Ngoài bảo vệ dơi, ngày càng có nhiều nỗ lực để tránh tai nạn với chim tại các trang trại gió.
Bài 1: Ứng phó thế nào khi trang trại điện gió khiến một số loài dơi có nguy cơ tuyệt chủng?
Trong bài trước, chúng ta đã nói về việc các chuyên gia đề xuất hạn chế hoạt động tua-bin điện gió để giảm thiểu nguy cơ cho loài dơi vốn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, mối lo ngại xung quanh đề xuất này là nó có thể kém khả thi với các trang trại gió ở địa điểm có tốc độ gió thấp. Trong những tình huống như vậy và cả trong trường hợp việc cắt giảm không hiệu quả thì cần có một chiến lược khác. Các nhà sinh thái đã đề xuất xua đuổi dơi khỏi các tua-bin gió bằng sóng thanh siêu âm (con người không nghe thấy) làm dơi mất phương hướng.
Cách tiếp cận này bắt nguồn từ các nghiên cứu về bướm hổ – con mồi phổ biến của dơi. Bướm hổ khi để thoát thân đã phát ra sóng siêu âm khiến dơi mất phương hướng. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2020, Sara Weaver, nhà sinh thái học động vật hoang dã của Bowman Consulting (một công ty tư vấn cho các doanh nghiệp năng lượng về kỹ thuật giảm thiểu tác động đến môi trường) có trụ sở tại Virginia (Mỹ) và các đồng nghiệp đã thử nghiệm thiết bị phát siêu âm tại một trang trại gió ở phía nam Texas.
Kết quả, họ nhận thấy tỷ lệ tử vong của loài dơi đuôi tự do Brazil giảm 54% và tỷ lệ tử vong của loài dơi hoary giảm 78%. Weaver cho biết, sau khi đối tác là một công ty năng lượng gió được xem kết quả, họ đã trang bị thêm cho tất cả 255 tua-bin gió các thiết bị ngăn chặn bằng sóng thanh siêu âm.
Nhưng đối với loài chim thì như thế nào khi chúng không có khả năng cảm nhận sóng siêu âm như dơi.
Vẫn phải cứu lấy chim
Ngoài bảo vệ dơi, ngày càng có nhiều nỗ lực để tránh tai nạn với chim tại các trang trại gió. Số chim chết do tua-bin gió gây ra ít hơn nhiều lần so với con số do mèo nhà bắt hoặc do va chạm với các công trình, phương tiện giao thông và đường dây điện. Nhưng trong thời đại mà các quần thể chim đang suy giảm, bất kỳ nguyên nhân nào làm chúng chết cũng cần phải được giải quyết.
Tom Will, nhà bảo tồn từng làm việc tại Cơ quan bảo tồn động vật hoang dã Mỹ cho biết một số loài chim bị ảnh hưởng nhiều hơn so với loài khác, chẳng hạn như các loài chim săn mồi có khả năng sinh sản chậm và chúng thường chỉ săn mồi ở những khu vực quang đãng, nhiều gió, vốn rất phổ biến để phát triển trang trại gió. Theo Will, đối với một số loài săn mồi như đại bàng vàng, nơi quần thể hầu như không ổn định hoặc đang suy giảm, “bất kỳ tỷ lệ tử vong nào cũng đáng lo lắng”.
Will cho biết thêm, cần tránh đặt các trang trại gió ở những khu vực có nguy cơ cao như đỉnh núi, nơi nhiều loài chim tập trung trong quá trình di cư và các loài chim ăn thịt thường phải có mặt ở đó để lợi dụng sức gió để nâng cơ thể trong quá trình bay. Nhưng ở những nơi không thể tránh hoàn toàn hoạt động của chim, có thể có một giải pháp tương đối đơn giản: sơn các cánh tua-bin.
