Các nỗ lực phát triển cơ sở sản xuất vắc xin COVID-19 ở châu Phi sẽ tập trung vào việc cố gắng tái tạo vắc xin của Moderna, nhưng việc thiếu tiến độ trong các cuộc đàm phán với công ty công nghệ sinh học Mỹ có nghĩa là dự án sẽ mất nhiều thời gian.

Cơ sở do WHO hậu thuẫn muốn tái tạo vắc xin COVID-19 của Moderna, cung cấp cho các nước nghèo

Sơn Vân | 14/09/2021, 22:02

Các nỗ lực phát triển cơ sở sản xuất vắc xin COVID-19 ở châu Phi sẽ tập trung vào việc cố gắng tái tạo vắc xin của Moderna, nhưng việc thiếu tiến độ trong các cuộc đàm phán với công ty công nghệ sinh học Mỹ có nghĩa là dự án sẽ mất nhiều thời gian.

Một quan chức cấp cao của WHO hé lộ với Reuters thông tin trên.

Động lực sản xuất vắc xin ở châu Phi được thiết kế để giúp nhiều nước nghèo và đang phát triển tiếp cận với mũi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sau khi các nước giàu có đã mua hầu hết nguồn cung của năm nay.

Vào tháng 10.2020, Moderna cho biết họ sẽ không thi hành luật với các bằng sáng chế liên quan đến vắc xin trong đại dịch, làm dấy lên hy vọng rằng các công ty khác có thể sao chép nó và giúp thúc đẩy sản xuất vắc xin COVID-19.

Tuy nhiên trên thực tế, rất khó để tái tạo vắc xin COVID-19 nếu không có thông tin về cách sản xuất và trung tâm chuyển giao công nghệ do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn tại Nam Phi. Cơ sở này được thành lập vào tháng 6 để cung cấp cho các nước nghèo hơn bí quyết sản xuất vắc xin COVID-19, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Moderna.

"Các cuộc đàm phán không mang lại kết quả nào", Martin Friede, điều phối viên sáng kiến của WHO về nghiên cứu vắc xin, nói với Reuters.

Moderna không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện này.

Vụ việc nêu bật những thách thức mà WHO phải đối mặt khi tổ chức này chiến đấu để mở rộng sản xuất vắc xin, giúp giải quyết sự bất bình đẳng rõ rệt giữa các nước giàu và nghèo trong đại dịch.

Hơn 3/4 trong số 5,5 tỉ liều vắc xin COVID-19 được tiêm trên toàn cầu diễn ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình và cao, chỉ chiếm hơn 1/3 dân số thế giới.

Tuần trước, quan chức y tế hàng đầu của Liên minh châu Phi cho biết chỉ có 3% dân số châu Phi được tiêm vắc xin, so với hơn một nửa của Mỹ và 3/4 ở Tây Ban Nha.

trung-tam-do-who-hau-thuan-muon-tai-tao-vac-xin-moderna.jpg
Các lọ vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer - BioNTech và Moderna

Martin Friede cho biết vắc xin của Moderna đã được chọn là nguồn thông tin công khai dồi dào và cam kết không thực thi luật với bằng sáng chế khiến loại vắc xin này dễ bị sao chép hơn một số đối thủ.

Ông Martin Friede nói: "Chúng tôi phải đưa ra lựa chọn ngay bây giờ. Thời hạn đã đến với chúng tôi; đến lúc bắt đầu đặt hàng hóa chất. Chúng tôi đã chọn Moderna".

Khi trung tâm quản lý mà không có sự giúp đỡ của Moderna, có thể mất hơn một năm để có được vắc xin phân phối vì các thử nghiệm lâm sàng sẽ chỉ bắt đầu vào nửa cuối năm 2022, ông Martin Friede nói thêm.

Vào tháng 5, Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19 để giúp đẩy nhanh việc chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối từ các công ty dược phẩm. Các hãng cho rằng họ cần phải giám sát bất kỳ quá trình chuyển giao công nghệ nào do sự phức tạp của quy trình sản xuất.

Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) đã ký một thỏa thuận riêng vào tháng 7 để Viện Biovac (Nam Phi) giúp sản xuất khoảng 100 triệu liều vắc xin COVID-19 của họ mỗi năm cho châu Phi. Vắc xin của Pfizer - BioNTech sử dụng công nghệ mRNA giống Moderna.

Tuy nhiên, thỏa thuận này là để "làm đầy và hoàn thành" vắc xin, các công đoạn cuối cùng của sản xuất, nơi sản phẩm được cho vào lọ, niêm phong và đóng gói để vận chuyển. Nó không bao gồm quy trình sản xuất mRNA phức tạp mà Pfizer và BioNTech sẽ thực hiện tại các nhà máy ở châu Âu của họ.

WHO đã cố gắng thuyết phục Moderna và Pfizer-BioNTech hợp lực với trung tâm chuyển giao công nghệ châu Phi của mình. Thế nhưng, Moderna, Pfizer-BioNTech và các hãng khác (hầu hết kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ tiêm chủng) đã cảnh báo rằng các nhà sản xuất không được ủy quyền sẽ cạnh tranh để có được nguyên liệu thô và thiết bị sản xuất quan trọng mà họ dựa vào.

Là đối tác của trung tâm do WHO hậu thuẫn, Afrigen Biologics sẽ sản xuất lô vắc xin ban đầu trước khi chuyển giao kỹ năng và công nghệ cho đối tác địa phương, còn Viện Biovac sẽ sản xuất vắc xin hàng loạt. Cả hai đều có trụ sở tại thủ đô Cape Town, Nam Phi.

Ông Martin Friede nói về cuộc đàm phán với các công ty để tiếp cận thông tin, đồng thời cho biết thêm rằng tiền bản quyền, giới hạn lãnh thổ và các ràng buộc khác có thể được xây dựng thành một thỏa thuận. song, các nhà phân tích chăm sóc sức khỏe nghi ngờ kế hoạch có thể được hoàn tất nhanh chóng.

Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe toàn cầu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington (Mỹ), cho biết: “Có nhiều bước sẽ đòi hỏi nhiều lần lặp lại trước khi chúng có thể sẵn sàng cho việc sản xuất cấp thương mại vào thời điểm quan trọng”.

Bài liên quan
‘Với vắc xin Moderna, J&J được phê duyệt đầy đủ sau Pfizer, Mỹ có thể kiểm soát COVID-19 đầu năm 2022’
Mỹ có thể kiểm soát được COVID-19 vào đầu năm 2022, với khả năng nhiều vắc xin hơn sẽ được FDA phê duyệt đầy đủ trong vài tuần tới, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết hôm 24.8.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ sở do WHO hậu thuẫn muốn tái tạo vắc xin COVID-19 của Moderna, cung cấp cho các nước nghèo