Ở tuổi 70, Phó thủ tướng Lưu Hạc có khả năng phải tuân theo tiêu chuẩn hưu trí bất thành văn của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cố vấn kinh tế thân cận của ông Tập đến tuổi về hưu và khoảng trống kế cận

Cẩm Bình | 02/09/2022, 11:33

Ở tuổi 70, Phó thủ tướng Lưu Hạc có khả năng phải tuân theo tiêu chuẩn hưu trí bất thành văn của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc trước thềm đại hội đảng lần thứ 20 không được tốt cho lắm: tăng trưởng quý 2 chỉ có 0,4% và dự kiến tăng trưởng quý 3 cũng thấp hơn nhiều so với vài thập kỷ trước, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao, ngân hàng cấp địa phương chìm trong khủng hoảng, mâu thuẫn thương mại với phương Tây tiếp tục kéo dài.

Tình hình ảm đạm cần đến sự lãnh đạo mạnh mẽ và có tầm nhìn. Vì vậy bên cạnh vấn đề nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình tại đại hội đảng sắp tới, một điểm đáng quan tâm khác chính là ai sẽ đảm nhận vai trò “tổng chỉ huy kinh tế” - hiện do Phó thủ tướng Lưu Hạc đảm nhận - đưa Trung Quốc vượt qua khó khăn.

co001.jpg
Tăng trưởng GDP Trung Quốc tính theo quý - Ảnh: SCMP

Dù phụ trách phát triển kinh tế Trung Quốc về tổng thể là Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhưng Phó thủ tướng Lưu - cố vấn thân vận của Chủ tịch Tập - lại được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, biến ông trở thành quan chức kinh tế - tài chính có ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay.

Theo truyền thống thì nền kinh tế Trung Quốc được điều hành bởi Thủ tướng và các Phó thủ tướng, hoạt động thực tế do nhiều nhóm làm việc trực thuộc chính phủ phụ trách. Phó thủ tướng Lưu hiện là nhân vật lãnh đạo hai trong số nhóm làm việc này: Chủ nhiệm Văn phòng Tổ lãnh đạo công tác tài chính trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát triển - Cải cách quốc gia (NDRC).

Nổi tiếng với năng lực duy trì sự ổn định và liên tục của chính sách, Phó thủ tướng Lưu năm nay đã 70 tuổi và có khả năng phải tuân theo tiêu chuẩn hưu trí bất thành văn của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo tiêu chuẩn bất thành văn, Ủy viên Bộ chính trị không quá 67 tuổi, Phó thủ tướng nhất định phải nằm trong Bộ chính trị và Thủ tướng nằm trong Ban thường vụ Bộ chính trị.

Không rõ nhà lãnh đạo Trung Quốc liệu có sắp xếp Phó thủ tướng Lưu sang chức vụ khác để quan chức này tiếp tục phục vụ như trường hợp Vương Kỳ Sơn hay không. Ông Vương không còn là Ủy viên Bộ chính trị nhưng vẫn giữ chức Phó chủ tịch nước.

co1200x-1.jpg
Phó thủ tướng Lưu Hạc - Ảnh: Bloomberg

Phó thủ tướng Lưu sinh ra tại Bắc Kinh, tốt nghiệp ngành kinh tế công nghiệp đại học Nhân dân, sau đó lấy bằng thạc sĩ hành chính công tại trường Quản lý Nhà nước John.F.Kennedy thuộc đại học Harvard. Ông giám sát nỗ lực cải cách doanh nghiệp quốc doanh, lĩnh vực tài chính, chính sách công nghiệp, công nghệ và đổi mới của Trung Quốc, phụ trách đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Nhà phân tích Andrew Batson thuộc công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics nhận định: “Người kế nhiệm bất kể là ai cũng không thể có quyền hạn cá nhân lớn như Phó thủ tướng Lưu”.

Học giả Christopher Johnson thuộc Viện Chính sách xã hội châu Á cho rằng Chủ tịch Tập đang tìm kiếm một người có kinh nghiệm hoạt động: “Đây là yêu cầu trên hết và trung tâm, vì khôi phục kinh tế sẽ là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng sau đại hội đảng”.

Chủ nhiệm NDRC Hà Lập Phong được đánh giá là ứng viên kế nhiệm sáng giá. Ông từng làm việc với Chủ tịch Tập lúc ở thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) những năm 1980, vài năm gần đây thường xuyên tháp tùng Chủ tịch Tập đi thị sát.

Với bằng tiến sĩ ngành tài chính, Chủ nhiệm Hà đảm nhiệm qua nhiều chức vụ lớn ở Phúc Kiến và Thiên Tân, hiện nay còn là người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình chuyên bàn luận các vấn đề mà Phó thủ tướng Liu đang phụ trách như tự chủ về công nghệ hay phát triển dựa trên đổi mới.

Hai ứng viên khác là Chủ nhiệm Ủy ban quản lý Bảo hiểm - Ngân hàng Quách Thụ Thanh và Phó chủ nghiệm Ủy ban Tài chính - Kinh tế trung ương Hàn Văn Tú.

Người kế nhiệm Phó thủ tướng Lưu sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn. Nhà nghiên cứu Bert Hofman thuộc đại học quốc gia Singapore chỉ ra: “Tăng trưởng năng suất đã thấp hơn nhiều so với vài thập kỷ trước và hiện gần như không đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Và với lực lượng lao động giảm dần thì tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc cũng giảm”.

Hầu hết cải cách năm 2013 đều dựa vào nguồn cung và một số chính sách (chẳng hạn quy định thị trường cứng rắn hơn, thúc đẩy đổi mới) có xu hướng doanh nghiệp quốc doanh. Tái cân bằng bên cầu khó khăn hơn, tiến bộ không đáng kể, tiêu dùng hộ gia đình vẫn ở mức dưới 40% GDP – thấp hơn mức 55 - 60% GDP ở quốc gia thu nhập cao, theo nhà nghiên cứu Hofman.

Chuyên gia kinh tế George Magnus thuộc đại học Oxford đánh giá Phó thủ tướng Lưu đã thành công trong chỉnh đốn thể chế và quy định thị trường tài chính, kiềm chế hoạt động tài chính ngầm, nhưng một số cải cách khác chưa đạt kết quả như ý. Điều cấp thiết lúc này là thay đổi mô hình tăng trưởng, cải cách bên cầu, tìm động lực tăng trưởng thay thế nợ và bất động sản, phân bố lại của cải để kích thích tiêu dùng.

“Nếu Phó thủ tướng Lưu không làm được hoặc không thuyết phục được Chủ tịch Tập chấp nhận, thì người kế nhiệm cũng sẽ khó lòng thành công”, theo chuyên gia Magnus.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cố vấn kinh tế thân cận của ông Tập đến tuổi về hưu và khoảng trống kế cận