Ý tưởng này bắt nguồn từ thí nghiệm được tiến hành vào cuối những năm 1900 bởi nhà khoa học về thị giác chim William Hodos thuộc Đại học Maryland. Ông phát hiện ra rằng khi chim cắt Mỹ đến gần hơn với các cánh quạt tua-bin đang quay, tốc độ quay trở nên quá nhanh khiến mắt chúng không thể bắt được hình ảnh mà chỉ tạo ra một vệt mờ gần như vô hình trên võng mạc. Nhưng Hodos phát hiện ra rằng việc sơn một cánh màu đen có thể làm cho chim dễ nhìn thấy các tua-bin hơn. Và gần đây, khi các nhà khoa học thử nghiệm phương pháp này ở Na Uy, họ phát hiện ra rằng cánh quạt tua-bin sơn đen giúp giảm 70% tỷ lệ tử vong đối với 19 loài chim.
Theo Shilo Felton, người đứng đầu chương trình nghiên cứu động vật hoang dã và gió thuộc Viện Năng lượng Tái tạo Mỹ, cách tiếp cận này cần được thử nghiệm nhiều hơn. Các tổ chức phi lợi nhuận đang thử nghiệm các cánh quạt được sơn tại một trang trại gió lớn ở Wyoming (Mỹ) để xem liệu nó có giúp đại bàng tránh va chạm hay không.
Alex Banks, một nhà điểu học làm việc về bảo tồn chim thuộc cơ quan giám sát bảo tồn Natural England của chính phủ Anh cho rằng chiến lược này cần phải điều chỉnh đối với các tua-bin gió ngoài khơi hiện đang được nở rộ ở Anh và châu Âu. Ví dụ, nhiều loài chim kiếm ăn trên biển, như mòng biển lưng đen có thị lực không đủ để tránh các tua-bin gió đang quay.
Banks nói: “Tôi cho rằng trong quá trình tiến hóa, chúng không mấy khi gặp phải những chướng ngại vật trong không gian tìm kiếm thức ăn của mình". Do đó, theo Banks, chúng không phát triển thị giác để phát hiện những chuyển động nhanh như cánh quạt tua-bin gió. Thế nên, sơn tháp tuabin cũng như các cánh quạt với hoa văn sặc sỡ là cần thiết.
Các giải pháp khác cũng đang được phát triển. Banks đang tham gia vào thử nghiệm sử dụng các công cụ dựa trên tia laser và theo dõi GPS để đo độ cao trên đường bay của các loài chim biển khác nhau. Mục đích là thông báo số liệu cho các nhà phát triển tua-bin ngoài khơi để họ cân nhắc độ cao khi lắp đặt tua-bin giúp giảm va chạm với chim khi chúng bay thấp trên mặt biển. Và tại một số trang trại gió ngoài khơi ở Hà Lan, các nhà khoa học đang phát triển phần mềm để dự đoán trước sự di chuyển của các loài chim di cư để từ đó, người vận hành có thể tắt các tua-bin trong khi chim di chuyển qua.
Trở lại với các trang trại gió trên đất liền, Viện Động vật hoang dã và Năng lượng tái tạo Mỹ đang thử nghiệm một hệ thống có camera để phát hiện những con đại bàng và các loài khác khi chúng bay đến gần, sau đó phát ra tín hiệu âm thanh để ngăn chặn chúng hoặc để tắt tua-bin.
Tại một số trang trại gió mà Viện hợp tác, họ còn thuê người chuyên quan sát đại bàng. Nếu nhìn thấy nguy cơ, các tua-bin gây nguy hiểm cho chim sẽ được điều chỉnh quay chậm hoặc dừng hẳn lại.
Chúng ta không thể cho rằng những biện pháp trên là vẽ vời. Vì điện gió có sứ mệnh kép vừa để tạo năng lượng, vừa để bảo vệ môi trường nên nếu không thể bảo vệ được sinh thái thì ý nghĩa của nó giảm sút đi rất nhiều.