ăn mới là động lực tiến hóa của con người.

Con người từ bỏ ăn thịt và chuyển sang ăn chay có trái với quy luật tiến hóa không?

Anh Tú | 10/11/2023, 19:30

Theo các nhà nghiên cứu, không phải chuyển sang ăn thịt mà việc biết dùng lửa chế biến thức ăn mới là động lực tiến hóa của con người.

Trong một nghiên cứu năm 2022, một nhóm nghiên cứu do 2 nhà cổ nhân loại học W. Andrew Barr từ Đại học George Washington và Briana Pobiner từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Smithsonian dẫn đầu, đã thực hiện một cái nhìn có hệ thống khác về bằng chứng khảo cổ học có mục đích thẩm định lý thuyết "thịt làm nên con người chúng ta".

Các nhà khoa học đã tổng hợp dữ liệu từ 59 địa điểm thuộc 9 khu vực nghiên cứu lớn ở Đông Phi, có độ tuổi từ 2,6 đến 1,2 triệu năm tuổi. Sau đó, nhóm nghiên cứu đưa tất cả các phát hiện xương trước đó vào sắp xếp theo trình tự thời gian. Các nhà nghiên cứu công bố trên tạp chí PNAS rằng bằng chứng khảo cổ học về việc tiêu thụ thịt tăng mạnh khi xem xét các mẫu vật có liên quan đến sự xuất hiện của loài Homo erectus (người đứng thẳng).

Tuy nhiên, họ nhận thấy xu hướng này phản ánh sự nghiên cứu bị tập trung vào thời kỳ phát triển tiến hóa đó, hay nói cách khác là có nhiều dữ liệu được thu thập hơn từ các địa điểm có liên quan đến người đứng thẳng thời kỳ sơ khai. Kết quả là bối cảnh tổng quát bị bóp méo, trong đó mối liên hệ giữa việc ăn thịt và sự tiến hóa của loài người bị nhấn mạnh một cách sai lầm. Barr khẳng định: “Nghiên cứu của chúng tôi làm suy yếu ý tưởng cho rằng việc ăn nhiều thịt đã dẫn đến những bước ngoặt tiến hóa ở tổ tiên xa xưa của chúng ta”.

Nhà linh trưởng học Richard Wrangham từ Đại học Harvard thậm chí còn đi xa hơn. Ông lập luận rằng cuộc cách mạng lớn nhất về dinh dưỡng của con người xảy ra không phải khi chúng ta bắt đầu ăn thịt mà là khi tổ tiên xa xưa biết cách dùng lửa nấu ăn. Ông nói, bằng cách giã nhỏ và hâm nóng, thức ăn sẽ được "tiêu hóa trước" để cơ thể chúng ta tiêu tốn ít năng lượng hơn khi tiêu hóa chúng. Do đó, thực phẩm nấu chín sẽ cho phép con người hấp thụ nhiều năng lượng hơn thực phẩm sống và cuối cùng cung cấp nhiều năng lượng hơn cho bộ não trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Wrangham đã thử nghiệm giả thuyết này bằng cách cung cấp thức ăn sống và chín cho chuột. Kết quả những con chuột được nuôi bằng thức ăn nấu chín tăng trọng lượng nhiều hơn từ 15% đến 40% so với những con chuột chỉ được nuôi bằng thức ăn sống. Tuy nhiên, rất khó để chứng minh một cách chi tiết liệu thực phẩm nấu chín có đúng là động lực chính thúc đẩy quá trình tiến hóa của loài người hay không. Bếp lửa là bằng chứng để xác định khi nào con người bắt đầu nấu ăn nhưng chúng lại dễ bị mất dấu vết theo thời gian hơn so với các công cụ bằng đá và xương. Do đó, rất khó theo dõi và xác định niên đại của bếp thời nguyên thủy. Có thể con người đã bắt đầu nấu thức ăn theo kiểu làm mềm bằng lửa sớm hơn nhiều so với chúng ta nghĩ.

Mặt trái trong giả thuyết của Wrangham là giờ đây chúng ta đã chế biến thực phẩm rất giỏi đến mức tạo ra vấn đề lần đầu tiên loài người gặp phải trong quá trình tiến hóa: hấp thụ nhiều calo hơn mức có thể đốt cháy trong một ngày. Hans Hauner, giáo sư y học dinh dưỡng tại Đại học Kỹ nghệ Munich, cho biết: “Sau hàng thiên niên kỷ khan hiếm lương thực, chúng ta đã sống trong tình trạng dư thừa trong gần 70 năm. Cơ thể chúng ta không thể chịu đựng được điều đó”.

