Dữ liệu từ Vương quốc Anh cho thấy có thể cần tới 2 – 3 mũi vắc xin COVID-19 tăng cường mỗi năm để bảo vệ người có nguy cơ cao.

Có thể cần vắc xin đặc trị Omicron và các biến thể mới để không phải tiêm 2–3 mũi mỗi năm

Sơn Vân | 30/12/2021, 23:26

Dữ liệu từ Vương quốc Anh cho thấy có thể cần tới 2 – 3 mũi vắc xin COVID-19 tăng cường mỗi năm để bảo vệ người có nguy cơ cao.

Phân tích từ Anh chỉ ra rằng mũi vắc xin tăng cường của Pfizer và Moderna ngăn nhiễm Omicron kém hiệu quả hơn so với biến thể Delta.

Dữ liệu cho thấy mũi vắc xin tăng cường Pfizer và Moderna đều có hiệu quả 90% chống lại nhiễm Delta có triệu chứng trong ít nhất 9 tuần. Ngược lại, hiệu quả mũi vắc xin tăng cường chống nhiễm Omicron có triệu chứng thấp hơn Delta khoảng 30% và dường như giảm thêm sau 10 tuần.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết khả năng bảo vệ chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng giảm từ 70% xuống 45% trong vòng 10 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường Pfizer-BioNTech cho những người ban đầu nhận hai liều vắc xin này.

Trong cùng một phân tích, UKHSA phát hiện ra hiệu quả của mũi vắc xin Moderna tăng cường kết hợp với hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech ban đầu giữ mức chống nhiễm Omicron có triệu chứng từ 70% đến 75% trong tối đa 9 tuần, dù không có nhiều người trong nghiên cứu tiêm ba mũi vắc xin kiểu này. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của phát hiện.

Với những người ban đầu nhận hai liều vắc xin AstraZeneca, hiệu quả mũi tăng cường giảm từ 60% xuống 35% với Pfizer và xuống 45% với Moderna sau 10 tuần, UKHSA cho biết.

Phân tích nêu trên bao gồm 147.597 ca nhiễm Delta và 68.489 trường hợp nhiễm Omicron ở Anh.

Nếu kết quả ban đầu nêu trên trở thành hướng dẫn hữu ích, những người có nguy cơ cao có thể phải tiêm 2 hoặc thậm chí 3 mũi vắc xin tăng cường mỗi năm để duy trì khả năng phòng thủ chống lại SARS-CoV-2

Israel đã bắt đầu thử nghiệm tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường thứ hai (tức tiêm tổng cộng 4 mũi) cho 150 nhân viên y tế và ít nhất một trung tâm y tế ở Mỹ đang xem xét khuyến nghị nhân viên tiêm nhắc lại lần thứ hai.

co-the-can-vac-xin-dac-tri-omicron-va-cac-bien-the-moi-de-khong-phai-tiem-2-3-mui-moi-nam.png
Nhiều hãng đang chạy đua phát triển vắc xin đặc trị Omicron

Các chuyên gia y tế ở Úc cho biết kết quả từ dữ liệu sau 12 tuần tiêm mũi vắc xin tăng cường sẽ cần thiết để có được bức tranh dài hạn hơn.

Jaya Dantas, Giáo sư y tế quốc tế tại Đại học Curtin (Úc), nói vẫn còn rất sớm để tìm hiểu về hiệu quả của mũi tăng cường nhưng “có vẻ như cần phải tiêm vắc xin thường xuyên”.

Jaya Dantas nhận định: “Bạn có thể cần mũi vắc xin tăng cường, 2 hoặc 3 lần một năm”, trong đó những người cao tuổi nhiều khả năng thích hợp với 3 liều mỗi năm.

Đến nay SARS-CoV-2 đã sinh ra 11 biến thể, trong đó Delta và Omicron là loại dễ lây lan nhất. 10 trong số 11 chủng SARS-CoV-2 đó đã xuất hiện ở các khu vực đang phát triển trên thế giới.

Jaya Dantas nói: “Chúng ta có sự bất bình đẳng về vắc xin, với khoảng cách có thể ngày càng mở rộng khi nhu cầu tăng cao ở các nước giàu hơn. Vì vậy, nhiều vùng của châu Phi thậm chí chưa có một liều vắc xin nào hoặc có mức độ rất thấp của một liều duy nhất".

Michael Lydeamore, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Monash (Úc), cho biết cảm thấy yên tâm từ nghiên cứu ở Anh rằng “bất kể hai liều vắc xin đầu tiên của bạn là gì - AstraZeneca, Pfizer hoặc Moderna - về cơ bản bạn sẽ nhận được sự bảo vệ giống nhau” nếu tiêm mũi tăng cường Pfizer hoặc Moderna.