Hauner phân tích: "Ngày nay, chúng ta thấy rằng việc tiêu thụ nhiều thịt làm giảm tuổi thọ của nhiều người và có thể góp phần gây ra nhiều bệnh như tiểu đường, ung thư và bệnh tim mạch. Do đó, sẽ tốt cho chúng ta nếu giảm việc tiêu thụ thịt”.

Trong suốt lịch sử loài người, thịt không bao giờ thay thế các thành phần dinh dưỡng khác mà nó chỉ bổ sung. Nó hơi giống việc trang bị cho thành phố một hệ thống tàu điện ngầm: hệ thống đó không thay thế bất cứ loại hình giao thông nào trên mặt đất mà nó chỉ làm tăng hiệu quả đi lại mà thôi.

Hauner giải thích: “Trong quá trình tiến hóa, con người luôn tiêu thụ những gì có sẵn. Vì vậy, không phải việc 'ăn thịt làm nên con người chúng ta' mà chính là khả năng thích ứng trao đổi chất của chúng ta. Con người, không giống như nhiều loài động vật khác, có thể lấy thức ăn từ các nguồn khác nhau trong môi trường để hấp thụ thành năng lượng duy trì sự sống. Cơ bắp của chúng ta có thể đốt cháy carbohydrate nhưng cũng chuyển hóa axit béo. Theo cách tương tự, bộ não cũng có thể thích ứng khi chúng ta chuyển từ chế độ ăn nhiều đường sang chế độ ăn ketogenic”.

Nhà nghiên cứu Lutz Kindler thuộc Trung tâm Khảo cổ học Leibniz đồng ý với quan điểm này từ góc độ cổ nhân học. Kindler nói: “Động vật khác với thực vật ở chỗ không phụ thuộc vào mùa và có mặt ngay cả ở những vùng khắc nghiệt nhất trên Trái đất này. Vì vậy, khi con người bắt đầu di chuyển từ châu Phi lên phía bắc, tổ tiên chúng ta có rất nhiều lợi thế trong việc tiếp cận các nguồn thực phẩm bổ sung phi thực vật. Ngoài ra còn có các khía cạnh xã hội của việc săn bắn và ăn thịt. Mọi người phải biết cách tổ chức để có thể săn những động vật lớn và xẻ thịt chúng bất chấp loài người có thể chất kém hơn dã thú lớn. Có lẽ điều đó là động lực thúc đẩy tiến hóa”.

Từ đó, Kindler cho rằng: “Việc tìm cách khai thác thịt có ảnh hưởng đến sự tiến hóa hành vi của chúng ta hơn bất kỳ điều gì khác, kể cả ăn thịt. Hơn nữa, thịt không nhất thiết liên quan đến mặt dinh dưỡng. Riêng protein thì không có giá trị trong việc tạo ra năng lượng đốt cháy cao”.

Câu hỏi đặt ra là liệu ngày nay chúng ta có còn cần protein động vật và vi chất dinh dưỡng có trong thịt hay không. Chuyên gia dinh dưỡng Hauner đã chỉ ra: "Ngày nay có những vận động viên thể thao ở trình độ đỉnh cao vẫn thực hiện chế độ ăn chay hoặc thuần chay. Vì vậy, bạn cũng có thể cung cấp tối ưu cho cơ bắp và não của mình bằng protein thực vật".

Trong khi các nghiên cứu trên toàn thế giới đã cho thấy giá trị của một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh với một lượng thịt, sữa và các sản phẩm động vật khác, thì Hauner cho rằng: "Nếu ăn thuần chay thì vẫn có rất nhiều cách để thay thế những chất còn thiếu".

Trong khi đó, nhà cổ nhân loại học Kindler tin rằng mùi vị và nguồn thực phẩm chúng ta ăn theo hằng ngày là do thói quen truyền lại và là một vấn đề xã hội hơn là vấn đề di truyền trong tiến hóa hay vấn đề bản năng. Vì vậy, nếu mọi người quay trở lại chế độ ăn kiêng của tổ tiên xa xưa nhiều hơn, ăn nhiều trái cây, rau quả hơn và ăn ít thịt hơn, thì đó sẽ là tin tốt cho sức khỏe của chính họ cũng như cho hành tinh của chúng ta. Xét cho cùng, thói quen phàm ăn các loại thịt đến mức vô độ của con người ngày nay sẽ dẫn đến điều ai cũng sợ: thảm họa sinh thái.

Bài liên quan
Con người có nhất thiết phải ăn nhiều thịt để đứng đầu muôn loài?
Các nhà cổ nhân chủng học cho biết việc ăn thịt không hẳn giúp loài người tiến hóa từ loài vượn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con người từ bỏ ăn thịt và chuyển sang ăn chay có trái với quy luật tiến hóa không?