Điều đó thực sự quan trọng bởi chúng tôi biết khả năng bảo vệ của AstraZeneca thấp hơn một chút so với Pfizer. Thế nhưng, cả hai đều tăng lên cùng mức sau khi nhận mũi tăng cường Pfizer, nên điều đó thực sự tốt”, Michael Lydeamore cho hay.

Để tránh việc tiêm quá nhiều mũi vắc xin trong 1 năm, chúng ta có thể cần đến loại đặc trị Omicron và các biến thể SARS-CoV-2 xuất hiện trong tương lai.

Hôm 21.12, AstraZeneca cho biết họ đang làm việc với Đại học Oxford (Anh) để sản xuất loại vắc xin nhắm vào biến thể Omicron.

Người phát ngôn của AstraZeneca nói: “Cùng với Đại học Oxford, chúng tôi đã thực hiện các bước sơ bộ trong việc sản xuất vắc xin biến thể Omicron trong trường hợp cần thiết và sẽ thông báo bằng các dữ liệu mới”.

Sandy Douglas, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, chia sẻ với tờ Financial Times: “Về nguyên tắc, vắc xin dựa trên adenovirus (chẳng hạn như vắc xin do Oxford - AstraZeneca sản xuất) có thể được sử dụng để đáp ứng với bất kỳ biến thể mới nào nhanh hơn so với một số loại trước đây”.

Như vậy, hãng dược Anh – Thụy Điển sẽ cùng các nhà sản xuất khác tìm cách phát triển vắc xin dành riêng cho Omicron.

Trước đó, Pfizer – BioNTech, Moderna, Novavax cũng cho biết đang nghiên cứu vắc xin COVID-19 đặc trị Omicron và có thể tung ra trong tháng 3.2022 hoặc quý 2 năm tới.

Sau 2 năm nghiên cứu, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed (Mỹ) đang đạt được tiến bộ trong việc phát triển vắc xin pan-coronavirus. Đây là loại vắc xin có thể chống lại tất cả coronavirus và biến thể, bao gồm cả Omicron và những loại có khả năng xuất hiện trong tương lai.

Theo trang Defense One, các nhà khoa học tại Emerging Infectious Diseases Branch thuộc Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed đã đặt mục tiêu này ngay từ đầu đại dịch khi họ nhận được toàn bộ trình tự bộ gen đầu tiên của SARS-CoV-2.

Nó được gọi là vắc xin SpFN (Spike Ferritin Nanoparticle), đang hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và sẽ cần phải trải qua giai đoạn 2, 3.

Thế nhưng, các nhà phát triển cho biết vắc xin này đã chứng minh tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ và hứa hẹn có thể mang lại sự bảo vệ rộng rãi hơn các sản phẩm hiện tại.

Vắc xin SpFN sử dụng một hạt nano hình quả bóng đá với 24 mặt cho phép các nhà khoa học gắn các gai nhiều chủng coronavirus lên các mặt khác nhau của protein.

Trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm, các kháng thể do vắc xin này tạo ra bảo vệ chuột khỏi những gì có thể gây chết chóc từ SARS-CoV-2 và cả vi rút gây ra dịch SARS năm 2003, các nhà nghiên cứu cho biết trên Tạp chí Cell Reports.

Trưởng nhóm nghiên cứu Gordon Joyce thuộc Viện nghiên cứu Quân đội Walter Reed cho biết: “Trình bày nhiều bản sao của protein gai một cách có trật tự có thể là chìa khóa để tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh và rộng”.

Ông nói vắc xin này sẽ duy trì ổn định ở một loạt nhiệt độ, khiến nó đặc biệt hữu ích ở những nơi không có thiết bị bảo quản chuyên dụng.

Gần đây, nhiều nước đã rút ngắn khoảng thời gian chờ tiêm mũi vắc xin tăng cường từ 6 tháng xuống còn 3 – 5 tháng.

Tính đến ngày 30.12, hơn 2 triệu người Úc đã nhận được mũi vắc xin COVID-19 tăng cường, chiếm 8,3% tổng dân số.

Tuần trước, chính phủ liên bang Úc đã đồng ý giảm khoảng thời gian chờ tối thiểu giữa liều thứ hai và liều thứ ba từ 5 tháng xuống 4 tháng rồi 3 tháng, giúp hàng triệu người có đủ điều kiện nhận mũi tăng cường trong những tuần tới.

Bài liên quan
Israel thử nghiệm tiêm liều vắc xin COVID thứ 4 cho 150 người, chờ Bộ Y tế quyết định
Hôm 27.12, một bệnh viện của Israel đã tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 4 cho nhóm thử nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có thể cần vắc xin đặc trị Omicron và các biến thể mới để không phải tiêm 2–3 mũi mỗi năm